Sóc Trăng kỳ vọng giải ngân trên 95% vốn đầu tư công

Tỉnh Sóc Trăng đang đẩy mạnh triển khai thực hiện các dự án lớn đã khởi công trong năm như: Dự án thành phần 4 công trình Cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng; xây dựng cầu Đại Ngãi nối Sóc Trăng với Trà Vinh; đường Đông Tây của tỉnh và nhiều dự án trong chương trình mục tiêu quốc gia, giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số.... Tỉnh phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công đến hết niên hạn đạt trên 95% vốn Trung ương giao.

Năm 2023, tỉnh Sóc Trăng được phân bổ vốn đầu tư công trên 6.786,6 tỷ đồng; trong đó, kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao hơn 5.870,6 tỷ đồng, kế hoạch vốn tỉnh giao bổ sung 328,184 tỷ đồng; kế hoạch vốn năm 2022 kéo dài thời gian thực hiện sang năm 2023 hơn 587,8 tỷ đồng.

Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh Sóc Trăng đã yêu cầu các sở, ban ngành, chủ đầu tư, UBND huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt giải pháp thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn.

Tuy nhiên, tính đến giữa tháng 11/2023, giải ngân vốn được Thủ tướng Chính phủ giao chỉ đạt gần 60% kế hoạch; trong đó, ngân sách Trung ương giải ngân đạt 53,71% kế hoạch; vốn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia, giải ngân đạt 85,52% kế hoạch; vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, giải ngân đạt 58,96% kế hoạch.

Ngân sách địa phương giải ngân đạt gần 65% kế hoạch, giải ngân vốn tỉnh giao bổ sung đạt trên 61% kế hoạch, giải ngân vốn năm 2022 kéo dài thời gian thực hiện sang năm 2023 đạt 44% kế hoạch...

Theo bà Hồ Thị Cẩm Đào, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sóc Trăng, tính đến đầu tháng 12, đã có 13/19 chỉ tiêu chủ yếu tỉnh đề ra đã đạt và vượt. Tăng trưởng kinh tế đạt 5,77%, đứng thứ 7 khu vực Đồng bằng sông Cửu long; thu nhập bình quân đầu người đạt 60,80 triệu đồng/người/năm, tăng 5,16 triệu đồng so với năm 2022; tổng thu ngân sách nhà nước ước khoảng 4.649 tỷ đồng, giảm 92 tỷ đồng so với năm 2022 nhưng vượt 5,18% so với chỉ tiêu nghị quyết; hộ nghèo giảm 2%; trong đó, hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm 3%.

Tuy nhiên, Sóc Trăng vẫn có 6/19 chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch như: tốc độ tăng trưởng kinh tế; thu nhập bình quân đầu người; cơ cấu kinh tế; chỉ số sản xuất công nghiệp; diện tích nhà ở bình quân đầu người; tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế... Tiến độ triển khai các công trình, dự án trên địa bàn chưa đạt theo tiến độ đề ra, đặc biệt là công trình, dự án trọng điểm. Cụ thể là còn vướng trong giải phóng mặt bằng, thiếu nguồn cung vật liệu xây dựng, nhất là cát xây dựng; nhiều công trình, dự án phải điều chỉnh chủ trương đầu tư cũng ảnh hưởng đến việc triển khai trên thực địa.

Để tăng tốc phát triển trong thời gian còn lại của năm, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho rằng, địa phương sẽ ưu tiên tập trung phối hợp, chỉ đạo điều hành để đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành công trình, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mục đích cuối cùng là tạo thêm nhiều cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống nhân dân.

Cùng với thực hiện các giải pháp phù hợp, hiệu quả để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong năm 2023, Sóc Trăng sẽ phát huy và duy trì những chỉ tiêu đạt và vượt; phấn đấu thực hiện đạt 6 chỉ tiêu chưa đạt của năm 2023. Đồng thời, tỉnh tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công; rà soát, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư, công trình trọng điểm trên địa bàn.
chọn
Chủ tịch Lương Minh Tuấn: Kính siêu trắng sẽ là mũi nhọn 5 năm tới của Đạt Phương, dự kiến bắt đầu có doanh thu hàng nghìn tỷ từ 2026
Theo kế hoạch, quý I /2025 Đạt Phương sẽ khởi công nhà máy sản xuất kính siêu trắng tại Thừa Thiên - Huế, dự kiến từ 2026 sẽ mang về doanh thu 1.500 - 2.000 tỷ đồng. Chủ tịch Đạt Phương cho biết, đây là ngành mũi nhọn của Đạt Phương trong thời gian tới, doanh nghiệp đang có những lợi thế lớn trên thị trường kính siêu trắng.