Mâu thuẫn nội bộ kéo dài nhiều năm giữa các nhóm cổ đông chính là nguyên nhân khiến các kỳ họp đại hội đồng cổ đông của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - Mã: EIB) không thể diễn ra. Cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên tổ chức ngày 26/4 cũng tiếp tục phải huỷ bỏ các bên không thống nhất thông qua quy chế đại hội.
Đáng chú ý, nếu như tỷ lệ tham dự tại các đại hội trước đây là rất thấp (mặc dù có đến hàng trăm cổ đông cá nhân tham dự), thì tại đại hội vừa qua, dù chỉ có 95 cổ đông tham dự nhưng tỷ lệ sở hữu lên đến 94,51% cổ phần có quyền biểu quyết.
Điều này cho thấy, cơ cấu cổ đông EIB đã có sự tập trung về số ít các cá nhân, tổ chức. Diễn biến giá cổ phiếu EIB trên sàn HOSE liên tục tăng trước thềm đại hội cũng cho thấy sự cạnh tranh mua gom cổ phiếu của các bên vẫn đang âm thầm diễn ra.
Cho đến thời điểm hiện tại, cổ phiếu EIB vẫn tiếp tục đà tăng mạnh đi cùng với nhiều đồn đoán liên quan đến việc các nhóm cổ đông quyết nắm quyền chi phối lá phiếu để nắm quyền điều hành ngân hàng.
Một số thông tin còn cho rằng các nhà đầu tư đang thuyết phục hai cổ đông ngoại là Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) và Quỹ VOF do Vinacapital quản lý chuyển nhượng phần vốn tương ứng tỷ lệ 20% cổ phần.
Dù không chính thức, vấn đề căng thẳng về nhân sự cấp cao tại Eximbank phần nào cho thấy "hai bên chiến tuyến" đã được phân định khi hai nhóm cổ đông lớn tiếp tục kiến nghị miễm nhiệm 8/9 thành viên HĐQT Eximbank theo hướng đối nghịch nhau.
Cụ thể, ngày 19/4, HĐQT Eximbank nhận được văn bản kiến nghị vấn đề đưa vào chương trình họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 của bà Kiều Vũ Thuỵ Uyên, đại diện theo uỷ quyền của nhóm cổ đông gồm CTCP Rồng Ngọc, CTCP Đầu tư và dịch vụ Helios, CTCP Thắng Phương, bà Thái Thị Mỹ Sang và bà Lưu Như Trân (chiếm 10,3% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tại Eximbank).
Nhóm cổ đông này đề nghị miễn nhiệm 5 thành viên HĐQT nhiệm kỳ VI (2015-2020) gồm ông Yasuhiro Saitoh, ông Lê Minh Quốc, ông Cao Xuân Ninh, ông Lê Văn Quyết, ông Ngô Thanh Tùng.
Chiều ngược lại, nhóm cổ đông gồm ông Nguyễn Tiến Dũng, ông Trần Công Cận, Lafelle Limited và Education Management Holdings Limited (sở hữu 11,2% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, được cho là nhóm liên quan đến bà Ngô Thu Thúy) đề nghị miễn nhiệm 3 thành viên HĐQT nhiệm kỳ VI gồm ông Hoàng Tuấn Khải, ông Đặng Anh Mai và bà Lương Thị Cẩm Tú.
Trong khi hai nhóm cổ đông lớn không ngần ngại đối kháng, Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Công - đơn vị từng tuyên bố sở hữu 12,97% cổ phần EIB vẫn đang khá yên lặng trong cuộc chiến lần này.
Có thể thấy, hai nhóm cổ đông này đưa ra hai đề nghị hoàn toàn trái ngược nhau khi chỉ duy nhất một mình ông Nguyễn Quang Thông – Phó chủ tịch HĐQT không nằm trong danh sách đề nghị miễn nhiệm của cả hai nhóm.
Với nhóm liên quan đến bà Trần Thị Thuý, cho đến nay vẫn chưa có những sự thay đổi nào đáng kể ngoại trừ cái tên mới xuất hiện là Education Management Holdings Limited -vốn là cổ đông lớn tại Công ty Cổ phần Âu Lạc của bà Thuý.
Đối với nhóm cổ đông đầu tiên, có thể thấy ngoài những cái tên quen thuộc như CTCP Thắng Phương, Công ty Rồng Ngọc – Cổ đông lớn nhất công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Minh (BMSC) và cũng là cái tên liên quan đến nhóm cổ đông liên hệ với Nam A Bank còn xuất hiện thêm các nhân tố mới.
Trong đó, có sự xuất hiện của bà Thái Thị Mỹ Sang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Toàn Cầu. Doanh nghiệp tổng tài sản hơn 3.500 tỷ có trụ sở tại 202 Lý Chính Thắng, Phường 9, Quận 3, TP HCM. Còn bà Lưu Như Trân là người đại diện cho nhiều chi nhánh liên quan đến Tập đoàn Toàn Cầu của bà Thái Thị Mỹ Sang.
