(Ảnh minh họa: Báo Giao thông).
Mới đây, Bộ Công an đã thông tin về công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm ATGT, nhất là đối tượng tham gia giao thông sử dụng rượu bia vượt quá mức qui định, sử dụng ma túy hoặc chất kích thích gây hậu quả nghiêm trọng.
Cụ thể, Bộ Công an cho biết, trong thời gian qua, đơn vị đã chỉ đạo tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lí nghiêm các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông.
Việc xử lí tập trung vào các hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn, ùn tắc giao thông, như vi phạm quy định về nồng độ cồn, ma túy, qui định về đội mũ bảo hiểm.
Xử lí phương tiện giao thông đường bộ hết niên hạn sử dụng, quá hạn kiểm định; xử lí xe quá khổ, quá tải; tổng kiểm tra, xử lí xe ô tô từ 8 chỗ ngồi trở lên kinh doanh vận tải hành khách, xe ô tô vận tải hàng hóa vi phạm TTATGT....
Ngoài ra, Bộ Công an cũng kiểm tra, xử lí các vi phạm tại các điểm đường bộ giao cắt với đường sắt, vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt.
Đơn vị đã triển khai ứng dụng hệ thống giám sát để theo dõi, giám sát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông. Triển khai các kế hoạch, biện pháp bảo đảm tình hình an ninh, trật tự tại các trạm thu phí BOT.
Được biết, từ 16/11/2016 đến 15/02/2019, lực lượng CSGT đã kiểm tra, xử lí 8.916.646 trường hợp vi phạm TT,ATGT đường bộ, đường sắt; phạt tiền 5.615 tỉ 335 triệu đồng; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 775.316 trường hợp; tạm giữ 1.375.888 phương tiện các loại .
Trong năm 2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố điều tra 4.972 vụ, 4.613 bị can phạm các tội liên quan đến trật tự an toàn giao thông; 3 tháng đầu năm 2019, khởi tố điều tra: 769 vụ, 744 bị can.
Đáng chú ý là theo Bộ Công an, các hành vi vi phạm về qui tắc giao thông đường bộ (như chạy quá tốc độ qui định, đi không đúng phần đường, làn đường qui định, dừng đỗ không đúng qui định, điều khiển phương tiện mà trong hơi thở có nồng độ cồn vượt mức qui định, không đội mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy…) chiếm 67,3%.
Vi phạm qui định về điều kiện của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ (như không có giấy phép lái xe, giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện…) chiếm 18,3%.
Vi phạm qui định về điều kiện của phương tiện tham gia giao thông đường bộ (như không có giấy đăng kí xe, giấy chứng nhận kiểm định an toàn kĩ thuật và bảo vệ môi trường, không có hoặc có nhưng không sử dụng được các thiết bị an toàn kĩ thuật…) chiếm 11,4% và vi phạm qui định về vận tải đường bộ (như chở hàng vượt trọng tải, kích thước, chở quá số người qui định…) chiếm 3%.
Riêng về vấn đề ngăn chặn tình trạng lái xe sử dụng rượu, bia, chất ma túy, chất gây nghiện khi điều khiển phương tiện, Bộ Công an cho biết đã ban hành nhiều văn bản qui định xử lí.
Ngoài ra, công an các địa phương đã tham gia các đoàn liên ngành kiểm tra, xét nghiệm ma túy đối với lái xe tại các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn.
Được biết, Bộ Công an cũng đã ban hành Kế hoạch số 139/KH-BCA-C08 ngày 23/4/2019 về việc tuần tra kiểm soát xử lí hành vi vi phạm của người điều khiển xe trên đường mà trong có thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn (thực hiện từ 20/4/2019 – 20/12/2019).
Bộ này đã chỉ đạo lực lượng CSGT khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra kiểm soát phải chủ động sử dụng các thiết bị đo, thử chất ma túy đã được trang bị để kiểm soát, phát hiện và xử lí nghiêm vi phạm.
Lực lượng chức năng kiểm tra tài xế trên đường. (Ảnh: VnExpress).
Đáng chú ý, Bộ Công an cho biết, các văn bản qui phạm pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông còn nhiều vướng mắc, bất cập gây khó khăn cho quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Cụ thể, các qui định về xử lí vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông; chế tài xử lí đối với hành vi sử dụng rượu bia, chất kích thích, ma túy khi điều khiển phương tiện còn nhẹ…
Ngoài ra, công tác phối hợp giữa các lực lượng trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông có nơi, có lúc chưa chặt chẽ, nhất là trong hoạt động quản lí chất lượng phương tiện; quản lí vi phạm của lái xe.
Đơn cử như nhiều trường hợp giấy phép lái xe vi phạm bị tước, bị tạm giữ đã quá hạn xử lí vi phạm hành chính nhưng người có giấy phép lái xe bỏ không đến xử lí.
Ngoài ra, theo Bộ Công an, hiệu lực, hiệu quả của việc cưỡng chế thi hành xử phạt còn hạn chế; chưa có qui định xử phạt qua tài khoản ngân hàng.
"Công tác thống kê, chia sẻ dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông chưa được thực hiện liên tục, thường xuyên và thiếu sự thống nhất.
Tình trạng chống người thi hành công vụ, không chấp hành yêu cầu của người thi hành công vụ của một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông còn diễn ra khá nhiều và nghiêm trọng", Bộ Công an cho hay.
Bên cạnh đó, Bộ này cũng cho biết việc kiểm soát lái xe sử dụng chất ma túy trên đường gặp không ít khó khăn, do thời gian trung bình kiểm soát mất từ 15-20 phút/1 xe, qui trình kiểm soát qua nhiều bước, sử dụng nhiều thiết bị.
"Có nhiều trường hợp lái xe không phối hợp, đặc biệt là xe khách.Vì họ cho rằng lực lượng chức năng gây phiền hà, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh vận tải", Bộ Công an thông tin.