Thế giới đang trải qua những ngày có số người mắc Covid-19 cao chưa từng thấy, hơn 21,8 triệu ca nhiễm, trong đó hơn 770.000 người đã tử vong. Tính đến chiều ngày 17/8, Việt Nam ghi nhận 964 ca mắc Covid-19 và 24 trường hợp tử vong.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê (GSO), trong bối cảnh đại dịch, tốc độ tăng trưởng GDP nửa đầu năm 2020 của nước ta chỉ đạt 1,8%, là mức thấp nhất trong ba thập kỉ qua.
Ngoài tác động về kinh tế vĩ mô, đại dịch còn gây ảnh hưởng cho nhiều doanh nghiệp và người dân ở Việt Nam.
Người lao động, doanh nghiệp vật lộn để sinh tồn
"Tìm việc trong mùa Covid-19 thực sự là một cơn khủng hoảng", T.T. Nhàn, 23 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ khi hồi tưởng lại những ngày còn thất nghiệp vì dịch.
Nhàn kể, đợt dịch đầu tiên, công ty của cô quyết định cho nhân viên làm online với mức lương giảm 50%. Tuy nhiên, tình trạng này kéo dài đến tháng 6 mà vẫn không có tiến triển nên Nhàn quyết định nghỉ việc, bởi cô không thể trang trải đủ các loại chi phí sinh hoạt.
"Sau đó, mỗi ngày tôi rải tầm chục đơn xin việc nhưng các công ty hồi âm lại khoảng 1/10", Nhàn nhớ lại. Làn sóng dịch thứ hai bùng phát khiến khả năng có việc mới của cô trở nên khó khăn hơn. Nhàn tâm sự, suốt một tháng cô chỉ ngồi trong căn phòng trọ 10m2, kiểm tra email và sống trong nỗi lo sợ "nếu không kiếm được việc trong tháng này thì làm sao trả nổi tiền nhà, tiền điện nước, tiền ăn,...".
Tại Thái Bình, Phạm Thị Phương, thôn Văn Lâm, xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư có thâm niên 7 năm làm công nhân may tại công ty TNHH May Nien Hsing Việt Nam (Khu CN Phúc Khánh, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình).
Cuộc sống của gia đình Phương chưa khấm khá nhưng là đủ với một hộ nông dân. Bỗng nhiên Covid-19 như một búa tạ giáng xuống mặt nước phẳng lặng. "Đại dịch bùng phát khiến doanh nghiệp cắt giảm hàng loạt công nhân, tôi là một trong số đó. Mức thu nhập 10 triệu nay còn 0 đồng. Tôi còn phải nuôi còn hai đứa con nhỏ nữa", chị Phương chia sẻ.
Dịch bệnh không chỉ là "bóng đen" với người lao động mà còn khiến nhiều doanh nghiệp, cửa hàng phải lao đao. Rất nhiều các doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự, thậm chí là đóng cửa vì gặp khó khăn.
V.H.Hà, chủ chuỗi cửa hàng đồ ăn tại Hà Nội, cho biết cô đã phải đóng 2/3 cửa hàng và cho tạm nghỉ một nửa số nhân viên.
Ngay tại Hạ Long - nơi ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, hàng quán đóng cửa, liên tục trả lại mặt bằng. Trước dịch, cửa hàng mỹ nghệ trên trục đường Bãi Cháy của chị N.T. Loan "ăn nên làm ra", thu hút đông khách du lịch. Dịch bùng phát, du lịch ngưng trệ, tiệm của chị lỗ trắng hai trăm triệu đồng và phải tạm đóng cửa.
"Bây giờ tôi chuyển sang hình thức bán hàng online, thu nhập không bằng trước nhưng cũng tạm.", chị Loan chia sẻ.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết khoảng 8 triệu người lao động Việt Nam có thời điểm bị mất việc làm trong những tháng qua, ngoài ra còn có thêm 17 triệu người khác bị cắt giảm thời gian làm việc hoặc thu nhập.
6 tháng đầu năm, số doanh nghiệp bị đóng cửa lên đến gần 30.000, cao gấp 1/3 so với báo cáo cách đây một năm.
Chính phủ cũng ước tính thu nhập tháng bình quân của người lao động trong quí II năm 2020 giảm khoảng 5% so với cùng kì năm 2019, từ mức trung bình là 5,5 triệu xuống còn 5,2 triệu. Trong đó, các ngành dịch vụ, công nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Theo Báo cáo “Trạng thái bình thường mới ở Việt Nam sẽ ra sao? Tác động kinh tế của Covid-19" ngày 30/7 của Ngân hàng Thế giới, năm 2020, ngành du lịch bị tổn thất khoảng 1 tỉ USD mỗi tháng theo ước tính, kể cả khi du lịch trong nước phục hồi vào tháng 5 và tháng 6 phần nào đã bù đắp cho những tổn thất trên.
