Năm 2020, Ninh Bình đăng cai năm du lịch Quốc gia với chủ đề “Hoa Lư - Cố đô Ngàn năm”; hướng tới lễ kỷ niệm 1010 năm vua Lý Công Uẩn rời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long (Hà Nội). Với lợi thế các di tích lịch sử, điểm du lịch chùa chiền quy mô lớn, Chính quyền địa phương Ninh Bình luôn chú trọng chiến lược định hướng phát triển du lịch tâm linh gắn liền với du lịch sinh thái.
Nhưng dịch COVID-19 bất ngờ bùng phát đúng vào dịp Tết Nguyên đán và lây lan sang Việt Nam sau đó, khiến các điểm du lịch lễ hội tại Ninh Bình “vắng như chùa Bà Đanh”. Doanh thu du lịch cũng trượt dốc không phanh.
Trái với các khu du lịch biển hay nghỉ mát, du lịch Ninh Bình gắn liền với mùa lễ hội tháng 1 đến tháng 3 âm lịch, khi người dân đi du xuân, lễ bái đầu năm.
Số liệu thống kê của tỉnh Ninh Bình, đến năm 2019, toàn tỉnh có khoảng 5.000 người lao động hoạt động trực tiếp trong ngành du lịch, chưa kể lực lượng lao động liên quan phục vụ trong các nhà hàng, homestay, khách sạn lên đến hàng chục ngàn người. Đại đa số họ không có việc làm trong suốt thời gian dịch bệnh, do các khu du lịch ngừng hoạt động, nhà hàng khách sạn ngừng đón khách và khách du lịch cũng vắng tanh.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Ninh Bình, bà Dương Thị Thanh, cho biết đến nay vẫn chưa có số liệu chính thức rằng có bao nhiêu lao động trong ngành mất việc hoặc nghỉ việc tạm thời những tuần qua, nhưng tính toàn bộ “hệ sinh thái” liên quan tới ngành như dịch vụ lưu trú, nhà hàng, lưu niệm, lữ hành… thì con số chắc chắn sẽ rất lớn. Mọi hoạt động của ngành du lịch Ninh Bình “gần như đóng băng” đúng vào thời điểm mùa du lịch được người dân kỳ vọng nhất trong năm.
Cho đến khi chính phủ dỡ bỏ lệnh giãn cách xã hội vào cuối tháng 4, các điểm du lịch Ninh Bình, nhà hàng, khách sạn, dịch vụ lữ hành… mới hoạt động trở lại. Nhưng tốc độ khôi phục ban đầu được đánh giá là khá chậm rãi, vì mùa du lịch đã qua từ lâu và hàng loạt sự kiện lễ hội lớn trong năm đã bị hủy bỏ.
Anh Q.T (53 tuổi), chủ chuỗi nhà hàng Quốc Quân có hơn 10 năm hoạt động tại đất Cố đô cho biết đã đóng cửa nhà hàng từ khi Việt Nam xuất hiện ca nhiễm COVID-19 đầu tiên, tức vào khoảng cuối tháng 2 dương lịch. Khi đó, mùa du lịch tại Ninh Bình chỉ vừa bắt đầu chưa đầy 1 tháng.
Hơn một chục năm hoạt động, chưa năm nào anh Q.T chứng kiến mùa du lịch vắng khách như năm nay. Các nhà hàng ở Tràng An thường đón khách từ ngay trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, khoảng mùng 2,3 tháng Giêng âm lịch hàng năm, và đông khách cho đến hết mùa lễ hội tháng 3 âm lịch.
Nhưng năm nay, thông tin về dịch bệnh tại Trung Quốc xuất hiện từ trước tết Nguyên đán đã khiến người dân hoang mang. Họ hạn chế đi đến các khu du lịch, sợ sẽ lây bệnh từ khách du lịch nước ngoài. Rất nhiều cơ quan đoàn thể và các gia đình đã hủy bỏ chuyến du xuân”.
“Dù mở cửa đón khách suốt tháng Giêng âm lịch, doanh thu chuỗi nhà hàng vẫn giảm mạnh 80%, tương đương hàng tỉ đồng, so với cùng kỳ năm ngoái” - anh Q.T nói thêm. Tình hình kinh doanh khó khăn buộc anh Q.T phải cho nhân viên nghỉ không lương suốt 2 tháng. Đến cuối tháng 4, trước dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vài ngày, chuỗi nhà hàng mới mở cửa đón khách trở lại.
