Trao đổi với Zing.vn chiều 18/10, ông Nguyễn Việt Mười, Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sóc Trăng, cho biết thanh tra sở đã làm việc với trường THPT Hoàng Diệu (TP Sóc Trăng) để làm rõ những thông tin liên quan tài chính.
Việc thanh tra này không phải làm theo đơn tố cáo của giáo viên mà xuất phát từ yêu cầu của lãnh đạo tỉnh khi nhận được một số tin nhắn.
"Qua thanh tra cơ bản là không phát hiện sai phạm, chỉ có sai sót nhỏ trong công việc, sau này hướng dẫn khắc phục", ông Mười nói.
Trường THPT Hoàng Diệu. Ảnh: Việt Tường. |
Ông Mười từ chối cung cấp kết luận thanh tra cho phóng viên với lý do đang đi công tác. Vị này yêu cầu Zing.vn làm công văn gửi sở, ông sẽ bố trí thời gian làm việc.
Theo phản ánh của giáo viên, ngày 9/5/2014, UBND tỉnh Sóc Trăng có quyết định 07 về quy định dạy thêm, học thêm. Theo điểm b, khoản 1, điều 14 của quyết định này, chi thù lao cho giáo viên trực tiếp dạy thêm tại trường là 80%; 15% chi điện, nước, sửa chữa cơ sở vật chất và 5% còn lại chi công tác quản lý.
Theo tài liệu thu thập được, gần nhất là học kỳ 2 năm học 2016-2017, trường THPT Hoàng Diệu tổng thu tiền dạy thêm (tăng cường buổi chiều) cho học sinh ba khối lớp 10, 11, 12 là trên 587,8 triệu đồng. Trong đó, nếu chi 80% cho giáo viên theo quy định là 470,3 triệu, nhưng thực tế những người trực tiếp dạy cho các em chỉ nhận được 356,5 triệu đồng.
Trong 192,6 triệu đồng thu tiền dạy thêm của khối lớp 10, học kỳ 1 năm học 2016-2017, trường THPT Hoàng Diệu chi quản lý và tiếp khách 31 triệu đồng. Ảnh: Việt Tường. |
"Như vậy, số tiền chênh lệch trên 113 triệu đi về đâu? Quy định của UBND tỉnh là vậy nhưng thực tế chúng tôi chỉ được trường trả theo tiết dạy. Khối 12 là 100.000 đồng mỗi tiết, còn khối 10 và 11 chỉ 90.000 đồng mỗi tiết", một giáo viên nói.
Ngoài ra, trường THPT Hoàng Diệu chi cho việc quản lý, sửa chữa cơ sở vật chất, điện, nước... cao hơn quyết định 07 của UBND tỉnh. Điển hình như thu tiền dạy thêm học kỳ 2 năm 2016-2017 thì khối 12 là 228,8 triệu. Tuy nhiên, chi quản lý, sửa chữa cơ sở vật chất, điện, nước... cao hơn con số 20% so với quy định (khoảng 71 triệu).
Đặc biệt, việc chi cho cán bộ quản lý và tiếp khách học kỳ 1 năm học 2016-2017 từ quỹ dạy thêm học thêm cũng khá cao. Tổng số tiền cho khoản này là 93 triệu, chia đều cho 3 khối lớp.
"Đầu năm học 2017-2018, ban giám hiệu yêu cầu giáo viên chủ nhiệm vận động mỗi phụ huynh đóng quỹ khuyến học và hội phí là 300.000 đồng. Khi có khiếu nại, tố cáo, lãnh đạo trường yêu cầu dừng thu, nếu đã thu thì trả lại", nữ giáo viên trên chia sẻ.
Danh sách 30 học sinh đóng mỗi em 325.000 đồng để mua tivi. Ảnh: Việt Tường. |
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện giáo viên chủ nhiệm lớp 10 A14 đã thu của 30 học sinh, mỗi em 325.000 đồng. Số tiền này được cho là vận động để mua tivi trang bị trong phòng học.
Sáng 19/10, phóng viên nhiều lần gọi bà Phạm Ngọc Phụng, Hiệu trưởng trường THPT Hoàng Diệu để làm rõ việc thu chi tài chính nhưng vị này không nghe máy. Bà Phụng sau đó nhắn tin với nội dung đang bận họp ở UBND TP Sóc Trăng.
Một số giáo viên sau đó cung cấp băng ghi âm dài 39 phút tại hội nghị công nhân viên chức trường THPT Hoàng Diệu vào ngày 25/9. Tại phút 27, người được cho là bà Phụng nói việc thu, chi tiền dạy thêm, dạy tăng cường như thế nào bà biết rõ và khẳng định không hề tư túi.
Khi giáo viên tiếng Anh Võ Thị Minh Ngọc chất vấn nội dung vì sao không trả tiền cho người trực tiếp dạy thêm với mức thù lao theo quy định của UBND tỉnh Sóc Trăng, người này nói không có quy định nào buộc phải chi trả 80%.
Bà còn nói trước hội nghị rằng khi về làm hiệu trưởng, bà đã phải sử dụng 554 triệu đồng từ quỹ dạy tăng cường để trả nợ thay người tiền nhiệm (đã mất).
Đầu năm học 2017-2018, trường THPT Hoàng Diệu có 2 giáo viên dạy tiếng Anh bị chuyển trường là thầy Tâm (tên đã thay đổi) và cô Võ Thị Minh Ngọc. Cả hai người này sau đó làm đơn tố cáo, cho rằng lãnh đạo có nhiều sai phạm.
Riêng thầy Tâm, sau khi làm đơn tố cáo nữ hiệu trưởng, ông đã xin nghỉ việc và được Sở GG&ĐT Sóc Trăng chấp thuận.
Những nội dung ông Tâm ghi trong đơn tố cáo là lãnh đạo trường không thực hiện quy chế dân chủ, chia bè phái, xét thi đua cuối năm chưa công bằng, không xử lý sai phạm của tổ trưởng chuyên môn, nhận học sinh từng trượt tuyển sinh tại trường Hoàng Diệu về sau khi các em học một năm ở trường khác, không xử lý thí sinh làm bài trực tiếp trên đề thi và nhiều khuất tất trong thu, chi tài chính.
Còn cô Ngọc thì bức xúc chuyện trường không trả thù lao dạy thêm (dạy tăng cường buổi chiều) với mức 80% theo quy định của UBND tỉnh Sóc Trăng.