Kinh hoàng đường 'siêu ngọt' gây ung thư dùng để nấu chè

Chỉ cần cho vài hạt, cả nồi chè to sụ đã ngọt lịm không cần nêm nếm bất cứ chất tạo ngọt nào khác. Đó là lời quảng cáo của những chủ quầy bán đồ khô ở một số chợ đầu mối của Hà Nội về đường lụa, một loại đường hóa học nhập lậu từ Trung Quốc có khả năng tạo ngọt gấp 500 lần đường mía bình thường.

Một ngày cuối tuần, anh bạn học cùng đại học gọi điện giọng gấp gáp: “Ông làm báo có biết một loại đường hóa học siêu ngọt mà các quán chè hay sử dụng không? Nghe nói có có độ ngọt gấp hàng trăm lần đường bình thường đấy. Mà toàn hàng Trung Quốc nhập lậu thôi”. Thông tin giật mình của anh bạn khiến tôi lập tức hẹn gặp để hỏi rõ.

kinh hoang duong sieu ngot gay ung thu dung de nau che
Chỉ cần vài hạt đường lụa này có thể nấu được cả nồi chè to

1kg đường lụa bán chè cả năm

Theo chỉ dẫn của anh bạn, tôi quyết định sắm vai ông chủ quán chè tương lai, tìm đến chợ Hà Đông tìm mua đường lụa. “Ông cứ đến các hàng bán đồ khô mà hỏi. Ki ốt nào cũng có đấy nhưng phải hỏi thật khéo, giờ cuối năm người ta sợ Quản lý Thị trường đi quét nên cẩn trọng lắm”, lời dặn dò của anh bạn giúp tôi thêm phần tự tin.

Ki ốt đầu tiên tôi ghé vào có tên D.H nằm ngay tầng 1 chợ Hà Đông. Chủ ki ốt là một người phụ nữ đứng tuổi khi mới nghe tôi nhắc tới đường lụa tỏ vẻ rất thận trọng. Nhìn vị khách lạ một lượt từ đầu tới chân rồi chị ta mới cất giọng dò hỏi: “Loại đó giờ đắt lắm, mà chú mua về làm gì?”.

Đúng như kịch bản đã vạch ra, tôi bảo định mở hàng bán chè, được một chị “đồng nghiệp” chỉ đến đây mua đường lụa nhưng cũng phải mất một hồi lâu nài nỉ với giọng tha thiết, chị ta mới đồng ý bán. “Một cân 400 ngàn. Tôi còn mỗi mấy lạng thôi. Chú có đồng ý lấy cả thì tôi lấy”. Vừa nói, chị ta vừa lôi ra một túi nilon in chằng chịt chữ Trung Quốc bỏ lên bàn cân. “Chỗ này 4 lạng, tôi lấy 150 ngàn đồng”. Tôi vờ hỏi cách dùng, chị ta chỉ dẫn: “Loại này ngọt lắm, một nồi chè chỉ cần cho 2-3 hạt là đủ”.

kinh hoang duong sieu ngot gay ung thu dung de nau che
Gói đường lụa mua tại chợ Hà Đông có dòng ghi chú “Saccharin” trên bao bì

Tiếp tục hành trình tìm mua đường lụa, chúng tôi ghi nhận hầu hết cả cửa hàng bán đồ khô trong chợ Hà Đông đều có bán loại đường hóa học này. Tại ki ốt T.S, người phụ nữ bán hàng sau khi nghe hỏi đến đường lụa lập tức mang ra hai gói đường giống y hệt gói đường tôi mua được từ ki ốt D.H, mỗi gói nặng 0,5kg và ra giá 350 ngàn/kg. “Cháu yên tâm, đường ở chỗ cô là chuẩn nhất đấy”.

Cách đó không xa, chủ một ki ốt khác lại đưa ra 3 loại giá tương ứng với 3 loại đường lụa với chất lượng khác nhau. Loại đắt nhất là 400 ngàn đồng/kg, rẻ hơn là 350 ngàn đồng/kg và loại rẻ nhất là 300 ngàn đồng/kg. Tôi lấy cớ chê đắt muốn mua lẻ thì chị ta từ chối: “Đường này ít người bán lẻ lắm. Bóc túi ra rồi bán không hết thì đường nhanh bị ô xi hóa. Nếu mua lẻ giá sẽ khác”.

Bị “sờ gáy” nhưng vẫn bán

Theo tìm hiểu của PV, đường lụa này đã xuất hiện ở Việt Nam từ nhiều năm trước nhưng đến nay, sau rất nhiều lần truy quét của các lực lượng chức năng, không hiểu sao loại đường hóa học độc hại này vẫn xuất hiện trên thị trường.