Cái tên gây tò mò nhất trong nhóm cổ đông lần này đó là sự xuất hiện CTCP Đầu tư và dịch vụ Helios, doanh nghiệp được thành lập năm 2012, tại quận 1, TP HCM. Tổng Giám đốc và người đại diện theo pháp luật là bà Phạm Thị Ngọc Thanh.
Theo tìm hiểu, Cổ đông sáng lập CTCP Đầu tư và dịch vụ Helios gồm có ông Nguyễn Hồ Nam, CTCP Bamboo Capital, khi doanh nghiệp này còn tên cũ là CTCP Dịch vụ Hợp Điểm.
Tháng 4/2016, Hợp Điểm tăng vốn lên 100 tỷ đồng, Bamboo Capital thoái hết vốn tại công ty này rồi lại tiếp tục xuất hiện trong danh sách cổ đông công ty này khi đổi tên thành CTCP Dịch vụ Tracodi vào tháng 10/2016. Đến năm 2018, khi công ty này đổi tên và tăng vốn từ 200 tỷ đồng lên 700 tỷ đồng thì các cổ đông sáng lập không còn trong danh sách cổ đông công ty.
Do danh sách các cổ đông sau này của Helios không công ty được tiết lộ nên không thể khẳng định nhóm cổ đông liên quan đến ông Nguyễn Hồ Nam còn liên hệ gì với Helios hay không.
Dù vậy, vẫn có sợ dây liên hệ giữa nhóm này đó là sự hiện diện của người đại diện kiêm Tổng Giám đốc Helios theo giấy đăng ký kinh doanh công bố mới nhất là bà Phạm Thị Ngọc Thanh. Ngoài Helios, Bà Phạm Thị Ngọc Thanh còn đại điện cho nhiều công ty khác trong các công ty liên quan đến ông Nguyễn Hồ Nam.
Ông Nguyễn Hồ Nam là nhân vật không mấy xa lạ trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Ông từng giữ chức Tổng Giám đốc, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SacombankSC, SBS) sau đó nắm giữ chức Chủ tịch HĐQT SBS thời ông Đặng Văn Thành còn tại vị tại Sacombank.
Hiện ông Nguyễn Hồ Nam hiện là Chủ tịch HĐQT của Tracodi, đồng thời là chủ tịch HĐQT của Bamboo Capital, cả hai doanh nghiệp trên đều đang trên đà huy động vốn lớn, mở rộng quy mô nhanh hàng đầu thị trường trong vài năm trở lại đây với hai lĩnh vực chính là năng lượng và bất động sản.
Riêng với Helios, chưa rõ công ty này đầu tư cổ phiếu EIB từ thời điểm nào. Được biết, giữa năm 2019, Công ty này thông báo đã huy động thành công 1.000 tỷ đồng trái phiếu. Trái phiếu có kỳ hạn 5 năm, lãi suất năm đầu tiên là 8,5%/ năm.
Đơn vị đứng ra thu xếp vốn cho Helios là Công ty Chứng khoán Bảo Minh (BMSC). Bên đứng ra mua trái phiếu là hai doanh nghiệp khác không được công ty này công bố. Không loại trừ khả năng, Helios đại diện cho doanh nghiệp lớn nào đó thu gom cổ phiếu EIB.
Nhắc đến Công ty Chứng khoán Bảo Minh, Công ty chứng khoán này mới đây cũng đã bất ngờ trở thành nhà đầu tư 1.000 tỷ đồng trái phiếu của một công ty con khác trong hệ sinh thái Bamboo Capital (Mã: BCG) của ông Nguyễn Hồ Nam.
Tài sản đảm bảo để huy động vốn là Quyền đòi nợ đối với CTCP Bất động sản Hano - VID phát sinh từ hợp đồng hợp tác kinh doanh được ký ngày 16/5/2019 giữa Helios và Hano – VID tại Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB).
Ngoài hợp đồng với Hano – VID, ngày 18/6/2019, Helios cũng thế chấp Quyền đòi nợ của bên thứ ba đối với Công ty TNHH Oleco – NQ (Chủ đầu tư dự án TNR Stars Diễn Châu) theo đồng hợp tác kinh doanh được ký ngày 10/06/2019 giữa CTCP Nam Thái Sơn và Oleco – NQ cũng tại MSB.
Cuối năm 2019, Helios có quy mô nguồn vốn lên đến 3.207 tỷ đồng. Trong đó, riêng phần nợ phải trả lên đến 2.506 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu là 700,9 tỷ đồng (700 tỷ đồng là vốn điều lệ). Cho thấy doanh nghiệp này đang sử dụng đòn bẫy tài chính rất lớn, hệ số nợ/vốn lên đến 3,6 lần.
Cập nhật đến tháng 9/2020, Helios có thể đã tiếp tục huy động vốn khi thế chấp phần vốn góp tại Công ty TNHH Thanh An An với trị giá trị được ghi là 210 tỷ đồng.
Cho đến hiện tại, tỷ lệ sở hữu cổ phần tại EIB của các nhóm cổ đông vẫn là dấu hỏi lớn, bởi trên thực tế các nhóm cổ đông chỉ cần đưa vài đại diện đủ sở hữu trên 10% cổ phần để thực thi quyền đề cử HĐQT và triệu tập họp ĐHĐCĐ.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/.