Lễ viếng nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh tại TP HCM

7h sáng 3/5, lễ viếng nguyên Chủ tịch nước - Đại tướng Lê Đức Anh bắt đầu tại Nhà tang lễ quốc gia Hà Nội, hội trường Thống Nhất TP HCM và hội trường UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Từ 6h, an ninh trên các tuyến đường xung quanh khu vực Dinh Thống Nhất (quận 1, TP HCM) được thắt chặt.

Lãnh đạo Thành ủy, UBND, HĐND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM do Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu có mặt từ rất sớm. Về phía Trung ương, có Chánh văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Văn Nên, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến... cùng tham gia đoàn viếng.

Lễ viếng nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh tại TP HCM - Ảnh 1.

An ninh trên các tuyến đường xung quanh khu vực Dinh Thống Nhất (quận 1) được thắt chặt. (Ảnh: VnExpress).

Lễ viếng nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh tại TP HCM - Ảnh 2.

Lễ viếng nguyên Chủ tịch nước - Đại tướng Lê Đức Anh bắt đầu ở hội trường Thống Nhất TP HCM từ lúc 7h. (Ảnh: VnExpress).

Lễ viếng nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh tại TP HCM - Ảnh 3.

Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu có mặt từ rất sớm. (Ảnh: Thanh Niên).

Trước khi lễ viếng chính thức bắt đầu, tại phòng ghi sổ tang, có mặt sớm nhất để ghi những dòng tiễn biệt đại tướng Lê Đức Anh là Bí thư Trung ương Đảng Nguyễn Văn Nên và đại diện Quân khu 7, Quân khu 9.

Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Thành mời đoàn Thành uỷ, HĐND, UBND, Mặt trận Tổ quốc và các thành viên ban Tổ chức lễ tang do Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân vào viếng nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh.

Trong tiếng quân nhạc Hồn Tử Sĩ, đoàn đại biểu dành một phút tưởng niệm nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh.

Lễ viếng nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh tại TP HCM - Ảnh 4.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân. (Ảnh: VnExpress)

Trong sổ tang, Bí thư Thành uỷ TP HCM Nguyễn Thiện Nhân viết: "Vô cùng thương tiếc và tưởng nhớ một vị tướng tài ba, quả cảm, trực tiếp chỉ huy nhiều chiến dịch lớn, là Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, để lại nhiều dấu ấn quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta, gắn bó sâu nặng với nhân dân Nam Bộ, với quân dân Sài Gòn - Gia Định - TP HCM. 

Một nhà lãnh đạo xuất sắc có tầm nhìn sâu rộng trong những vấn đề chiến lược, có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước và mở rộng quan hệ đối ngoại, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Xin kính cẩn nghiêng mình tiễn đưa đồng chí Đại tướng Lê Đức Anh - Chú Sáu Nam về yên nghỉ trong lòng đất Nam Bộ Thành Đồng Tổ quốc".

Lễ viếng nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh tại TP HCM - Ảnh 5.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân viết vào sổ tang. (Ảnh: VnExpress)

Thay mặt đảng ủy Bộ tư lệnh Quân khu 7, Tư lệnh - Trung tướng Võ Minh Lương viết trong sổ tang: "Đại tướng Lê Đức Anh - một nhà chính trị lớn, nhà quân sự tài ba, luôn nêu cao tinh thần cách mạng tiến công, có tư duy sáng tạo, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Một chiến sĩ cách mạng tài trí kiên cường, một vị tướng, vị tư lệnh, chính ủy đức độ, tài năng suốt đời gắn với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, dân tộc".

Còn Thiếu tướng Huỳnh Chiến Thắng viết: "Đảng ủy Bộ tư lệnh Quân khu 9 và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang quân khu vô cùng thương tiếc Đại tướng Lê Đức Anh. Đồng chí là một nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân ta. Đồng chí đã cống hiến trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và sự phát triển, đổi mới của đất nước Việt Nam…".

Đại diện Công an TP HCM ghi trong sổ tang: "Trong 80 năm hoạt động cách mạng, đồng chí đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh cứu nước vì nền độc lập dân tộc, cũng như trong sự nghiệp xây dựng bảo vệ và phát triển đất nước Việt Nam. Đồng chí mất đi là một tổn thất lớn lao với Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam".

Lễ viếng nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh tại TP HCM - Ảnh 6.

Ông Nguyễn Văn Tòng. (Ảnh: Tuổi Trẻ).

Trong đoàn người tới viếng rất sớm ở Hội trường Thống Nhất có một người đàn ông lớn tuổi với mái đầu bạc phơ. 

Ông Nguyễn Văn Tòng (90 tuổi) nhớ về người thủ trưởng cũ của mình là một vị tướng giỏi. Sau 1975, khi ông Sáu Nam là Tư lệnh Quân khu 9, ông Tòng là Phó chính ủy quân khu. Sau này, ông Tòng chuyển sang công tác trong ngành văn hóa, còn ông Sáu ra trung ương, khi trở lại TP HCM vẫn thường gặp gỡ những người đồng chí, đồng đội cũ của mình. 

"Ông ấy là một vị tướng giỏi. Tôi nhớ ông đến suốt đời" - ông Tòng nói.

Nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh qua đời lúc 20h10 ngày 22/4 tại nhà số 5A, Hoàng Diệu, Hà Nội. Tang lễ ông diễn ra với nghi thức Quốc tang. Danh sách Ban lễ tang gồm 39 người, do Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng Ban.

Lễ viếng Đại tướng Lê Đức Anh bắt đầu từ 7h đến 11h, lễ truy điệu từ 11h ngày 3/5, tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội; lễ an táng từ 17h cùng ngày tại nghĩa trang TP HCM. Cũng thời gian trên, tại hội trường Thống Nhất TP HCM và hội trường UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức lễ viếng, lễ truy điệu Đại tướng Lê Đức Anh.

Sau lễ truy điệu, linh cữu cố Chủ tịch nước Lê Đức Anh sẽ từ Nhà tang lễ quốc gia đi qua nhà công vụ ông từng ở (số 5A Hoàng Diệu), Lăng chủ tịch Hồ Chí Minh, Phủ chủ tịch rồi ra sân bay Nội Bài vào TP HCM. Tại TP HCM, linh cữu sẽ qua quân khu 7, nơi ông từng là Tư lệnh kiêm Chính uỷ quân khu, đi qua nhà riêng 240 Pasteur trước khi đến nghĩa trang TP HCM.


chọn
Incomex thoát lỗ 2024 nhờ khoản lãi đột biến, đang bắt tay với công ty con BIM Group làm dự án ở Vĩnh Phúc và Long Biên
Quý IV/2024, Incomex bất ngờ ghi nhận khoản lợi nhuận khác 5,7 tỷ đồng, nhờ đó thoát lỗ trong năm 2024. Doanh nghiệp hiện đang bắt tay với Catalan Land để hồi sinh dự án Xuân La, đồng thời hợp tác với công ty con của BIM Group đầu tư hai dự án bất động sản ở TP Phúc Yên và quận Long Biên.