Lấy ráy tai: Cẩn thận thủng màng nhĩ, mắc nấm, viêm tai

Nhiều người có thói quen lấy ráy tai vì cho rằng làm vậy để giúp tai sạch sẽ. Nhưng theo các bác sĩ, điều đó là không cần thiết, thậm chí hành động này còn có thể gây ra thủng màng nhĩ, điếc, hoặc mắc các bệnh lây nhiễm như HIV…

Nhiều người có thói quen lấy ráy tai để sạch sẽ hơn nhưng họ không biết những tác dụng của ráy tay và nguy hiểm mà hành động này mang lại.

Trên thị trường hiện có rất nhiều dụng cụ lấy ráy tai từ tăm bông, kim loại đến các loại máy điện. Điều đó cho thấy rất nhiều người có nhu cầu sử dụng mặt hàng này.

Thực tế đúng như vậy, rất nhiều người có thói quen ngoáy tai để đỡ ngứa ngáy khó chịu và cảm thấy sạch sẽ hơn.

Vậy nhưng, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng ráy tai là một tác nhân có khả năng tự làm sạch, với đặc tính kháng khuẩn, bôi trơn và bảo vệ, VnExpress cho biết.

Đó là lý do vì sao các tuyến nhỏ xíu trong các kênh ở tai ngoài liên tục tiết ra chất nước, trộn lẫn với một chút tóc và da chết tạo thành ráy tai. Phần ráy tai thừa thường di chuyển chậm chạp ra khỏi kênh tai, với sự hỗ trợ của động tác nhai và các cử động hàm khác, mang theo bụi và các chất bẩn. Sau đó nó khô thành cục và rơi ra khỏi vành tai.

Khi quá trình di chuyển tự nhiên của ráy tai bị rối loạn, hoặc khi người ta dùng tăm bông chọc vào trong tai, ráy tai có thể tích lại và chẹn một phần của kênh tai.

Do đó, mọi sự can thiệp của con người dù dùng các loại máy được quảng cáo là an toàn tuyệt đối cũng ảnh hưởng không tốt đến tai bởi nó đã làm thay đổi quá trình tự nhiên này.

Chia sẻ với Trí thức trẻ, PGS Lê Công Định – trưởng khoa tai mũi họng, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, rất nhiều bệnh nhân bị viêm da ống tai, viêm tai thậm chí là nấm ống tai vì thói quen ngoáy tai suốt ngày.

PGS Định cho biết thói quen này cực kỳ nguy hiểm mọi người tốt nhất không nên lấy ráy tai, dù ráy ướt hay ráy khô vẫn phải đến bác sĩ khám. Những người bình thường chỉ cần 1 năm đi khám 1 lần xem có bị nút lỗ tai hay không.

Bình thường, theo PGS Định ráy tai chính là một lớp bảo vệ thính lực của mình tránh được những vi khuẩn xâm nhập vào trong..

lay ray tai can than thung mang nhi mac nam viem tai
Người dân cần cẩn trọng khi đi lấy ráy tai ở hiệu

Những bệnh thường gặp do tự lấy ráy tai:

GS.TS Phạm Kiên Hữu - trưởng khoa tai mũi họng Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM - cho biết, lấy ráy tai sẽ giảm bớt cơ chế bảo vệ của da ống tai. Mặt khác lớp da ống tai rất mỏng, việc ngoáy tai thường xuyên dễ làm trầy xước da, tạo điều kiện cho vi trùng sống cộng sinh trên da có thể xâm lấn xuống dưới gây nên bệnh viêm tai ngoài.

Việc sử dụng bộ dụng cụ ngoáy tai chung tại nhiều tiệm cắt tóc hiện nay rất nguy hiểm. Nếu không được vô trùng cẩn thận, khách hàng sẽ dễ bị nhiễm trùng tai. Dùng chung một bộ dụng cụ sẽ dễ bị lây lan từ người này sang người khác làm cho tai bị viêm.

Ngay cả những bộ dụng cụ tự mỗi cá nhân đưa tới tiệm cắt tóc cũng chưa chắc chắn về việc vô trùng khi dùng xong. Trong số các dụng cụ đó, dụng cụ chùm lông là nguy hiểm nhất, rất dễ có vi trùng dính vào và khi sử dụng lần tiếp theo sẽ bám vào da ống tai gây bệnh.

