Trong tuần qua, Bệnh viện Bạch Mai nhiều lần được nhắc tới với mối nguy cơ trở thành ổ dịch Covid-19. Tâm trạng và ý chí của người trong cuộc thế nào? Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với TS Dương Đức Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai.
PV: Tính đến sáng nay 28/3, đã có 8 bệnh nhân Covid-19 liên quan tới Bệnh viện Bạch Mai. Tình hình bệnh viện hiện nay như thế nào, thưa bác sĩ?
Hiện chúng tôi đã ngừng toàn bộ việc tiếp nhận bệnh nhân để đảm bảo an toàn cho người bệnh cũng như tránh lây nhiễm cho cộng đồng. Chúng tôi cũng dừng các hoạt động cấp cứu, gửi công văn tới các tuyến dưới yêu cầu chuyển bệnh nhân tới nơi khác điều trị thay vì Bạch Mai.
Vì đã có các ca nhiễm nên có thể coi Bạch Mai là một mối nguy cơ, tất cả những gì từ Bạch Mai đi ra đều có nguy cơ lây lan ra cộng đồng. Việc lấy mẫu xét nghiệm là điều bắt buộc về mặt khoa học, về dịch tễ.
Chúng tôi đã lấy gần 5.000 mẫu xét nghiệm cho toàn bộ nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và sẽ tiếp tục lấy nữa. Tuy nhiên, với 1 khối lượng xét nghiệm cực lớn như vậy không thể có 1 labo nào có thể ra kết quả ngay lập tức. Với sự điều phối của Bộ Y tế và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phân bổ để nhanh chóng có được kết quả xét nghiệm. Từ đó, có các phương án cách li, điều trị kịp thời cho bệnh nhân mắc Covid-19.
Kết quả xét nghiệm sẽ là bằng chứng thuyết phục và khoa học, là bức tranh toàn cảnh về tình hình dịch bệnh ở Bạch Mai đang như thế nào?
Bệnh viện đã chuẩn bị những kịch bản ứng phó nào để không bị động trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, thưa bác sĩ?
Chúng tôi biết rằng, khi dịch bắt đầu có yếu tố cộng đồng thì y tế sẽ là đơn vị tổn thương đầu tiên. Vì vậy, ngay từ trước Tết, chúng tôi đã xây dựng nhiều kịch bản đối phó với dịch từ mức độ thấp cho đến những mức độ xấu nhất, nên không hề bỡ ngỡ trước diễn biến được coi là phức tạp của dịch bệnh.
Việc phân luồng bệnh nhân, chủ động giảm tải bệnh nhân đến khám, giãn cách thời gian tái khám đã được thực hiện từ trước. Cho đến khi sự việc nóng lên thì ngừng, nhưng điều này không đột ngột, không gây xáo trộn cho các hoạt động khám chữa bệnh.
Chúng tôi cũng chuẩn bị kế hoạch cách li nhân viên y tế nghi nhiễm, chuẩn bị chỗ ở cho nhân viên, sau đó tập trung vật tư, nguyên vật liệu để chống dịch. Cũng nhờ việc đã chủ động chuẩn bị các tình huống ứng phó nên chúng tôi đã hành động ngay khi có nhân viên y tế nhiễm như cách li nhanh 160 nhân viên y tế tiếp xúc gần bệnh nhân dương tính.
Sau khi phát hiện bệnh nhân 133, khoa Thần kinh bị cách li chỉ trong vòng 6 tiếng đồng hồ buổi đêm. Chúng tôi đã gọi tất cả các y bác sĩ đang ở nhà vào cách li, làm xét nghiệm cho tất cả các nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà, phối hợp với Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội phân loại về mặt dịch tễ và ngay lập tức cung cấp đầy đủ từ đồ dùng cá nhân đến nhu yếu phẩm cần thiết cho các bạn cách li.
Bệnh viện đã đóng cửa nhà tang lễ, chỉ duy trì căng tin để phục vụ bệnh nhân và người nhà đang ở trong bệnh viện, đóng cửa các hiệu thuốc. Các nhân viên y tế trực chiến tại viện phải đeo khẩu trang và có đồ bảo hộ.
Qui trình kiểm soát nhiễm khuẩn cũng được thắt chặt hơn. Ở các khoa phòng cũng có rất nhiều sáng kiến như ở khoa nhi, thay vì đi lau thường xuyên các tay nắm cửa, thì họ bọc vải vào các tay nắm cửa và đổ cồn vào để khử trùng ngay tại tay nắm cửa. Ngoài ra, còn rất nhiều ý tưởng sáng tạo khác từ Đoàn thanh niên và nhân viên y tế xuất phát nhu cầu thực tế.
Trong số đối tượng cách li, có 1 điều dưỡng có thai tuần 38, phải mổ đẻ. Phương án mổ phòng nào, ai mổ, mổ xong thì mẹ con về đâu vì sau mổ vẫn cách li. Mọi việc được lên phương án nên không có sự bị động, lúng túng. Nếu không có kịch bản tốt, chuẩn bị kĩ thì chắc chắn sẽ ‘vỡ trận’.
