Đề xuất đánh thuế sở hữu ngôi nhà thứ hai đã từng được nhiều lần đề cập, nhưng cho đến nay vẫn là bất khả thi |
Trước câu hỏi của báo chí về quan điểm của doanh nghiệp/nhà đầu tư thế nào trước khả năng đánh thuế sở hữu ngôi nhà thứ hai từ phía cơ quan chức năng, đại diện truyền thông một tập đoàn bất động sản quy mô lớn bậc nhất tại Hà Nội tỏ ra e ngại: “Không puplic (công bố - PV) đâu, dù là muốn nói lắm”. Trong khi đó, chủ đầu tư bất động sản sẽ là đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp nếu đề xuất này được thông qua.
Sự ngần ngại từ phía doanh nghiệp với khả năng đánh thuế sở hữu có thể thấy rõ qua phát biểu của ông Trần Như Trung, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Cường, đại diện hiếm hoi cho chủ đầu tư bất động sản tại buổi Tọa đàm trực tuyến “Hai kịch bản từ việc đánh thuế sở hữu nhà ở thứ hai” tổ chức mới đây.
Theo ông Trung: “Mặc dù tăng thuế sẽ chống được đầu cơ bất động sản, nhưng những sắc thuế và phí đưa ra trong thời điểm này phải rất thận trọng. Đối với thị trường bất động sản thì cần có chính sách sớm, có lộ trình để doanh nghiệp chuẩn bị và sẵn sàng tiếp nhận thực hiện chính sách đó”.
Đại diện cho giới doanh nghiệp, nhà đầu tư bất động sản phát biểu tại buổi Tọa đàm, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Mạnh Hà cho rằng, thị trường bất động sản chỉ mới phục hồi sau một thời gian khủng hoảng dài, nên rất nhạy cảm với chính sách, bởi vậy, ban hành một chính sách mới phải hết sức thận trọng, tránh đổ vỡ thị trường. Ông Hà lấy ví dụ năm 2009, chúng ta có chính sách coi bất động sản không phải là ngành sản xuất và giảm các khoản vay vốn, ngay lập tức khiến nhiều doanh nghiệp lĩnh vực này gặp khó khăn và kéo theo nợ xấu, thậm chí nhiều doanh nghiệp phải phá sản, hệ luỵ là ảnh hưởng tới ngành xây dựng, lao động, vật liệu xây dựng…
Khó thực hiện
Trao đổi với báo chí về khả năng đánh thuế tài sản với ngôi nhà thứ hai, TS. Trần Kim Chung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, đề xuất này đã từng được nhiều lần đề cập, nhưng cho đến nay vẫn là bất khả thi.
Nguyên nhân, theo ông Chung, do chưa có sự chuẩn bị cho việc đánh thuế tài sản là ngôi nhà thứ hai. Nếu muốn đánh thuế ngôi nhà thứ hai, cơ quan quản lý phải nắm được thông tin chủ sở hữu từng bất động sản, cũng như sự thay đổi của thị trường. Đến nay, việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu “ngôi nhà thứ nhất” của mỗi cá nhân chưa thực hiện được, thì việc đề xuất đánh thuế “ngôi nhà thứ hai” là điều không thể.
Giải thích về đề xuất đánh thuế ngôi nhà thứ hai, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Bộ Tài chính) cho biết, về lâu dài, cần có một đạo luật để thực hiện vấn đề này, bởi đây là tài sản hiện hữu trên địa bàn địa phương, ai cũng có thể nhìn thấy được. Xuất phát từ thực tiễn gần đây có nhiều ý kiến cần phải đánh thuế nhà ở thứ hai, thứ ba, nhưng cần phải có lộ trình, khi nào đánh thuế, đánh bao nhiêu và liệu có quản lý được không.
“Tôi cũng lấy làm tiếc, trong 12 năm qua chưa có đạo luật nào về đánh thuế tài sản bất động sản”, ông Phụng nói.
Chia sẻ vấn đề này, ông Vũ Văn Phấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng, khi nghiên cứu sắc thuế này cần biết mục tiêu là gì. Để chống đầu cơ hay để người sử dụng nhà đất có trách nhiệm hơn trong việc đóng thuế. Có như vậy thì khi tính thuế với người có một ngôi nhà và chỉ để gia đình sử dụng thì việc đánh thuế không ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Chúng ta đã có thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, nên nếu sắc thuế mới này được thực thi thì không được thuế chồng thuế.
“Theo quan điểm cá nhân tôi, với bất động sản, việc thi hành sắc thuế để chống đầu cơ là đúng và cần thiết. Liên quan đến bất động sản là nhà đất của hộ gia đình cá nhân, hiện Nhà nước mới đánh thuế sử dụng đất phi nông nghiệp chứ chưa đánh thuế vào nhà, mức thuế cũng rất thấp, chưa khiến việc sử dụng đất hiệu quả và chưa chống được đầu cơ”, ông Phấn nhấn mạnh.