Đông đảo học sinh đến với chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2017 diễn ra tại Trường THPT Lý Thường Kiệt (thị xã La Gi, Bình Thuận) sáng 15-1 - Ảnh: A Lộc |
Chương trình này do báo Tuổi Trẻ, Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT Bình Thuận và Tỉnh đoàn Bình Thuận phối hợp tổ chức với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup.
Cơn mưa khá nặng hạt sáng nay vẫn không ngăn được hơn 2.000 học sinh đến với. Ngoài số học sinh đông đảo nhất của Trường THPT Lý Thường Kiệt có mặt tại buổi tư vấn từ rất sớm, chúng tôi nhận thấy còn có nhiều học sinh đến từ các trường: THPT Nguyễn Huệ, THPT Đức Tân, THPT Hàm Tân, THPT Huỳnh Thúc Kháng và THPT Nguyễn Trường Tộ.
Đăng ký xét tuyển cùng lúc với đăng ký dự thi
Trong phần tư vấn chung, ThS Nguyễn Mạnh Hùng - Vụ Giáo dục đại học Bộ GD-ĐT đã chia sẻ những điểm cần lưu ý với thí sinh về kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH năm 2017. Trả lời thắc mắc của một số học sinh về việc đăng ký xét tuyển, ông Hùng cho biết năm nay thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH cùng lúc với việc đăng ký thi THPT quốc gia. Sau khi có kết quả thi, các em có quyền thay đổi nguyện vọng đã đăng ký trước đó.
Chia sẻ thông tin về kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 tại Bình Thuận, TS Trần Lương Công Khanh - trưởng phòng giáo dục chuyên nghiệp Sở GD-ĐT Bình Thuận năm nay các em có thuận lợi sẽ thi ngay tại các trường THPT mình đang học.
Theo PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng, phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM thị trường lao động nước ta hiện nay khác với các năm trước. Sinh viên VN sau khi ra trường có thể làm việc ở các nước ASEAN, ngược lại sinh viên các nước cũng có thể đến VN để làm việc. Vì vậy sẽ tạo ra cạnh tranh rất lớn trong vấn đề việc làm.
“Các em cần chú ý đến thế mạnh của địa phương, biết được những ngành chủ lực để chọn ngành học phù hợp, từ đó tăng cơ hội việc làm. Cụ thể, ở Bình Thuận có một số ngành nghề như nông nghiệp, thủy sản, du lịch… Chọn nghề nào chúng ta yêu thích là quan trọng nhất. Các em nên cân nhắc cẩn thận, không nên vội vàng khi đưa ra quyết định quan trọng này” – thầy Hùng khuyên.
Nên chọn ngành theo sở thích
Trả lời thắc mắc của một học sinh về việc chọn ngành chọn ngành theo sở thích hay theo nhu cầu xã hội, PGS.TS Nguyễn Văn Thư - hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cho biết nhu cầu xã hội luôn thay đổi. Có nhiều ngành nghề hiện nay có nhu cầu rất lớn nhưng trong vài năm tới nhu cầu sẽ giảm mạnh. Trong khi sở thích của các em có tính lâu dài hơn.
Đến với buổi tư vấn Hồ Đức Nhân , học sinh Trường THPT Lý Thường Kiệt cho biết em và nhiều bạn học sinh có nhiều thắc mắc cần được giải đáp. Theo quy chế hiện nay, thí sinh phải thi trước rồi mới xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ sau. Nhân bày tỏ với niềm đam mê, sở thích, tự đánh giá năng lực, khả năng cùng với sự định hướng của gia đình em đã xác định mục tiêu trong tương lai của bản thân là sẽ trở thành luật sư mang lại công lý cho mọi người.
Xem qua một số thông tin trên mạng, tại các trường luật hiện nay có nhiều ngành mới ra đời khiến học sinh khá khó khăn trong việc lựa chọn ngành học phù hợp. “Nếu một học sinh có niềm đam mê học tập các môn thuộc khối xã hội và nhân văn, bên cạnh đó lại đam mê các vấn đề giải quyết xung đột trong cuộc sống thì em phải thi vào ngành nào phù hợp nhất?” – Nhân thắc mắc.
Trả lời câu hỏi này, PGS.TS Trần Việt Dũng - trưởng khoa luật quốc tế Trường ĐH Luật TP.HCM, cho biết năm nay, Trường ĐH Luật TP.HCM sẽ xét tuyển theo tổ hợp các môn xét tuyển, gồm: khối A (Toán, Lý, Hóa); khối A1 (Toán, Lý, tiếng Anh); khối C (Văn, Sử, Địa); khối D (Toán, Văn, Ngoại ngữ - D1: tiếng Anh, D3: tiếng Pháp; D6: tiếng Nhật).
Nhà trường xét tuyển tổ hợp mới, gồm: D14,63,64 (Văn, Sử, Ngoại ngữ - D14: tiếng Anh, D63: tiếng Nhật; D64: tiếng Pháp); D66,69,70: (Văn, Giáo dục công dân, Ngoại ngữ - D66: tiếng Anh, D69: tiếng Nhật; D70: tiếng Pháp); D84,87,88 (Toán, Giáo dục công dân, Ngoại ngữ - D84: tiếng Anh, D87: tiếng Pháp; D88: tiếng Nhật).
“Đối với khối ngành luật hiện nay nhà trường đào tạo nhiều ngành: luật, quản trị kinh doanh, luật thương mại quốc tế, quản trị luật, ngôn ngữ Anh (chuyên ngành Anh văn pháp lý). Nhà trường xét tuyển kết hợp với kiểm tra năng lực.
Theo đó, phương thức tuyển sinh được nhà trường thực hiện qua hai bước (bước 1: xét tuyển, bước 2: kiểm tra năng lực) với ba tiêu chí (xét điểm học bạ, xét điểm kỳ thi THPT quốc gia và điểm của bài kiểm tra năng lực). Dựa vào những thông tin này, em có thể xác định được thế mạnh của mình để quyết định chọn ngành phù hợp” - ông Dũng tư vấn.
Hàng ngàn học sinh đã có mặt tại buổi tư vấn, dù trời mưa - Ảnh: HỮU KHOA |