Mặc dù mặt bằng tái định cư chưa hoàn thiện nhưng vì mong muốn sớm ổn định cuộc sống, bắt tay vào công việc sản xuất, kinh doanh, nên gia đình anh La Thọ Thịnh ở thôn Kim Bôi xã Đông Thanh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã phải tức tốc dựng nhà nơi ở mới.
Nói là mặt bằng nhưng thực chất khu tái định cư xã Đông Thanh chẳng khác nào khu ruộng đồng, nhếch nhác và chưa đảm bảo các điều kiện cần thiết như điện, nước, ảnh hướng lớn đến cuộc sống người dân.
"Hiện chúng tôi phải kéo nhờ điện từ bên kia đường, nước cũng thế, cả khu này không khoan giếng được chỗ nào nhưng gia đình chúng tôi vẫn xuống, chúng tôi là những người đầu tiên xuống đây", anh La Thọ Thịnh cho biết.
Mặt bằng tái định cư chưa đảm bảo qui định, giá đề bù thấp, việc áp giá chưa có sự thống nhất, công khai đến từng hộ dân…là lí do khiến 25 hộ chưa nhận tiền bồi thường để về nơi ở mới.
"Đến nay còn 25/98 hộ chưa nhận tiền với lí do đề nghị tính mức giá bồi thường năm 2020 về đất ở, hai hộ thắc mắc về diện tích thực tế và diện tích trên giấy. Chính quyền xã đã vận động, các hộ kiên quyết, chờ nhau.
Khi ban hành quyết định thu hồi đất, ra quyết định chung cho tất cả các hộ, nhưng các hộ yêu cầu ban hành riêng cho mỗi hộ" - cán bộ địa chính xã Đông Thanh, huyện Đông Sơn cho biết.
Giải phóng mặt bằng và tổ chức di dân tái định cư mặt bằng cao tốc Bắc - Nam là dự án lớn trọng điểm quốc gia.
Thế nhưng, công tác chuẩn bị ở địa phương chưa thực sự tốt, đặc biệt việc bố trí mặt bằng tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng.
Công trình dự án, mặt bằng san lấp, đường giao thông, vỉa hè dù mới thi công đã sụt lún, gây bất an cho người dân chuyển về nơi ở mới.
Theo ông Đồng Văn Long, Phó Giám đốc Ban quản lí dự án huyện Đông Sơn, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng dự án qua địa bàn huyện Đông Sơn là việc xác định nguồn gốc đất, do UBND các xã giao đất trái thẩm quyền sau thời điểm 1/7/2004.
Về vấn đề bảo đảm mặt bằng tái định cư, ông Đồng Văn Long thừa nhận, do quy trình đấu mối chậm nên việc đảm bảo điện, nước cho người dân bị chậm. Huyện Đông Sơn sẽ tổ chức cưỡng chế nếu người dân không nhận tiền bồi thường.
"Về những hộ chưa nhận tiền để đảm bảo tiến độ bàn giao mặt bằng trước 30/6 theo chỉ đạo của tỉnh, huyện đã giao các xã thành lập các tổ vận động người dân, để thực hiện quy trình theo các bước để cưỡng chế nếu các hộ vẫn không nhân tiền.
Các xã đã vận động hai lần, nếu lần thứ ba không nhận thì sẽ phải cưỡng chế", ông Đồng Văn Long cho biết.
Tổng chiều dài tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam qua địa phận tỉnh Thanh Hóa là trên 100 km. Tổng diện tích đất bị ảnh hưởng là gần 850 ha.
Số hộ bị ảnh hưởng bởi dự án là 9.182 hộ. Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đề nghị các địa phương cần rà soát lại chuẩn xác kinh phí giải phóng mặt bằng để có cơ sở xử lí, khẩn trương lựa chọn nhà thầu thi công 82 khu tái định cư còn lại để triển khai hoàn thành trong quí II/2020.
Việc bàn giao mặt bằng dự án vào cuối quí II/2020 là mục tiêu và nhiệm vụ cấp bách phải hoàn thành, đảm bảo tháng 8/2020 thi công cao tốc Bắc – Nam.