Khi nghe tin hai điều dưỡng thuộc bệnh viên bị dương tính với Covid-19, cảm giác của lãnh đạo và nhân viên Bệnh viện Bạch Mai như thế nào?
Thay cho câu trả lời này tôi muốn dẫn một bài thơ trên mạng mà 1 người bạn gửi cho. Đọc bài này mình cũng thấy rất tâm tư, thậm chí cay cay sống mũi. Cái tứ của bài thơ là có thể một ngày mình đi làm, sau đó phát hiện ra dương tính, mình đi cách li. Rồi có thể cái diễn biến nặng lên và biết đâu đó là ngày cuối cùng… được gặp lại người thân…
Thú thật, khi nghe tin đồng nghiệp của mình bị dương tính thì chúng tôi có chút lo lắng. Lo cho các đồng nghiệp đó, lo cả cho mình, lo cho những đồng nghiệp đang hàng giờ, hàng ngày đối diện với nguy cơ lây nhiễm. Nhưng phải biến sự lo lắng đó thành hành động, bệnh viện phải làm tất cả những gì có thể làm được để làm sao cho hệ số an toàn của nhân viên của mình ở mức cao nhất.
Bạch Mai là bệnh viện tuyến cuối, là pháo đài cuối cùng nhưng lại có nhân viên bị nhiễm Covid-19 (dù không phải bị lây do làm nhiệm vụ). Là bác sĩ làm quản lý ở đây, vào thời điểm ấy, anh có chút nào thấy hoảng, thấy chùn bước không?
Không, không hề chùn bước.
Thực ra chúng tôi cũng đã xác định để tránh lây nhiễm thì chỉ có thể dự phòng tối đa, nhưng cũng như bão, không phải lúc nào cũng nào tránh được. Khi xảy ra thì chấp nhận và xử trí như thế nào mà thôi. Đối với những người bị lây nhiễm rồi thì làm sao để có thể cho họ được chăm sóc, được theo dõi trong những điều kiện tốt nhất có thể. Làm sao để cho những người đang ở đây cảm thấy họ có một hậu phương - chính là bệnh viện ở đằng sau để yên tâm và vững tin vào cuộc chiến này. Chúng tôi chấp nhận nguy cơ để vì một cái lớn hơn, đó là sự toàn vẹn, sự an toàn cho cộng đồng.
Một vấn đề nữa mà bệnh viện đã làm rất tốt là công tác truyền thông, ổn định tư tưởng cho anh chị em. Tới bây giờ, dù nóng vô cùng nhưng tất cả cán bộ nhân viên Bạch Mai chưa một ai nao núng. Tình huống xấu nhất xảy ra là chẳng may nhân viên y tế dương tính, bị cách li rồi bệnh nặng hơn, thậm chí tử vong, ngày đi làm ấy là ngày cuối cùng nhìn thấy mặt gia đình. Nhưng không một nhân viên nào làm đơn xin nghỉ không lương. Đây là tinh thần chung của Bạch Mai và cả ngành y tế. Cũng phải nói thêm rằng, những bác sĩ của chúng tôi đang bị cách li đều đang nóng lòng trở về cùng với đồng đội mình để tiếp tục công cuộc chống dịch.
Tôi tin tưởng, bên cạnh sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chỉ đạo sát sàn sạt của cơ quan chức năng cùng với sự đồng lòng của cán bộ nhân viên, công cuộc chống dịch ở Bạch Mai nói riêng và nước mình nói chung sẽ thành công.
Trên thế giới đã có những bác sĩ tử vong vì nhiễm Covid-19. Anh và đồng nghiệp có cảm giác thế nào khi ngày ngày đối diện với những thông tin đó?
Bạn bè của tôi, đồng nghiệp của tôi, nhân viên của tôi, chưa một ai tỏ ra lo lắng về việc lây nhiễm truyền sang cho mình. Bởi vì, ngay khi bước chân vào cái nghề này thì chúng tôi đã đã xác định rằng: cái nghiệp - đó chính là sự hy sinh cho mọi người.
Lần này, bước chân vào cuộc chiến mới, chúng tôi chỉ mong được cấp đủ trang thiết bị và điều kiện để có thể làm tốt công việc của mình. Giàu tinh thần chiến đấu, có ý chí nhưng không đủ trang thiết bị cần thiết, chúng tôi sẽ như bị bó tay. Cũng may là gần đây, chúng tôi đã không còn bị thiếu thốn nữa và đồng bào cả nước cũng đang ủng hộ hết mình cho ngành y, cả vật chất và tinh thần.
Nhưng cũng có những chuyện đáng buồn như nhân viên chúng tôi đi thuê nhà, bị chủ nhà đuổi vì làm Bệnh viện Bạch Mai. Những nhân viên y là những chiến sĩ chống dịch ở tuyến đầu, họ rất mong manh. Đừng làm họ tổn thương về thể chất cũng như tinh thần.
