Kỷ luật không nước mắt, để yêu con đúng cách cần phải học là nội dung được trao đổi tại chương trình Tọa đàm “Kỷ luật trẻ - Đâu là giới hạn?” do Trường Phổ thông liên cấp Quốc tế Gateway và Trường Mầm non Quốc tế Sakura Montessori phối hợp tổ chức
Trẻ con – nơi trút giận của người lớn?
Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐTB&XH, trên thế giới có khoảng 300 triệu trẻ em từ 2 đến 4 tuổi thường xuyên bị cha mẹ áp dụng các hình thức kỷ luật về thể chất hoặc tâm lý. Trên toàn cầu, khoảng 1,1 tỷ người chăm sóc trẻ cho rằng: trừng phạt về thể chất là phương pháp cần thiết để giáo dục trẻ.
Còn tại Việt Nam, 68,4% trẻ em từ 1- 14 tuổi phải chịu ít nhất một hình phạt về thể chất hoặc tinh thần từ các thành viên trong gia đình.
Tuy nhiên, những con số trên đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Thực trạng bạo hành trẻ xuất phát từ các hành vi kỉ luật thô bạo vẫn diễn ra âm thầm trong nhiều gia đình. Những tổn thương về mặt thể chất, tinh thần của trẻ đang bị bỏ ngỏ. Và câu chuyện về sự mâu thuẫn trong phương pháp giáo dục con đã khiến nhiều cha mẹ rơi vào bế tắc.
Phụ huynh tham gia tại buổi tọa đàm |
Nói về nguyên nhân, ông Nam cho hay có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo hành trẻ em. Thường thường sự trừng phạt con đến từ cơn giận dữ bất thình lình của cha mẹ. Chúng ta có rất nhiều lý do để dẫn đến con giận dữ như thế. Nguyên nhân thứ hai chính là chúng ta không có kinh nghiệm dạy con. Thứ ba, cha mẹ chưa dạy cho biết xử lý như thế nào trong các tình huống với con. Thứ tư, cha mẹ không rút kinh nghiệm từ những sự việc trước.
“Khả năng kiềm chế cơn nóng giận của người lớn dường như không có. Điều này biến trẻ con thành người đầu tiên hứng chịu tất cả các cơn nóng giận của cha mẹ, ông bà,… trong gia đình. Vì những đứa trẻ không có sức kháng cự” – ông Nam nói.
Ông Nam cũng chia sẻ một câu chuyện tại một cuộc thi, một cô bé đã vẽ bàn tay. Em nói rằng đây là bàn tay của mẹ. Bàn tay ấy nấu cơm cho em ăn, cho em uống thuốc khi em ốm, xoa lưng cho em ngủ. Nhưng cũng bàn tay ấy thi thoảng vẫn đánh em. “Mỗi một lần bố mẹ muốn đánh mắng con mình, hãy nhớ trẻ em nghĩ gì về bàn tay của mình ” – ông Nam chia sẻ.
Theo chuyên gia giáo dục quốc tế Steven Foster – Chuyên gia 20 năm kinh nghiệm đào tạo Kỷ luật tích cực tại Mỹ, Trung Quốc và các quốc gia trên thế giới, đa phần chúng ta đều lớn lên và trưởng thành đều từng bị bố mẹ đánh, la hét vào mặt. Câu hỏi đặt ra ranh giới giữa giáo dục và bạo hành là gì?
“Các bạn biết rằng có rất nhiều nghiên cứu về não bộ. Từ đó, chúng ta sẽ biết rằng việc bạo hành con về mặt thể xác gây ra rất nhiều hệ quả vô cùng khôn lường đến cho con trẻ. Và nó thay đổi cái cách não bộ vận hành. Những đứa trẻ có tiền sử bị bạo hành trong thời gian nhất định thì chúng chủ yếu sử dụng phần não để sinh tồn thay vì sử dụng phần nào để lý trí, để suy nghĩ” – chuyên gia Steven chia sẻ.
Trẻ con cũng có quyền được sai
Tại buổi tọa đàm, câu chuyện của hai bà mẹ khiến tất cả mọi người tham gia đều phải suy nghĩ. Một bà mẹ cho biết con chị bị tổn thương khi nghe mẹ nói không yêu. Nhưng một bà mẹ thì lại bị tổn thương khi con “dọa” không yêu mẹ.
Chuyên gia giáo dục Hoàng Anh Đức, giám đốc Học thuật trường PTLC quốc tế Gateway đã đưa ra những lưu ý về tâm sinh lý đối với từng lứa tuổi. “Giáo dục” là một quá trình, và “dạy” là một thao tác. Nhiều khi, phụ huynh và giáo viên đều nôn nóng, muốn quá trình “giáo dục” được diễn ra nhanh gọn như thao tác “dạy”. Đây chính là điều kiện để “giấc mơ cha đè nát cuộc đời con” – ông Hoàng Anh Đức chia sẻ.
Do vậy, theo ông Anh Đức, điều ta nên làm là trở thành một người bạn và đồng hành cùng với trẻ. Ta cần cùng trẻ đặt ra những luật chơi và tuân thủ những luật chơi đó. Mức độ phức tạp của luật chơi có thể tăng dần, và độ cam kết từ cả hai bên cũng cần phải tăng dần. Khi ta hoặc trẻ vi phạm luật chơi, bất luận là ai, cũng phải tự nhìn ra hậu quả của việc vi phạm đó và tự đề ra giải pháp khắc phục, đồng thời xem xét cập nhật luật chơi nếu cần thiết.
Cần phân biệt rõ ràng giữa Kỷ luật và Hình phạt. Kỷ luật là duy trì nền nếp, hành vi; còn Hình phạt là sự trả giá.
Theo ông Đặng Hoa Nam, trẻ em cũng cần có quyền được sai để hiểu về cái đúng. “Cũng giống như việc người lớn nhìn cốc nước nóng là biết nguy hiểm, nhưng trẻ con thấy cốc nước nóng là lao vào. Vì vậy, có thể để cho cốc nước bớt nóng, con không bị bỏng, cho con sờ vào. Lần sau con sẽ không dám đến gần cốc nước nóng nữa” – ông Nam ví dụ.
Chuyên gia Steven Foster thì cho rằng giáo viên và phụ huynh cần được học cách để biết đâu là giới hạn của kỷ luật. Kỷ luật luôn hướng về giảng dạy. Bạo lực luôn hướng về kiểm soát. Kỷ luật tích cực cần dựa trên nền tảng của sự tôn trọng, thấu hiểu giữa cha mẹ và con cái, ở đó phụ huynh cần sử dụng cả tình yêu thương và sự kiên định cùng một lúc.
“Bố mẹ nào cũng yêu thương con, nhưng để yêu con đúng cách cần phải học” – Chuyên gia Steven khẳng định.
Mẹ Việt 'trị' con ngang bướng - Kỳ cuối: 5 'chiêu' dẹp loạn thói ăn vạ của trẻ
Kiên quyết áp dụng những “chiêu dẹp loạn” phù hợp với bé, giờ đây con trai tôi không còn ăn vạ ba mẹ nữa. |
Những môn học không ngờ của em bé Việt ở trường Hà Lan
Tan trường, cô bé 4 tuổi ào ra rối rít khoe mẹ: "Xem này, hôm nay con đạt được chứng chỉ 'Tự kéo khóa áo' ... |