TP Rạch Giá hiện đang là đô thị loại II của tỉnh Kiên Giang. Theo Báo cáo dự thảo Quy hoạch tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh này dự kiến đến năm 2025, TP Rạch Giá sẽ được nâng cấp lên đô thị loại I.
Về tính chất, TP Rạch Giá có tiềm năng phát triển kinh tế biển, trung tâm đô thị nằm trải dài bên bờ Đông Vịnh Thái Lan với 20 km đường bờ biển, được vây quanh bởi sông Kiên ở phía bắc và đông bắc, sông Cái Lớn ở phía nam.
Cùng với đó, xây dựng Rạch Giá trở thành thành phố biển quốc tế phát triển bền vững, phát triển đô thị thông minh, sinh thái. Trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, du lịch, y tế, khoa học kỹ thuật và dịch vụ du lịch của tỉnh; trung tâm dịch vụ du lịch, dịch vụ thương mại tầm quốc gia và quốc tế.
Đây cũng là trung tâm hỗ trợ du lịch cho vùng du lịch trọng điểm quốc gia Phú Quốc - Hà Tiên - Rạch Giá; Trung tâm đô thị xanh, phát triển bền vững, đô thị thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu; Trung tâm đầu mối giao thông hàng không, đường biển, đường bộ của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và vùng ASEAN.
Theo báo cáo dự thảo trên, tỉnh Kiên Giang sẽ phát triển hệ thống khung giao thông quan trọng của thành phố bao gồm cảng biển du lịch, khung giao thông quốc gia Rạch Sỏi – Lộ Tẻ, QL80, cao tốc Hà Tiên - Cà Mau, cảng hàng không Rạch Giá là vị trí trung tâm kết nối trung tâm vùng tỉnh Kiên Giang cũng như các đô thị vệ tinh phát triển trong vùng tỉnh và các khu vực khác trong vùng ĐBSCL.
Trong đó, định hướng ưu tiên nhóm các dự án lấn biển, mở rộng đô thị, tạo trục cảnh quan mới hướng biển, sân bay quốc tế Rạch Giá tại khu lấn biển.
Dự kiến giai đoạn 2021 - 2025 xây dựng TP Rạch Giá đạt tiêu chí đô thị loại I; giai đoạn 2026 - 2030 và sau năm 2030, sẽ nâng cấp các tiêu chí đô thị loại I đã đạt được trong giai đoạn trước đó.
Về phương hướng phát triển vùng động lực của huyện, TP Rạch Giá là trung tâm kinh tế, hành chính, thương mại - dịch vụ, văn hóa - xã hội... của tỉnh Kiên Giang với định hướng đô thị loại I trong giai đoạn 2021 - 2025. Đây còn là khu vực đầu nối để hội nhập, hợp tác kinh tế có hiệu quả với các nước trong khu vực, là một cực đối trọng nằm trong vùng kinh tế năng động có tốc độ tăng trưởng cao, tập trung các trung tâm tài chính, là đầu mối giao thông quan trọng của vùng kinh tế ĐBSCL.
Đối với trục hành lang kinh tế phía đông, đây là hành lang vùng, do cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, QL80 và ĐT961 đảm nhận. Kết nối đô thị Rạch Giá, thị trấn Tân Hiệp và TP Cần Thơ. Tuyến có vai trò rút ngắn thời gian vận chuyển hành khách và hàng hóa công nghiệp chế biến nông sản, hóa chất, phân bón, vật liệu xây dựng…; hàng hóa nông sản (lúa, gạo, rau củ), hồ tiêu, sản phẩm chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản (tôm, cá…) đi qua các địa phương lân cận.
Trục hành lang kinh tế phía bắc sẽ do đường cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu và QL80 đảm nhận. Trên hành lang có các đô thị Hà Tiên, thị trấn Hòn Đất, thị trấn Sóc Sơn, TP Rạch Giá, thị trấn Minh Lương, thị trấn Gò Quao, và khu chức năng, KCN Thạnh Lộc.
Đây là tuyến hành lang quan trọng nhắm kết nối ĐBSCL với các nước Campuchia, Myanmar và các nước trong khu vực Đông Nam Á. Vì vậy, chức năng chính của hành lang là phục vụ vận chuyển hai chiều hàng hóa xuất - nhập khẩu của các nước như Campuchia, Thái Lan, Myanmar đến các tỉnh thành khu vực Tây Nam Bộ và ĐBSCL.
Trục hành lang kinh tế phía nam do QL61 và đường Hồ Chí Minh đảm nhận. Trên đường hành lang có các đô thị như thị trấn Minh Lương, thị trấn Gò Quao. Trục hành lang kết nối huyện Châu Thành, Gò Quao, TP Rạch Giá và Bạc Liêu. Tuyến có vai trò vận chuyển hàng hóa nông sản, thủy sản phục vụ thị trường nội địa.
Trục hành lang kinh tế phía tây nam do đường hành lang ven biển phía Nam và QL63 đảm nhận. Tuyến kết nối TP Rạch Giá với huyện An Biên, An Minh và tỉnh Cà Mau. Trên trục có các đô thị như thị trấn Minh Lương, thị trấn Thứ 3, thị trấn Thứ Mười Một. Tuyến có vai trò vận chuyển tiêu, trái cây, hàng hóa nông thủy sản, công nghiệp tiêu dùng đến các tỉnh trong vùng ĐBSCL.