Chúng tôi căng mình chống dịch, đi làm với mấy trăm phần trăm sức lực, không phải vì tiền, vì đãi ngộ. Điều chúng tôi cần nhất là sự đồng cảm. Nếu chồng phải cách li vì điều trị cho bệnh nhân, nhưng vợ con ở nhà bị hàng xóm kì thị tẩy chay. Điều này rất đau lòng và gây ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần của nhân viên y tế.
Chúng tôi cần những người lính khỏe mạnh về thể chất và tinh thần để ra trận. Vì vậy chúng tôi mong được xã hội, được người dân đứng đằng sau làm chỗ dựa để yên tâm xông lên.
Mỗi sáng khi bước vào cánh cửa bệnh viện ý nghĩ đầu tiên của anh là gì?
Có nhiều cung bậc cảm xúc nhưng rõ rệt nhất khi bước qua cổng bệnh viện là mình vẫn còn có ích. Hôm nay mình vẫn còn nhiều việc phải làm, cần làm.
Những ngày này, khi phải ở lại luôn tại bệnh viện, anh có lo lắng cho gia đình nhỏ của mình ở nhà không?
Thông thường, chúng tôi thường về muộn, từ khi có ca nhiễm đầu tiên chúng tôi càng về muộn hơn và đến nay thì ở lại luôn tại bệnh viện. Ngoài công việc ra tôi cũng là một người cha bình thường, cũng phải lo toan những công việc khác của gia đình. Có hôm về đến nhà bóng đèn cháy, nhà tối mò, con còn bé nên chờ bố về thay… Và nỗi lo thường trực nhất là không biết mình có đem theo mầm bệnh về nhà để làm ảnh hưởng tới người thân của mình không?
Con trai tôi năm nay đã 13 tuổi. Trong một bài viết về bố mẹ, cháu đã viết về bố, về việc bố thường xuyên phải vắng nhà, thường xuyên không được ăn cơm cùng gia đình, hoặc ở nhà dọn cơm ra rồi lại phải đi… Trong nhận xét cuối kỳ, cô giáo ghi trong sổ liên lạc rằng: cháu biết tự hào về gia đình mình. Đó là điều tôi rất mừng vì cháu đã bắt đầu ý thức được về sự hy sinh của bố mẹ cho công việc của xã hội. Và như vậy thì cháu chắc chắn sẽ có cái nhìn độ lượng hơn, thông cảm hơn vì những lúc cần mà không có bố mẹ bên cạnh.
Các anh chị cần chúng tôi - những người làm truyền thông, báo chí làm điều gì nhất lúc này?
Để nâng cao ý thức, kiến thức của người dân trong dịch đó chính là vai trò của truyền thông. Truyền thông phải đi trước, đi cùng. Truyền thông đúng, truyền thông tốt không được thổi phồng quá đáng để gây ra những hoang mang, những lo lắng không đáng có, nhưng cũng không được bôi hồng, cũng không được làm những gì để khiến cho người ta lơ là, người ta mất cảnh giác. Truyền thông trong giai đoạn này là phải động viên được tất cả mọi người cùng đi về 1 hướng.
Anh có muốn nhắn nhủ điều gì tới người dân vào thời điểm này không?
Đây không phải là lần đầu tiên chúng ta có dịch lớn. Trong những lần trước đó, y tế chúng tôi bao giờ cũng vào cuộc rất sớm, đầy tích cực, tự nguyện và đầy tinh thần trách nhiệm. Xin mọi người hãy yên tâm ở y tế. Chúng tôi sẽ cố gắng, cố gắng hơn nữa để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Kết quả chống dịch là cái nỗ lực của tất cả mọi người chứ không phải của riêng y tế, không chỉ của riêng công an, của vệ sinh phòng dịch. Vì thế mỗi 1 người dân phải ý thức được trách nhiệm của mình thì mới có thể thành công.
Mong người dân, xã hội hiểu rằng, chúng tôi đang hết sức cố gắng. Chúng tôi mong có sự ủng hộ về tinh thần với nhân viên y tế nói chung và bệnh viện Bạch Mai nói riêng để chúng tôi có thể yên tâm chống dịch.
Tính tới sáng 28/3, đã có 8 trường hợp dương tính với nCoV liên quan tới Bệnh viện Bạch Mai được phát hiện, gồm 2 điều dưỡng; bệnh nhân 133; bệnh nhân 161 cùng 2 người thân số 162, 163; hai nhân viên giao nước sôi là bệnh nhân 168 và 169.
Có 3 nhóm dịch tễ như sau:
- BN 86, 87: hai nữ điều dưỡng Trung tâm Bệnh Nhiệt đới lây nhiễm từ bên ngoài và lây nhiễm cho nhau;
- BN 133, 161, 162, 163 lây nhiễm cho nhau.
- BN 168, 169 chưa rõ nguồn lây, nhận định có khả năng lây trong nhóm người nhà chăm sóc bệnh nhân, nguồn lây nhiễm từ bên ngoài vào bệnh viện.
Hiện Bệnh viện Bạch Mai ngừng đón tiếp bệnh nhân và thực hiện cách li toàn bệnh viện, không cho phép người vào hay ra, để bảo đảm an toàn cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và nhân viên bệnh viện.