Cần Thơ lên kế hoạch rót thêm 1.500 tỷ vào cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng

TP Cần Thơ dự kiến kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 là 9.220,7 tỷ đồng, trong đó rót 1.500 tỷ vào cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng,  714,4 tỷ đồng cho đường vành đai phía tây.

UBND TP Cần Thơ đã lập Kế hoạch đầu tư công năm 2024. Theo kế hoạch này, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 Cần Thơ được Thủ tướng giao là 7.875,2 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách địa phương là 5.145 tỷ đồng, ngân sách trung ương 2.730,2 tỷ đồng.

Tính đến ngày 31/7, giá trị giải ngân là 3.582,217 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 41,97% kế hoạch được giao. Với mục tiêu giải ngân đạt tỷ lệ trên 95% vốn đầu tư công, thời gian thực hiện trong năm 2023 còn lại khoảng 5 tháng, thành phố phải thực hiện giải ngân trên 4.530 tỷ đồng nên phải rất nỗ lực.

Một số dự án trọng điểm của thành phố được tập trung bố trí nguồn vốn lớn như: Dự án Phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị được bố trí 2.095,778 tỷ đồng (chiếm 24,55% tổng kế hoạch vốn); cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 được bố trí 1.837 tỷ đồng (chiếm 21,52% tổng kế hoạch vốn); đường vành đai phía tây thành phố (nối Quốc lộ 91 với Quốc lộ 61C) được bố trí 763,609 tỷ đồng (chiếm 8,95% tổng kế hoạch vốn).

Tuyến đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (màu xanh dương) trong tổng thể quy hoạch giao thông miền Tây. (Ảnh: Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận). 

Theo UBND TP Cần Thơ, việc kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc (nếu có) để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân hết kế hoạch vốn được giao đối với các dự án nói trên sẽ tác động rất lớn đến tỷ lệ giải ngân chung của toàn thành phố.

Từ đó, UBND TP đánh giá việc thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 giải ngân đạt tỷ lệ trên 95% là khả thi.

Về một số khó khăn, vướng mắc, UBND TP Cần Thơ cho biết, đối với dự án cao tốc Châu Đốc - cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, dự án thành phần 2 đoạn qua địa bàn thành phố, các đơn vị đang trong giai đoạn kiếm kê, áp giá và trình phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, nên trong những tháng đầu năm 2023 khối lượng giải ngân vôn chưa nhiều.

Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư gặp khó khăn, người dân vẫn còn khiếu nại về giá và chính sách hỗ trợ tái định cư. Đặc biệt, hiện tượng người dân so sánh giá, chính sách hồ trợ tái định cư giữa các dự án vốn trong nước và vốn ODA vẫn còn tiếp diễn.

Từ đó, dẫn đến khiếu nại không hợp tác, nhiều dự án phải điều chỉnh tổng mức đầu tư do tăng chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư…

Về kế hoạch vốn năm 2024, UBND TP Cần Thơ cho biết, nhu cầu vốn đầu tư công trên địa bàn là 10.225,5 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương 2.934,3 tỷ và địa phương là 7.291, 3 tỷ đồng.

Căn cứ vào khả năng cân đối vốn, dự kiến tổng kế hoạch vốn năm 2024 là 9.220,7 tỷ đồng, bằng 90,2% nhu cầu, ao hơn 1.345,5 tỷ đồng so với kế hoạch năm 2023 được Thủ tướng giao. Trong đó, vốn ngân sách trung ương là 2.934,3 tỷ đồng, còn lại là ngân sách địa phương.

Về việc giải ngân, bố trí vốn cụ thể của một số dự án trọng điểm, kế hoạch của TP Cần Thơ cho thấy, dự án Phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị có tổng mức đầu tư là 9.167,3 tỷ đồng, lũy kế giải ngân từ thời điểm khởi công đến hết năm 2020 là 2.095,7 tỷ đồng; từ đầu năm nay tới 30/6 là 626,9 tỷ đồng, ước thực hiện cả năm nay là 2.053,8 tỷ đồng, năm 2024 dự kiến bố trí 2.023,7 tỷ đồng.

Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, dự án thành phần 2 đoạn qua địa bàn thành phố Cần Thơ có tổng mức đầu tư 9.725,1 tỷ đồng, lũy kế vốn đã bố trí đến hết năm nay là 1.837 tỷ đồng (lũy kế giải ngân từ đầu năm đến 30/6 là 484,1 tỷ đồng), năm 2024 dự kiến bố trí 1.500 tỷ đồng.

Dự án đường vành đai phía tây TP Cần Thơ (nối quốc lộ 91 với quốc lộ 61C) có tổng mức đầu tư 3.837,7 tỷ đồng đồng. Lũy kế vốn đã bố trí đến năm 2023 là 1.951 tỷ đồng (lũy kế giải ngân từ đầu năm đến 30/6 là 323,7 tỷ đồng), năm 2024 dự kiến bố trí thêm 714,4 tỷ đồng. 

chọn
Cận cảnh cầu vượt đường sắt nối nút giao Liêm Tuyền - QL1A ở Phủ Lý, Hà Nam đang xây dựng
Cầu vượt đường sắt Bắc - Nam kết nối đường Lê Duẩn với QL 1A và cầu Châu Sơn ở TP Phủ Lý, Hà Nam nhằm loại bỏ xung đột giao thông giữa đường sắt quốc gia với đường bộ.