Mới đây nhất, ngày 11/12/2015, lực lượng chức năng TP Hồ Chí Minh phát hiện 5 tấn đường cùng chất tạo ngọt không có hóa đơn, giấy tờ hợp lệ chứng minh nguồn gốc xuất xứ tại trụ sở Công ty Việt Nhật (phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh). Qua đấu tranh khai thác, đại diện doanh nghiệp này thừa nhận đã nhập đường và chất tạo ngọt này từ Trung Quốc về và hoạt động này diễn ra được 3 năm. Chỉ cần 5 hạt đường tinh thể có thể làm ngọt cho 150 lít nước.

kinh hoang duong sieu ngot gay ung thu dung de nau che
Loại đường trôi nổi này tiểm ẩn nguy cơ gây ung thư

Quá trình sắm vai mua hàng, PV ghi nhận các chủ ki ốt đều thừa nhận loại đường lụa họ bán là hàng cấm nhưng vẫn lén lút bán. Chủ ki ốt D.H thừa nhận, cách đây không lâu, cũng có một vị khách lạ đến hỏi mua đường lụa ở cửa hàng của chị này và ngay hôm sau lực lượng chức năng đã ập đến kiểm tra và xử phạt. Tuy nhiên, khi PV hỏi mua, chị ta vẫn có hàng để bán.

Còn chủ ki ốt T.S cho biết, bình thường giá đường lụa thấp hơn nhưng do vào thời điểm cận Tết bị kiểm tra chặt nên giá cả bị đẩy lên cao. “Trước đây một cân có trăm mấy thôi (hơn 100 ngàn đồng/kg - PV). Cái này phải trốn mới bán được thế”, chủ ki ốt này nói. Đặc biệt, hầu hết các chủ ki ốt đều rất thận trọng khi không để đường lụa ở ki ốt mà cất tại một nơi khác. Khi PV hỏi mua, họ hỏi kĩ mua loại nào rồi yêu cầu đợi để đi “vào kho” lấy ra. Chỉ trường hợp họ còn túi lẻ mới để ngay tại ki ốt.

Dùng nhiều có thể gây ung thư, biến đổi gen

Trao đổi với PV Việt Nam Mới, PGS.TS Trần Hồng Côn (Giảng viên khoa Hóa học, Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN) cho biết, đường hóa học là một trong những phát minh của khoa học thế giới tạo ra chất tạo ngọt không có calo để cho người điều trị bệnh phải kiêng đường. Loại đường sử dụng nhiều nhất là Saccharin nhưng về sau phát hiện ra nếu dùng thời gian dài sẽ có hại cho sức khỏe, thậm chí có thể gây nên bệnh ung thư nên sau đó loại đường này được khuyến cáo không dùng. Sau này, người ta phát minh ra nhiều chất tạo ngọt không calo khác và những loại này được phép sử dụng nhưng phải được kiểm định nghiêm ngặt.

"Ở nước ta có quy định rõ ràng loại chất tạo ngọt nào được phép dùng, loại nào không được phép dùng. Cái nào trong danh mục cho phép thì mới được dùng. Kể cả đơn vị nào được phép nhập những loại chất tạo ngọt này cũng được nhà nước ta quy định rõ ràng”, PGS.TS Côn nói. Ngoài ra, PGS.TS Côn cũng cảnh báo kể cả đối với những chất tạo ngọt nằm trong danh mục được phép sử dụng cũng phải hết sức cẩn thận nếu dùng cho thực phẩm.

kinh hoang duong sieu ngot gay ung thu dung de nau che
Sử dụng với số lượng nhiều, đường lụa có thể gây biến đổi gen

“Có nhiều loại chất tạo ngọt được làm từ chất công nghiệp, nếu dùng cho thực phẩm thì rất nguy hại bởi những loại tạp chất sinh ra trong quá trình tổng hợp hữu cơ để tạo ra chất tạo ngọt rất nguy hiểm cho sức khỏe con người. Ví dụ như chất diệt cỏ mà Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Trong đó chỉ có một phần nhỏ tạp chất là dioxin nhưng khi dùng, lượng dioxin tồn tại trong đó lại vô cùng nguy hiểm. Hậu quả của nó đối với sức khỏe con người thì ai cũng rõ rồi. Riêng đối với loại đường hóa học có nguồn gốc Trung Quốc được nhập lậu như báo chí phản ánh thì đừng dại mà dùng”, PGS.TS Cổn khuyến cáo.

Trong khi đó, Tiến sĩ Đặng Chí Hiền, Viện Công nghệ Hóa học Quốc gia cũng lên tiếng cảnh báo về mức độ nguy hiểm của loại đường hóa học không rõ nguồn gốc xuất xứ này: “Người ăn phải thực phẩm chứa nhiều đường hóa học, bột ngọt chất lượng kém có thể gây cảm giác nhức đầu, chóng mặt, ù tai, buồn nôn hoặc có thể dị ứng nếu dùng với số lượng nhiều. Lâu ngày, các chất độc tích tụ sẽ gây phá hủy tế bào, làm biến đổi gene, tạo thành khối u dẫn đến bệnh ung thư”.

chọn
Hình ảnh cầu vượt sông Đào ở TP Nam Định đã hoàn thành hơn 56%
Dự án xây dựng cầu qua sông Đào nối từ đường Song Hào đến đường Vũ Hữu Lợi do UBND thành phố Nam Định làm chủ đầu tư khởi công ngày 15/10/2022.