Sau những vụ như vụ cơ sở Mầm Xanh, quận 12, thành phố Hồ Chí Minh vừa rồi, cộng đồng xã hội nổi cơn sốc; cơ quan công an lại vào cuộc, điều tra, khởi tố; chính quyền và ngành giáo dục lại kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh, xử lý...
Những vụ bạo hành trẻ em xảy ra liên tục trong thời gian gần đây khiến dư luận hoang mang. |
Những đối tượng trực tiếp bạo hành con trẻ sẽ bị điều tra, xử lý; một số cơ sở nuôi dạy trẻ không đủ tiêu chuẩn hoạt động sẽ bị phạt tiền hoặc bị đóng cửa; một vài công chức, viên chức chính quyền, ngành giáo dục sẽ được lưu ý, nhắc nhở, rút kinh nghiệm...
Thêm nhiều cơ sở nuôi dạy trẻ tư thục sẽ được gắn camera theo dõi, giám sát...
Đó là những việc làm đối phó tình thế, giải quyết phần ngọn, có tác dụng trấn an dư luận nhiều hơn. Như lời bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, cách xử lý vụ việc kiểu này, “khi qua rồi sẽ lại yên ắng như chưa có chuyện gì xảy ra”.
“Yên ắng như chưa có chuyện gì xảy ra”, thì tất yếu, vụ việc mới, tương tự, sẽ lại xảy ra.
Không ai dám chắc, sau vụ Mầm Xanh, nơi này nơi khác, thậm chí ở ngay thành phố Hồ Chí Minh, nơi có khoảng 1800 cơ sở nhóm giữ trẻ ngoài công lập, hoặc quận 12, sẽ không tái diễn một Mầm Xanh tương tự.
Không ai dám chắc, sau vụ Mầm Xanh, xã hội sẽ quan tâm, xây thêm nhiều nhà trẻ, lớp mẫu giáo, làm vợi bớt áp lực nặng nề đè lên ông bố bà mẹ, giảm bớt căn bệnh trầm cảm, tự kỷ, rối loạn tâm lý của một bộ phận con trẻ do cách nuôi dạy trẻ chẳng khác hành hạ trẻ.
Đó là nghiêm túc nhìn lại chủ trương xã hội hoá giáo dục mầm non. Xã hội hoá theo cách thức nào, ở mức độ nào? Không được vin vào chủ trương xã hội hoá giáo dục mầm non mà buông lỏng, chối bỏ trách nhiệm nhà nước ở bậc học nền tảng này. Có nên khuyến khích các tổ chức kinh tế đầu tư cơ sở vật chất nuôi dạy trẻ mầm non, mẫu giáo?
Có nên luật hóa chủ trương: mọi khu công nghiệp, khu đô thị, khu giãn dân, tái định cư phải có đủ cơ sở nuôi dạy trẻ và cô nuôi dạy trẻ tương ứng? Có nên nhìn lại những chủ trương, chính sách về giáo dục thời bao cấp, để tiếp thu những chủ trương chính sách ưu việt, vì trẻ em, vì con người, thời nào cũng cần?
Thời đó, cùng với tổ chức xã, phường, khu dân phố, thì mỗi tổ chức kinh tế, từ hợp tác xã, đến công trường, nhà máy, xí nghiệp đều tổ chức nhà trẻ, lớp mẫu giáo, cho đến khi chuyển nền kinh tế vận hành theo quy luật kinh tế thị trường.
Ngay cả thời hiện tại,nhiều nước tư bản phát triển vẫn duy trì chính sách bao cấp giáo dục, đặc biệt giáo dục bậc mẫu giáo mầm non. Quốc gia còn nghèo như Cu-ba, vẫn không từ bỏ chính sách bao cấp cho giáo dục.
Vậy phải chăng nên công lập hoá giáo dục mầm non, đặc biệt, công lập hoá đội ngũ giáo viên mầm non, như đề xuất của nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Hoài Thu?
Những gì tốt đẹp nhất, phải dành cho giáo dục, dành cho trẻ em. Trẻ em phải được đối xử công bằng.
Giáo dục bậc mẫu giáo, mầm non rất hệ trọng và nhạy cảm, dễ phát sinh hệ lụy không mong muốn, kể cả hệ lụy chính trị, xã hội. Giải quyết tận gốc tình trạng bạo hành con trẻ ở các nhóm nhà trẻ, mẫu giáo không chỉ dừng lại ở biện pháp xử lý tình huống, mà cần một chủ trương ở tầm vĩ mô, quốc sách.
Dừng lại ở biện pháp xử lý tình huống, không thể đi đến chấm dứt nạn bạo hành con trẻ.
Những gì đang diễn ra trong thực tế mách bảo rằng, đối với bậc giáo dục mầm non, Nhà nước không thể buông theo chủ trương xã hội hoá. Xã hội hoá có mức độ và không xa rời nguyên tắc giáo dục. Nhà nước phải lo cơ sở vật chất, đào tạo giáo viên, đảm bảo trẻ em nông thôn hay thành phố, miền núi hay hải đảo, con nhà giàu hay con nhà nghèo, đều phải được hưởng chất lượng chăm sóc, nuôi dạy như nhau, không có sự phân biệt và cách biệt.
Lắp camera có phải là 'cây đũa thần' để trẻ không bị bạo hành tại lớp?
Theo một số chuyên gia, việc lắp đặt camera giám sát ở lớp mới chỉ là điều kiện cần thôi chứ chưa phải là "cây ... |