Phê duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng

Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng giai đoạn 1, đoạn qua tỉnh An Giang hiện đang được tỉnh An Giang triển khai đồng loạt cả 4 gói thầu thi công và địa phương đã phê duyệt phương án bồi thường cho 1.467 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án.

Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 đi qua 4 tỉnh, thành Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng và An Giang. Điểm đầu kết nối Quốc lộ 91 thuộc thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang; điểm cuối giao với quốc lộ Nam Sông Hậu, kết nối đường dẫn cảng Trần Đề (Sóc Trăng).

Đoạn qua địa bàn tỉnh An Giang có tổng chiều dài 57 km; trong đó, phần đường được thiết kế tiêu chuẩn đường cao tốc đạt vận tốc 100km/giờ, được phân làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 được đầu tư với bề rộng nền đường là 17m (mặt đường 16m) với 4 làn xe. Tổng mức đầu tư của dự án qua địa bàn tỉnh là 13.526 tỷ đồng. UBND tỉnh An Giang giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Giao thông và Nông nghiệp tỉnh (gọi tắt là Ban Quản lý dự án) làm chủ đầu tư.

Dự án đoạn qua An Giang đã khởi công ngày 17/6/2023. Hiện chủ đầu tư đang thi công cả 4 gói thầu gồm số 42 đoạn từ Km0+314 đến Km17+240; gói thầu số 43 từ Km17+240 đến Km31+280; gói thầu số 43 từ Km17+240 đến Km31+280 và gói thầu số 44 từ Km31+280 đến Km43+500.

Theo báo cáo của UBND tỉnh An Giang, hiện việc giải phóng mặt bằng của dự án đã hoàn thành kiểm kê được 1.530/1.530 hộ dân. Đến nay, UBND thành phố Châu Đốc, UBND huyện Châu Phú, Châu Thành và UBND huyện Thoại Sơn đã phê duyệt phương án bồi thường cho 1.467/1.530 hộ với số tiền 1.601 tỷ đồng; đã chi tiền bồi thường được 1.329/1.467 hộ với số tiền 1.425/1.601 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Du, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh An Giang, chủ đầu tư dự án cho biết, hiện tất cả 4 gói thầu thi công đã huy động 126 máy móc thiết bị và 286 nhân sự triển khai thi công trên công trường; trong đó, các đơn vị thi công tập trung đẩy nhanh thi công các hạng mục đào đắp nền đường, thi công móng cọc các cầu, cống.

Dự án phấn đấu hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2027.

Mặc dù, dự án đang đồng loạt triển khai thi công nhiều hạng mục, tuy nhiên, theo ông Du, hiện đang gặp 2 khó khăn lớn là giải phóng mặt bằng và nguồn vật liệu cát san lấp. Về giải phóng mặt bằng còn nhiều hộ dân chưa nhận tiền bồi thường, các vị trí vướng mặt bằng của những hộ dân chưa nhận tiền bồi thường lại nằm ngắt đoạn không liền tuyến. Bên cạnh đó, hầu hết các cầu thuộc dự án đều vướng mặt bằng ở vị trí đầu vào nên không thể tập kết thiết bị, vật tư để thi công đồng loạt các hạng mục cầu, không tiếp cận được các vị trí mặt bằng đã giao phía trong.

Đối với nguồn cát san lấp thi công dự án qua tỉnh An Giang, theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh An Giang, dự án được bố trí 2 nguồn cung cấp cát. Riêng nguồn cát bố trí các vị trí dự kiến giao mỏ cát cho nhà thầu thi công khai thác qua khảo sát sơ bộ hầu hết là không còn hoặc còn ít trữ lượng cát để khai thác khoảng 4,3 triệu m3.

Riêng nguồn cát bố trí từ cấp phép cho các doanh nghiệp khai thác bán cho nhà thầu thi công có khoảng 3,7 triệu m3. Trong khi đó, toàn dự án qua tỉnh An Giang cần 9,3 triệu m3 cát, nhưng tổng trữ lượng cát hiện tại đang phân bổ là 8 triệu m3 không đảm bảo nhu cầu khối lượng.

Để đáp ứng đủ nguồn cát san lấp, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh An Giang đã đề nghị UBND tỉnh An Giang chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh tổ chức khảo sát lại các vị trí mỏ cát, giao cho nhà thầu thi công khai thác và bổ sung mỏ cát mới để đủ lượng cát cho toàn dự án.

Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng có vai trò quan trọng trong việc hình thành trục ngang và từng bước hình thành mạng lưới đường cao tốc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, kết nối các trục dọc cao tốc, góp phần đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang trục ngang quan trọng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Dự án góp phần tạo không gian phát triển vùng với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển. Dự án cũng góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực liên kết, thúc đẩy hợp tác và phát triển vùng; góp phần đảm bảo quốc phòng - an ninh; từng bước thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.