Đón khách trở lại không có nghĩa là đã doanh thu sẽ hồi phục, bởi lúc này mùa du lịch Ninh Bình đã kết thúc từ lâu.
“Đa phần các dịch vụ nhà hàng, lưu trú, lữ hành…địa phương đa số dựa vào nguồn thu từ khách du lịch. Dù có kích cầu du lịch, trong thời điểm nắng nóng đỉnh điểm hiện nay, khách cũng có nhiều khả năng tìm đến các khu du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng, nghỉ mát thay vì các điểm du lịch tâm linh, danh thắng như Ninh Bình” - anh Q.T trăn trở.
Nhưng “đói thì đầu gối phải bò”. Ông chủ nhà hàng tính tới nhiều phương án, từ tăng cường marketing truyền thông cho đến kết hợp với công ty lữ hành triển khai các ưu đãi hấp dẫn. Nhưng bất ngờ thay, phương án hiệu quả nhất đến từ một chiến lược đặc biệt: Kéo khách từ các khu du lịch biển!
Anh Q.T phân tíc rằng, nhiệt độ ngoài trời lên đến hơn 40 độ C, chẳng mấy ai muốn leo núi vãn cảnh hay đi chùa lễ Phật, dù các doanh nghiệp ưu đãi hậu hĩnh. Nếu khách chọn đi du lịch biển, nhà hàng sẽ tìm cách kéo khách từ biển về! Ninh Bình không có khu du lịch biển đẹp. Nhưng các tỉnh lân cận như Thanh Hóa, thậm chí xa hơn nữa là Nghệ An có biển đẹp, đông nghịt khách.
“Giá sẽ là một lợi thế: hải sản thì rất đắt, nhưng đặc sản dê núi thì rẻ hơn! Tôi triển khai các combo, các ưu đãi hấp dẫn chỉ từ 100-200K/ người. Một lợi thế dễ thấy khác là Ninh Bình nằm trên trục đường từ các khu du lịch biển Nghệ An, Thanh Hóa chạy ra Thủ đô Hà Nội. Thế nên tôi liên hệ với các công ty lữ hành để xây dựng một lịch trình hợp lý và rẻ hơn cho khách. Chẳng hạn, khách đi biển Thanh Hóa, 2-3 ngày ăn hải sản chán rồi, trên đường trở về dừng chân tại Ninh Bình thưởng thức đặc sản dê cố đô là hợp lý”, anh Q.T chia sẻ.
BBiện pháp này có lợi cho cả 3 bên: công ty lữ hành, khách du lịch và nhà hàng. Nhà hàng tận dụng được nguồn khách từ biển bù đắp lại khách địa phương vắng vẻ, khách du lịch và công ty lữ hành cũng hết sức vui vẻ vì giá cả rẻ hơn.
Không may mắn như vậy, chuỗi nhà hàng Đức Tuấn (Ninh Bình) vẫn đang vật vã với bài toán doanh thu. Trước khi dịch bệnh bùng phát, ông T. (chủ chuỗi nhà hàng Đức Tuấn) cho biết khách du lịch nước ngoài chiếm tới 80-90% tổng lượng thực khách của nhà hàng.
“Chúng tôi kinh doanh theo hình thức buffet, với thực đơn các món ăn thiên về kết hợp giữa đặc sản Cố đô và món ăn phương Tây cho người nước ngoài. Chúng tôi hợp tác nhiều hơn với các doanh nghiệp lữ hành Inbound. Nhưng đến đầu tháng 6, đa số các đường bay quốc tế vẫn hạn chế, không có khách nước ngoài đến Việt Nam”.
Thực tế, nhiều chuyên gia kinh tế đã nhận định hiệu quả của chính sách Kích cầu du lịch có nhiều khả năng không đồng đều, do quy mô kích cầu và đặc thù du lịch khác nhau của địa phương. Nhưng đây sẽ là “phép thử” thử thách khả năng thích nghi, xử lý khủng hoảng và tái cơ cấu của các cơ sở kinh doanh.
“Sẽ có nhà hàng phục hồi sau thời gian chết lâm sàng, nhưng cũng sẽ có nhà hàng chết hẳn”, ông Q.T bình luận.