Theo khảo sát của người viết, mới đây, nhiều ngân hàng thương mại tư nhân đã có động thái điều chỉnh biểu lãi suất huy động, có cả tăng và giảm với mức thay đổi dao động từ 0,1 - 0,3 điểm %/năm.
Cụ thể, tại VPBank, từ ngày 25/5, lãi suất huy động tại tất cả kỳ hạn đều giảm so với hồi đầu tháng, mức điều chỉnh cao nhất là 0,1%.
Theo đó, tùy vào số tiền gửi, kỳ hạn 1 - 3 tháng có lãi suất giao động từ 3,18% - 3,95%/năm. Các khoản tiền gửi tại kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng đang được VPBank huy động với lãi suất từ 4,7% - 5,4%/năm.Lãi suất kỳ hạn 12 tháng cao nhất ở mức 5,5%/năm đối với khoản tiền gửi trên 50 tỷ đồng.Các kỳ hạn cuối 15 - 36 tháng cũng được áp dụng chung mức lãi suất từ 5,1%/năm - 5,6%/năm.
Tương tại, theo bảng lãi suất được áp dụng từ ngày 21/5 tại Techcombank, lãi suất huy động tại một số kỳ hạn đã được điều chỉnh giảm từ 0,1 - 0,3 điểm %/năm.
Đối với khoản tiết kiệm trả lãi định kỳ háng tháng, lãi suất kỳ hạn 2 - 3 tháng giảm 0,1% xuống lần lượt mức 2,4% và 2,6%/năm. Hay đối với khoản tiết kiệm trả lãi cuối kỳ có kỳ hạn từ 2 - 4 tháng, lãi suất điều chỉnh giảm từ 0,1 - 0,3% xuống dao động quanh mức 2,45% - 2,9%/năm, tùy vào số tiền gửi.
Mặt khác, một số nhà băng lại có động thái tăng lãi suất huy động.
Cụ thể, theo biểu lãi suất mới được cập nhật, lãi suất huy động tất cả kỳ hạn của VIB đều tăng 0,1 điểm %/năm. Tùy vào số tiền gửi, lãi suất huy động kỳ hạn từ 2 đến dưới 6 tháng dao động từ 3,6 - 3,7%/năm; kỳ hạn 7 đến dưới 12 tháng từ 5,4 - 5,5%/năm; cao nhất là từ 6,2 - 6,3%/năm đối với kỳ hạn 24 và 36 tháng.
Tại Sacombank, lãi suất tiền gửi thông thường dành cho khách hàng cá nhân tăng 0,1 - 0,3 điểm % so với tháng trước ở nhiều kỳ hạn.
Trong đó, đối với hình thức trả lãi cuối kỳ, lãi suất áp dụng tại kỳ hạn 1 tháng đã tăng 0,1 điểm % lên mức 3,2%/năm; lãi suất kỳ hạn 2 - 6 tháng tăng 0,2 điểm % lên mức 3,5 - 5%/năm. Lãi suất cao nhất là 6,95%/năm đối với kỳ hạn 13 tháng, không thay đổi so với trước đó.
Hay tại SHB, so với hồi tháng 4, hiện lãi suất huy động cũng đã tăng từ 0,1 - 0,3 điểm %/năm ở nhiều kỳ hạn.
Đối với kỳ hạn 12 tháng và số tiền gửi từ 2 tỷ trở lên, lãi suất tăng 0,2 điểm % lên 5,8%/năm khi gửi tại quầy, tăng 0,35 điểm % lên 6,15%/năm khi gửi online. Đối với kỳ hạn 36 tháng, lãi suất khi gửi tại quầy và online đều tăng 0,3 điểm % lên lần lượt mức 6,4%/năm và 6,6%/năm.
Có thể nhận thấy việc điều chỉnh lãi suất không đồng nhất (cả tăng và giảm) tại một số ngân hàng trên mang tính cục bộ và có biến động phân hóa. Tại những "ông lớn" ngân hàng quốc doanh như BIDV, Vietcombank, VietinBank và Agribank vẫn chưa có động thái gì.
Trong khảo sát mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết trong tháng 4 và tháng 5, lãi suất huy động của hầu hết các ngân hàng vẫn duy trì ở mức ổn định. Nhiều ý kiến cho rằng lạm phát tăng cao sẽ tạo áp lực lên lãi suất.
Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát trở lại, VDSC kỳ vọng NHNN tiếp tục giữ nguyên lãi suất điều hành để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế nói chung.
Có cùng ý kiến, các chuyên gia phân tích của Chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng mặc dù chênh lệch huy động và tín dụng thu hẹp, thanh khoản các ngân hàng cũng kém hơn; nhưng trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp trở lại như hiện nay, cầu tín dụng có thể bị ảnh hưởng và NHNN cũng sẽ kiên định mục tiêu giữ lãi suất thấp để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.
"Mặt bằng lãi suất vẫn sẽ giữ ổn định ở mức thấp trong quý II/2021 do thanh khoản các ngân hàng vẫn khá dồi dào", SSI Research dự báo.