Cập nhật trong ngày 17/6, lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng đã tiếp tục được điều chỉnh giảm ngay sau công bố giảm các mức lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước vào chiều qua.
Cụ thể, biểu lãi suất huy động niêm yết tại Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) ghi nhận mức giảm từ 0,2-0,25%/năm đối với nhiều kỳ hạn. Đây là lần thứ hai trong tháng 6, VIB thực hiện giảm lãi suất huy động.
Trong đó, lãi suất cao nhất đã giảm từ 7,7%/năm xuống còn 7,5%/năm, áp dụng cho khách hàng gửi tiền kỳ hạn từ 15 tháng trở lên. Còn với các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng, lãi suất huy động được VIB giảm từ mức 5%/năm xuống còn 4,75%/năm, mức kịch trần theo quyết định mới của Ngân hàng Nhà nước sẽ có hiệu lực từ ngày 19/6 tới đây.
Cũng điều chỉnh biểu lãi suất, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) đưa lãi suất kỳ hạn 1 tháng về mức 4,5%/năm, kỳ hạn 2-5 tháng còn 4,75%/năm. So với biểu lãi suất niêm yết trước đó, các mức huy động này đã giảm từ 0,25-0,5%/năm.
Không riêng các kỳ hạn ngắn, ABBank còn giảm mạnh lãi suất kỳ hạn từ 15 tháng trở lên từ mức 8,3%/năm xuống còn 7,9%/năm. Lãi suất cao nhất tại ABBank vẫn giữ mức 8,5%/năm cho tiền gửi online kỳ hạn từ 18 tháng trở lên.
Tương tự tại Ngân hàng TMCP Đại chúng (PvcomBank), dù lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng cập nhật hồi đầu tháng 6/2023 đã ở mức 4,5%/năm, dưới trần theo quyết định mới của Ngân hàng Nhà nước nhưng PvcomBank vẫn tiếp tục giảm lãi suất các kỳ hạn này xuống 4,25%/năm.
Còn tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank), tuy lãi suất các kỳ hạn dưới 6 tháng vẫn chưa điều chỉnh nhưng lãi suất một số kỳ hạn khác đã giảm 0,2%/năm. Lãi suất huy động các kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng theo đó giảm còn từ 7-7,1%/năm; kỳ hạn 12 tháng còn 7,4%/năm.
Trước đó vào chiều ngày 16/6, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành các quyết định điều chỉnh các mức lãi suất. Trong đó quy định lãi suất tối đa áp dụng với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giữ nguyên ở mức 0,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ mức 5,0%/năm xuống 4,75%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường. Quyết định hiệu lực từ ngày 19/6.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc tiếp tục điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay để thực hiện mục tiêu giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Qua đó Ngân hàng Nhà nước tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất cho vay thị trường, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế.
Đồng thời, việc điều chỉnh giảm trần lãi suất tiền gửi bằng VND các kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng cũng hỗ trợ các tổ chức tín dụng giảm chi phí đầu vào, từ đó có điều kiện thuận lợi tiếp tục giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng giảm chi phí tài chính.
Dù vậy, Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ không chủ quan với áp lực lạm phát; trong bối cảnh lạm phát toàn cầu được dự báo còn tiếp tục duy trì ở mức cao; các ngân hàng trung ương lớn vẫn tiếp tục tiến trình thắt chặt chính sách tiền tệ, neo giữ lãi suất ở mức cao. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi sát diễn biến trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng có các giải pháp tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Cập nhật đến đầu tháng 6/2023, có hơn một nửa số ngân hàng thương mại đang huy động lãi suất 5%/năm cho các kỳ hạn dưới 6 tháng. Như vậy sẽ còn thêm nhiều ngân hàng cần điều chỉnh biểu lãi suất để đảm bảo quy định mới lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng tối đa còn 4,75%/năm.
Dù Ngân hàng Nhà nước chỉ quy định trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng, nhưng giới chuyên gia dự báo lãi suất các kỳ hạn dài cũng sẽ giảm trong thời gian tới.