Thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở giai đoạn khởi sắc nhất trong hơn 20 năm hoạt động. VN-Index liên tục thiết lập những đỉnh cao mới mà trước đó chắc hẳn nhiều người không thể nghĩ tới. Câu chuyện đầu tư chứng khoán râm ran khắp nơi và thị trường ghi nhận lượng tài khoản giao dịch chứng khoán mới cao chưa từng có.
Theo thống kê của người viết, tổng cộng 482.760 tài khoản được mở mới trong 5 tháng đầu năm nay. "Cơn điên" của thị trường khiến không ít người liên tưởng giai đoạn bùng nổ 2006 – 2007 khi nhà nhà người người quan tâm chứng khoán. Cảnh tượng ngày đó là bà bán rau, cô bán trà đá, chú chạy xe ôm quan tâm đến chứng khoán.
Song, phải nói rằng cục diện thị trường tại thời điểm này và những năm 2006 – 2007 đã có thay đổi lớn. Năm 2006 ghi nhận số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán gấp 3 lần so với cuối 2005 nhưng chỉ đạt khoảng 100.000 tài khoản. Số này chưa bằng một tháng thời điểm hiện tại. Ba tháng trở lại đây đều hàng trăm nghìn tài khoản giao dịch chứng khoán mở mới mỗi tháng.
Mặt khác, sự khác biệt lớn dù cùng thời điểm VN-Index giao dịch tại mốc 1.200 điểm còn nằm ở thanh khoản của thị trường. Tổng giá trị giao dịch trên HOSE cả năm 2007 (235 phiên) đạt 134.978 tỷ đồng, chưa bằng 1 tuần giao dich thời điểm này. Những phiên giao dịch với thanh khoản hàng tỷ USD mỗi phiên quá đỗi quen thuộc.
Sự bùng nổ của thị trường hệ quả của việc dòng tiền mới liên tục đổ vào. Dữ liệu tổng hợp của người viết cho thấy giá trị mua ròng từ cá nhân trong nước trên HOSE 5 tháng đầu năm khoảng 35.000 tỷ đồng (1,5 tỷ USD), áp đảo so với giá trị rút ròng gần 31.000 tỷ đồng từ khối ngoại.
Khi thị trường chứng khoán bùng nổ và đón nhận dòng tiền từ công chúng lớn chưa từng thấy, vai trò kênh huy động vốn cho nền kinh tế nói chung và công ty niêm yết nói riêng trở nên rõ nét hơn. Nhà đầu tư dễ dàng nhận thấy kế hoạch phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu hay phát hành riêng lẻ xuất hiện trên tờ trình đại hội cổ đông của hàng chục công ty niêm yết lớn nhỏ trên sàn.
Huy động vốn qua kênh cổ phiếu được các ngân hàng, công ty địa ốc, công ty chứng khoán và nhiều doanh nghiệp sản xuất "hồ hởi" thực hiện. Không quá khi nói rằng, "bữa tiệc" huy động vốn khi thị trường chứng khoán thăng hoa khiến các doanh nghiệp đứng ngồi không yên. Bởi lẽ thế, các công ty đang phải tận dụng từng ngày từng giờ, lên sẵn phương án phát hành và thực hiện ngay sau khi được Ủy bán Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.
Nói về vai trò kênh huy động vốn, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Chứng khoán SSI nêu quan điểm: "Rất nhiều người chọn đầu tư chứng khoán thay vì gửi tiết kiệm tại ngân hàng. Cơ hội có một không hai để nước ta phát triển thị trường vốn".
Ngay với SSI, công ty chứng khoán này cũng có phương án phát hành riêng lẻ, phát hành cho cổ đông hiện hữu và chia cổ tức trong năm nay để tăng vốn điều lệ lên 11.000 tỷ đồng. Câu chuyện tăng vốn của các công ty chứng khoán để giải "cơn khát" về cho vay margin đã được đề cập trong các bài viết trước đó.
Còn với các doanh nghiệp bất động sản, xu hướng cho thấy sự dịch chuyển từ việc huy động vốn trái phiếu sang "hút vốn" qua kênh chứng khoán. Năm 2020 chứng kiến sự bùng nổ từ phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp.
Thống kê từ SSI Research, tổng giá trị trái phiếu phát hành của doanh nghiệp bất động sản năm 2020 là 182.600 tỷ đồng, chiếm 40,1% tổng phát hành toàn thị trường (tỷ trọng 2019 là 39,6%).
Trái ngược với huy động vốn trái phiếu, phát hành cổ phần từ các công ty nhìn chung là ảm đạm năm 2020, ghi nhận mức thấp nhất kể từ năm 2016. Dữ liệu từ FiinPro, tổng giá trị phát hành cổ phiếu cả năm ngoái chỉ đạt khoảng 19.900 tỷ đồng.
Trước tình trạng trái phiếu doanh nghiệp dấu hiệu nóng, Nghị định 153/2020/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được ra đời có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021. Chính sách này siết chặt hơn kênh huy động vốn trái phiếu. Hệ quả là, giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong quý I/2021 chỉ đạt 37.400 tỷ đồng, tương đương 9,2% giá trị cả năm 2020.
Tới đây, các doanh nghiệp địa ốc bắt buộc phải tìm kiếm kênh vốn để phát triển các dự án. Bối cảnh thị trường cổ phiếu khởi sắc trong khi phát hành trái phiếu doanh nghiệp bị siết chặt dường như thúc đẩy hoạt động huy động vốn qua kênh cổ phiếu mạnh mẽ hơn.
Tổng hợp 5 tháng đầu năm (tính đến ngày 27/5/2021), các công ty trên sàn đã thu về khoảng 20.300 tỷ đồng từ các đợt phát hành cổ phần, vượt cả năm 2020. Mặc dù vậy con số này vẫn còn khá khiêm tốn so với kế hoạch 82.300 tỷ đồng được các công ty đề ra.
Qua quan sát, ngân hàng và bất động sản là hai nhóm nhộn nhịp nhất trong câu chuyện huy động vốn từ phát hành cổ phần thời điểm hiên giờ.
Theo người viết thống kê mới nhất đến ngày 15/6 tại 31 công ty bất động sản niêm yết trên sàn, tổng giá trị phát hành dự kiến trong năm 2021 là 46.135 tỷ đồng (khoảng 2 tỷ USD) với khối lượng gần 3,6 tỷ cổ phần. Hai hình thức chính được các công ty lựa chọn đó là chào bán riêng lẻ và phát hành cổ phần cho cổ đông hiện hữu.
Trong số 31 công ty bất động sản được khảo sát trên có 13 doanh nghiệp sẽ phát hành riêng lẻ 690 triệu cổ phiếu trong năm nay và dự kiến thu về 11.231 tỷ đồng. 18 doanh nghiệp lên phương án phát hành cổ phần cho cổ đông hiện hữu với số tiền dự kiến thu về gần 35.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, làn sóng phát hành xuất hiện từ các "ông lớn" trong ngành cho đến những doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ.
(Còn tiếp)