“Theo tôi, tốt nhất là không nên lấy ráy tai”, GS.TS Phạm Kiên Hữu nói.

Việc lấy ráy tai cũng có thể đưa đến các bệnh sau:

Tắc ống tai do dùng tăm bông ngoáy. Vô tình hành động này đẩy ráy tai vào sau bên trong khiến ống tai bị tắc.

Nấm tai, viêm tai do dùng dụng cụ không sạch, vô tình đưa vi khuẩn vào tai.

Thủng màng nhĩ, điếc do vệ sinh tai không đúng cách gây xước, vi trùng xâm nhập gây viêm nhiễm nặng dẫn đến các hậu quả trên.

Thậm chí, nhiều người đi lấy ráy tai ngoài hàng, dùng chung dụng cụ còn có thể mắc các bệnh lây nhiễm như HIV…

Do đó, người dân tốt nhất không ngoáy tai. Chỉ nên dùng khăn lau sạch những phần ráy đã đẩy ra phía tai ngoài để không dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

Vệ sinh đúng cách

ThS.BS Lê Trần Quang Minh - phó giám đốc Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM cho biết, với người có ống tai bình thường không cần phải làm vệ sinh tai đặc biệt gì vì cơ chế làm sạch của cơ thể sẽ tự đẩy ráy tai ra ngoài. Chỉ cần đi khám tai định kỳ mỗi năm một lần xem có bị nút lỗ tai không (biểu hiện nghe kém, hơi nghễnh ngãng).

Nếu có, bác sĩ chuyên khoa sẽ lấy ra vừa an toàn, vừa đảm bảo không nhiễm trùng. Với người bị giảm chức năng lông chuyển, giảm tiết hoặc ống tai có viêm nhiễm thì phải tới khám bác sĩ chuyên khoa.

Không nên lấy ráy tai bằng que móc kim loại, ngay cả dùng tăm bông ngoáy ráy tai cũng rất có hại vì tăm bông có thể dồn ráy tai vào sâu sát màng nhĩ, nếu ngoáy thường xuyên lâu ngày sẽ tích tụ tạo thành nút ráy tai gây tắc nghẽn.

Ngoài ra, tăm bông nhìn tưởng mềm nhưng vẫn có thể gây trầy xước da ống tai, vô tình tạo điều kiện cho vi trùng xâm nhập dẫn đến viêm ống tai ngoài cấp.

Tại Bệnh viện Tai mũi họng TP, trung bình mỗi tháng tiếp nhận khoảng 100 bệnh nhân bị viêm ống tai ngoài, trong đó có khoảng 20-30 bệnh nhân cho biết đi khám bệnh vì tai bị sưng, đau sau ngoáy ráy tai.

Thỉnh thoảng lại có bệnh nhân bị thủng màng nhĩ vì ngoáy lỗ tai sâu quá hoặc đang lấy ráy tai bằng que móc kim loại bị người khác đi qua vô tình đụng phải gây thủng màng nhĩ, rách da ống tai, chảy máu.

Có trường hợp chấn thương thủng màng nhĩ gây tổn thương tai trong, khiến bệnh nhân bị giảm hoặc mất thính lực, chóng mặt, ói, ù tai phải nhập viện theo dõi.

“Vệ sinh tai đúng cách là không dùng các vật cứng, que móc kim loại, tăm bông để ngoáy ráy tai. Trường hợp sau khi tắm, đi bơi bị nước vào lỗ tai chỉ cần nghiêng đầu, day nhẹ vùng nắp tai cho nước tự chảy ra. Một ít nước còn sót lại sẽ tự khô từ từ không cần phải ngoáy tai. Nếu cảm thấy ướt tai khó chịu, chỉ dùng tăm bông, khăn mềm lau nhẹ ngoài cửa tai, không đưa sâu vào trong tai” - bác sĩ Quang Minh hướng dẫn.

Có thể bạn quan tâm
chọn
Hình ảnh đường kết nối Hà Nội - Bắc Giang qua cầu Xuân Cẩm vừa thông xe
Tuyến đường kết nối từ nút giao Bắc Phú, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đến cầu Xuân Cẩm ở Sóc Sơn, Hà Nội dài 4,2 km vừa thông xe kỹ thuật.