Lâm Đồng được quy hoạch để phát triển du lịch - dịch vụ chất lượng cao

Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 – 2030 hướng đến tăng trưởng nhanh và bền vững với ba trụ cột chính là nông nghiệp hiện đại, du lịch – dịch vụ chất lượng cao và công nghiệp theo hướng chọn lọc.

Thủ tướng vừa phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu phát triển nhanh, toàn diện và bền vững, đưa Lâm Đồng trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện của cả nước.

Lâm Đồng được quy hoạch để phát triển du lịch - dịch vụ chất lượng cao - Ảnh 1.

Một góc trung tâm TP Đà Lạt. (Ảnh: Nguyễn Minh Tâm/ Tạp chí Đảng Cộng sản).

Theo đó, định hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bố nguồn lực cho các hoạt động kinh tế - xã hội Lâm Đồng hướng đến tăng trưởng nhanh và bền vững với ba trụ cột chính.

Đầu tiên là nông nghiệp hiện đại, Lâm Đồng được định hướng trở thành trung tâm nghiên cứu, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tầm quốc gia và quốc tế.

Sau đó là trung tâm du lịch - dịch vụ chất lượng cao. Cụ thể, trong thời gian tới sẽ xây dựng thành phố Đà Lạt thành đô thị thông minh, xanh, trung tâm du lịch chất lượng cao, trung tâm giáo dục nghiên cứu, sáng tạo khoa học.

Cuối cùng là phát triển công nghiệp theo hướng chọn lọc, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp thân thiện với môi trường, tập trung phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp chế biến sâu, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến dược liệu, dược phẩm và thực phẩm chức năng từ sản phẩm nông nghiệp.

Yêu cầu của nội dung lập quy hoạch là phải đảm bảo tính liên kết, đồng bộ, khai thác và sử dụng hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng hiện có giữa các ngành, các vùng liên huyện, các địa phương trên địa bàn tỉnh và tăng cường liên kết vùng; xác định cụ thể các khu vực sử dụng cho mục đích quân sự, quốc phòng, an ninh ở cấp tỉnh, liên huyện và định hướng bố trí trên địa bàn cấp huyện.

Ứng dụng công nghệ hiện đại, số hóa, thông tin, cơ sở dữ liệu trong quá trình lập quy hoạch; đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật và phù hợp với yêu cầu phát triển, hội nhập quốc tế và liên kết vùng,...

Lâm Đồng là tỉnh miền núi phía Nam Tây Nguyên có độ cao trung bình từ 800 - 1.000 m so với mặt nước biển với diện tích tự nhiên khoảng 9.772 km2

Lâm Đồng có phía Đông giáp các tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận; phía Tây Nam giáp tỉnh Đồng Nai; phía Nam – Đông Nam giáp tỉnh Bình Thuận và phía bắc giáp tỉnh Đắc Lắc.

Toàn tỉnh có thể chia thành ba vùng với 5 thế mạnh phát triển cây công nghiệp dài ngày, lâm nghiệp, khoáng sản, du lịch - dịch vụ và chăn nuôi gia súc.

Riêng ngành du lịch, tính đến tháng 5/2020, Lâm Đồng có 749 cơ sở lưu trú, trong đó có 202 khách sạn từ 1-5 sao (5.791 phòng) bao gồm 21 khách sạn cao cấp từ 3-5 sao quy mô 1.807 phòng.

Lâm Đồng có 32 khu, điểm tham quan du lịch được đầu tư và khai thác kinh doanh cùng với hơn 60 điểm tham quan miễn phí khác (các danh thắng tự nhiên, các công trình kiến trúc, các cơ sở tôn giáo, làng nghề, làng dân tộc bản địa, khảo cổ…).

chọn
Những ông lớn địa ốc hiện diện tại 'Đất Tổ' Phú Thọ
Vài năm trở lại đây, Phú Thọ liên tục đón các doanh nghiệp lớn ngành bất động sản như GP Invest, T&T hay BV Land... Hiện nay, Ecopark và Tasco cũng đang hướng đến dự án bất động sản đầu tiên tại địa phương này.