Ngành vận tải hàng khách cũng chịu bị ảnh hưởng về tài chính, trong đó hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines lỗ hơn 6.600 tỉ đồng nửa đầu năm nay, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II mà Tổng công ty công bố.
Mặc dù các số liệu trên tương đối thấp so với quốc tế, nhưng vẫn cao bất thường với một nền kinh tế đã quen với tình trạng toàn dụng lao động trong 25 năm qua.
Liệu qua cơn bĩ cực có tới hồi thái lai?
Nhận thức được khó khăn tài chính do đại dịch gây ra, Chính phủ đã nhanh chóng áp dụng các công cụ tài khóa và tiền tệ để trợ giúp những người dân và doanh nghiệp có nguy cơ dễ tổn thương nhất, trong đó giãn thuế và hỗ trợ tài chính trực tiếp được triển khai tương đối hiệu quả từ đầu tháng 4. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng miễn giảm lãi suất cho dư nợ hơn 1,14 triệu tỉ đồng.
Các biện pháp của Chính phủ nhằm hỗ trợ với người lao động và doanh nghiệp mà World Bank đánh giá là "vừa có tầm nhìn vừa thực dụng" bao gồm: Giảm 10% giá bán lẻ điện cho các ngành sản xuất và kinh doanh, hỗ trợ về vốn và thuế, tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất, lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn, miễn, giảm lãi, phí theo quy định nội bộ của tổ chức tín dụng, được vay tiền để trả lương ngừng việc cho người lao động.
Cụ thể, Nhà nước từ tháng 3/2020 đã công bố một giải pháp tổng thể chống dịch Covid-19, bao gồm: Gói chính sách tiền tệ trị giá 250 ngàn tỉ đồng để cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất, hỗ trợ vay vốn cho các doanh nghiệp; gói đảm bảo an sinh xã hội trị giá 62 ngàn tỉ đồng; gói chính sách tài khóa trị giá 180 ngàn tỉ đồng gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất.
Về gói an sinh xã hội 62 ngàn tỉ, ngày 15/8, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết mới triển khai được hơn 11 ngàn tỉ đồng, theo Báo Chính phủ. Bộ sẽ có có tổng kết đầy đủ những kết quả cũng như hạn chế của gói hỗ trợ lần nhất để rút ra những điều chỉnh cần thiết.
Đại dịch Covid-19 buộc các cá nhân và nhiều đơn vị, tổ chức phải thay đổi để thích ứng. Người lao động cùng doanh nghiệp cần xem xét lại các kế hoạch trước mắt và dài hạn, về thu và chi, về đầu tư và tiêu dùng để vượt qua đại dịch, thậm chí ứng phó với những biến đổi sau này.
Chị Phương sau hai tháng "khủng hoảng" đã tìm được công việc mới tại công ty dệt. Nhàn đã "yên vị" tại một doanh nghiệp về marketing. Dù trái ngành và lương còn thấp nhưng cô sinh viên mới ra trường chấp nhận vì "không thất nghiệp đã là một may mắn".
Còn chủ chuỗi cửa hàng đồ ăn tại Hà Nội, V.H.Hà cho biết đợt cách li xã hội hồi tháng ba đã cho cô kinh nghiệm, trước mắt là phải đảm bảo nguồn thu. Bởi lượng khách giảm 40% nên buộc cô phải cho tạm nghỉ một nửa nhân sự, chỉ giữ lại những nhân viên làm toàn thời gian.
Hà cắt bỏ hai điểm bán không hiệu quả, trả lại mặt bằng, chỉ giữ lại một cửa hàng trên đường Lương Định Của. Tiếp đến là xin giảm tiền nhà, siết chặt các khoản để giảm các chi phí nguyên liệu, chế biến. Thứ ba là đẩy mạnh kinh doanh online, sử dụng ứng dụng giao đồ ăn và liên kết với một số đối tác nhằm tăng đơn hàng. Nhưng dù thế nào thì vẫn không quên đảm bảo chất lượng và điểm mới của sản phẩm, đồng thời có các chính sách ưu đãi cho khách hàng.
Khi nước ta bắt đầu thoát khỏi tình trạng cách li do Covid-19 ở một số nơi, cuộc sống sẽ không thể quay lại như trước khi có khủng hoảng. Vì vậy giai đoạn này đòi hỏi người dân và doanh nghiệp phải đổi mới để thích ứng tốt hơn. Thực tế, đã có nhiều doanh nghiệp, cơ sở, cửa hàng "vực dậy, vượt bão" hiệu quả nhờ sự nhạy bén và linh hoạt.
Chưa rõ tương lai sẽ ra sao, nhưng Ngân hàng Thế giới vẫn tin tưởng rằng: "Dù bị 'tổn thương' bởi Covid-19, kinh tế Việt Nam vẫn chịu đựng tốt và sẽ phục hồi".