Lạng Sơn giải quyết dứt điểm vướng mắc ở các dự án trọng điểm

Ngày 6/10, tỉnh Lạng Sơn tổ chức họp xem xét giải quyết khó khăn, vướng mắc, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và kiểm điểm tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm quý III/2021 do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Lương Trọng Quỳnh chủ trì.
Lạng Sơn giải quyết dứt điểm vướng mắc ở các dự án trọng điểm - Ảnh 1.

1 góc TP Lạng Sơn. (Ảnh: UBND tỉnh Lạng Sơn).

Theo Giám đốc Sở kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Hữu Chiến, trong năm 2021, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Quyết định về việc thành lập Ban Chỉ đạo, cơ chế điều hành và danh mục các dự án trọng điểm năm 2021, xác định 21 dự án để tập trung chỉ đạo; trong đó, 6 dự án vốn ngân sách nhà nước và 15 dự án vốn ngoài ngân sách.

Từ đầu năm đến nay, việc giải phóng mặt bằng, tiến độ triển khai thực hiện một số dự án trọng điểm đã  đạt được những kết quả tích cực như tại dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 4B, đoạn Km3+700 đến Km18; dự án Khu trung chuyển hàng hóa thuộc Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, dự án Hồ chứa nước Bản Lải giai đoạn 1, một số công trình đường giao thông, nước sạch thuộc dự án “Hạ tầng cơ bản phát triển toàn diện các tỉnh Đông Bắc: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn”… các dự án khác cũng đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục đầu tư, tạo tiền đề căn bản để có thể thúc đẩy tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công các dự án trọng điểm trong 3 tháng cuối năm 2021.

Trong 6 dự án trọng điểm sử dụng vốn ngân sách nhà nước, đến nay có 5 dự án thực hiện giải ngân với khối lượng 514 tỷ đồng trong số 1.088 tỷ đồng kế hoạch vốn giao năm 2021; trong đó, một số dự án giải ngân đạt cao như dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 4B đạt 96% kế hoạch vốn; dự án bồi thường hỗ trợ tái định cư công trình thuỷ lợi Bản Lải đạt 83% kế hoạch; công trình mở mới tuyến đường liên xã thị trấn Chi Lăng vào xã Y Tịch (huyện Chi Lăng) đạt 70%…

Thay mặt Ban Chỉ đạo các dự án trọng điểm tỉnh Lạng Sơn, Giám đốc Sở kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Hữu Chiến cũng nêu bật một số hạn chế, khó khăn và nguyên nhân như giải phóng mặt bằng một số dự án còn vướng mắc, chưa giải quyết được dứt điểm; quá trình tổ chức thực hiện thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng các cơ quan chuyên môn còn lúng túng, chưa nắm chắc quy trình, trình tự tổ chức thực hiện, nhất là đối với các trường hợp phải cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất, việc xác minh nguồn gốc đất đai bị thu hồi.

Bên cạnh đó, việc quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn một số huyện còn nhiều hạn chế, bất cập dẫn đến sai sót, thiếu thống nhất giữa hồ sơ địa chính, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đã cấp so với hiện trạng sử dụng đất. 

Ngoài ra, số lượng cán bộ, công chức của các cơ quan chuyên môn làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng của huyện còn thiếu, năng lực còn hạn chế và mới được kiện toàn.

Phần lớn các dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách đang ở bước thực hiện các thủ tục pháp lý. Một số dự án đến nay mới hoàn thành phê duyệt quy hoạch phân khu như dự án Quần thể khu du lịch sinh thái, cáp treo Mẫu Sơn; lập hoàn thành (điều chỉnh) quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 như dự án Khu trung chuyển hàng hóa thuộc Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, dự án Khu đô thị mới Mai Pha; đang thực hiện thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chuyển đổi mục đích sử dụng đất như dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ (đoạn Km3+700 - Km18)…

Bên cạnh đó, một số nhà đầu tư chưa phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong giải quyết khó khăn vướng mắc, chưa tập trung nguồn lực để triển khai thực hiện dự án, việc trao đổi thông tin giữa các cơ quan liên quan và nhà đầu tư chưa đạt yêu cầu.

Riêng với nhóm dự án đối tác công tư (PPP) gặp vướng mắc trong việc thu xếp tài chính của nhà đầu tư đang gặp khó khăn nhất định làm ảnh hưởng đến việc triển khai dự án, chưa hoàn thành thủ tục trình thẩm định phê duyệt chủ trương đầu tư (như dự án thành phần 2 đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn); trong quản lý, thủ tục hồ sơ, công tác giải phóng mặt bằng cho đến thi công hiện trường do các cơ quan nhà nước được giao thẩm quyền ký kết hợp đồng dự án, các nhà đầu tư còn lúng túng trong thực hiện các thủ tục hồ sơ.

Hơn nữa, sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chưa tốt; việc quản lý giám sát hoạt động đầu tư theo hình thức PPP cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư chưa thỏa đáng như dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư và dân cư nông thôn xã Hữu Khán; dự án khu tái định cư, dân cư Nam Nguyễn Đình Chiểu, thành phố Lạng Sơn…

Trước tình hình đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Lương Trọng Quỳnh chỉ đạo, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm từ nay đến cuối năm, đối với các Dự án vốn ngân sách Nhà nước cần tập trung chỉ đạo, giải quyết dứt điểm những vướng mắc, khó khăn nhất là về mặt bằng, thu xếp tài chính để đảm bảo tiến độ thi công các dự án, đẩy nhanh tiến độ giải ngân theo tinh thần Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năn 2022.

Đối với các dự án vốn ngoài ngân sách cần tiếp tục kêu gọi đầu tư, huy động tối đa các nguồn lực, đặc biệt nguồn vốn xã hội hóa thực hiện thành công dự án.

Ông Lương Trọng Quỳnh cũng yêu cầu đại diện cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tăng cường giám sát việc tuân thủ các nghĩa vụ của nhà đầu tư theo quy định tại hợp đồng dự án, giám sát chất lượng công trình theo hợp đồng dự án và quy định pháp luật; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng dự án, quy trình thực hiện kiểm đếm, thu hồi đất phải đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định, nhất là các trường hợp phải cưỡng chế thu hồi đất…

Các thành viên Ban Chỉ đạo, các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố chủ động, tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, xử lý kịp thời những vướng mắc, phát sinh thuộc thẩm quyền giải quyết; đề xuất UBND tỉnh xử lý, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc những nội dung vượt thẩm quyền.

Ngoài ra, các chủ đầu tư khẩn trương nghiệm thu, giải ngân thanh toán ngay đối với những khối lượng đã hoàn thành, thực hiện thu hồi tạm ứng theo quy định; chủ động báo cáo đề xuất điều chỉnh bổ sung quy mô dự án, mặt bằng phạm vi dự án để đảm bảo hiệu quả và phù hợp với điều kiện thực tế; thực hiện nghiêm túc thông tin, báo cáo để các cơ quan chuyên môn nắm được tình hình thực hiện, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc.

chọn
Hai thách thức lớn của Long Hậu
Đánh giá về 2024, Long Hậu cho rằng các chính sách pháp luật có nhiều thay đổi, là một trong những rủi ro ảnh hưởng đối với các nhà phát triển khu công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngoài ngành bắt đầu chuyển hướng đầu tư sang BĐS công nghiệp cũng làm gia tăng sự cạnh tranh trong lĩnh vực này.