Chánh Văn phòng UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho rằng lớp học tại đại học Harvard Kennedy đã giúp lãnh đạo TP. "mở rộng được tầm nhìn". |
Trong thời gian này, đoàn đã có các cuộc đàm phán với Ngân hàng Thế giới (WB) về những hỗ trợ sắp tới cho TP.HCM và tham gia một lớp học 5 ngày tại đại học Harvard Kennedy.
Có mặt trong đoàn công tác này, Chánh văn phòng UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đã có những chia sẻ về chuyến đi và thành quả thu được.
Theo ông, đây là lớp học đặc biệt, vì là lớp học đầu tiên dành cho chính quyền địa phương của đại học Havard Kenedy, bởi từ trước đến nay đại học này chủ yếu tổ chức cho lãnh đạo cấp cao của nhà nước.
Ông cho rằng lớp học này là một diễn đàn, “không học như thầy dạy trò nghe mà là diễn đàn rất đúng nghĩa giữa lãnh đạo TP với các nhà bác học, các giáo sư nổi tiếng của thế giới”.
“Nội dung chương trình bài giảng nghiên cứu rất kỹ về TP.HCM. Mỗi một nội dung đều bám sát vào thực tiễn TP và họ đưa ra những khuyến nghị để chúng ta nghiên cứu, xem xét trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành để TP phát triển” – ông Hoan nói.
Ông Hoan nhấn mạnh, những giáo sư “không phải đưa ra các bài học ở trên trời dưới đất” và “không có cái nào mà mình có thể nói là trật, thậm chí còn sâu nữa”.
Cụ thể, trong 5 ngày diễn ra (từ ngày 11-15/9) lớp học đã thảo luận 5 nhóm nội dung gồm: Quy hoạch phát triển đô thị; Phát triển đô thị gắn với thành phố thông minh; Các kinh nghiệm quốc tế và cách tiếp cận của chính quyền địa phương; Phát triển bền vững, và cuối cùng là Những bài học kinh nghiệm từ những thị trường tài chính, bất động sản.
“Năm nhóm này được gắn kết ở 14 chuyên đề và mỗi chuyên đề khoảng 3h. Chúng tôi học thông tầm sáng – trưa – chiều, rất sôi nổi, không hề mệt, thậm chí rất thoải mái. Cách thức tổ chức của người ta rất khoa học” – ông Hoan cho hay.
“Chương trình sát, hợp lý, nội dung tích cực, phương pháp linh hoạt, có kết hợp giữa học và nghiên cứu thực tiễn. Chưa có lớp nào có cả chục giáo sư nổi tiếng thế giới cùng với lãnh đạo TP. Đoàn mình đi có 23 đồng chí toàn là giám đốc các sở ngành mà không có cấp phó. Đó là quyết định của Thường trực Thành ủy” – ông Hoan cho biết thêm.
“Anh em rất hăng hái thảo luận, tranh luận với các giáo sư, đến mức có những lúc các giáo sư phải đứng lên nói: Đây là nhà bác học còn chúng ta là nhà quản lý thực tiễn. Hai cái này có thể chưa tiếp cận được” – ông Hoan kể lại.
Ông cũng chia sẻ rằng qua lớp học, bản thân đã “cập nhật được kiến thức, mở rộng được tầm nhìn và có thêm niềm tin được chuyển hóa từ kiến thức, và đó không phải niềm tin một cách mù mờ".
“Mình có nhiều cơ sở lý luận, có thêm cơ sở thực tiễn để chúng ta tiếp tục kiến nghị với TP, với Trung ương những cơ chế, chính sách để phát triển” – ông cho hay.
Về các hành động trong thời gian tới, ông Hoan cho biết, TP sẽ đánh giá lại tất cả các nguồn lực, từ đất đai, nhà cửa, cơ sở vật chất, văn hóa xã hội, giáo dục, y tế… những điều mà TP nắm cũng chắc nhưng còn manh mún.
Đồng thời TP tiếp tục phối hợp với trường Fulbright Việt Nam để nghiên cứu cho ra được các sản phẩm là văn bản quy phạm pháp luật, nhằm kiến nghị với Trung ương về các vấn đề như: Tài chính, thuế, phí, tất cả các cơ chế hành chính, đầu tư phát triển hạ tầng.
Ngoài ra TP sẽ phối hợp với trường Fulbright Việt Nam để đào tạo cho đội ngũ cán bộ TP với mục đích nhằm “mở rộng tầm nhìn, hiểu biết sâu hơn”, với những lớp học có các giáo sư từ đại học Havard sang.