Lên sàn với giá đắt đỏ 140.900 đồng mỗi cổ phiếu, VTVCab đang làm ăn ra sao?

Kết quả kinh doanh những năm gần đây của VTVCab liên tục đi xuống. Trong năm nay, VTVCab dự định sẽ thiết lập mạng lưới đa kênh (MCN) trên YouTube, bất chấp sự cố mà Yeah1 gặp phải từ đầu năm 2019 và rơi vào khủng hoảng như hiện nay.

Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa chấp thuận cho Công ty CP Tổng công ty Truyền hình Cáp Việt Nam (VTVCab) giao dịch hơn 45,7 triệu cổ phiếu mã CAB trên sàn UPCoM.

Dự kiến, VTVCab sẽ giao dịch ngày đầu tiên vào ngày 6/9/2019, với giá tham chiếu 140.900 đồng/cổ phiếu. Việc định giá này giúp vốn hóa ngày chào sàn của VTVCab lên đến hơn 6.400 tỉ đồng.

Nợ phải trả còn 1.617 tỉ đồng

Tiền thân của VTVCab là Trung Tâm dịch vụ kĩ thuật cáp trực thuộc Đài truyền hình Việt Nam được thành lập năm 1995. VTVCab được chuyển đổi sang hình thức công ty TNHH Nhà nước một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu từ tháng 6/2012.

vtvcab-quan-3-q3

VTVCab dự kiến chào sàn UPCoM và giao dịch ngày đầu tiên vào ngày 6/9/2019. (Ảnh: VTVCab).

Tháng 6 năm ngoái, VTVCab có giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp thay đổi lần thứ 6, để chuyển đổi từ Công ty TNHH một thành viên thành công ty cổ phần.

Sau cổ phần hóa, Đài Truyền hình Việt Nam nắm giữ 98,55% cổ phần tại VTVCab, 1,45% cổ phần còn lại do người lao động doanh nghiệp nắm giữ.

Công ty con của VTV hoạt động chính trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, quảng cáo truyền hình… 

Hiện VTVCab có gần 100 chi nhánh, đơn vị hợp tác, cung cấp dịch vụ truyền hình tại hơn 50 tỉnh thành trên cả nước.

Tính đến hết quý II/2019, VTVCab có 4 công ty con và 4 công ty liên kết. Trong số các công ty con, VTVCab nắm 100% tỉ lệ sở hữu và biểu quyết tại Công ty TNHH MTV Hạ tầng viễn thông VTVCab; 50-51% tỉ lệ sở hữu tại Công ty CP Công nghệ Việt Thành, Công ty CP Truyền hình tương tác Việt Nam và Công ty CP Phát triển thể thao VTVcab.

4 công ty liên kết do VTVCab sở hữu từ 20-39%, gồm Công ty CP VTVCab Nam Định, Công ty TNHH Mua sắm tại nhà VTV-Hyundai, Công ty CP Truyền thông On+ và Công ty CP Truyền thông quảng cáo đa phương tiện.

Tổng tài sản VTVCab tính đến ngày 30/6/2019 đạt 2.230 tỉ đồng, giảm 187 tỉ so với thời điểm đầu năm. Nợ phải trả còn 1.617 tỉ đồng, trong đó dư vay nợ ngắn hạn còn 377 tỉ đồng và dư vay nợ dài hạn 306 tỉ đồng.

VTVcab đang làm ăn ra sao?

Báo cáo tài chính hợp nhất nửa đầu năm nay của VTVCab cho biết doanh thu 6 tháng đầu năm 2019 đạt 1.074 tỉ đồng. Giá vốn bán hàng chiếm 74% doanh thu, khiến lợi nhuận gộp của VTVCab còn 278 tỉ đồng.

Chi phí bán hàng và chi phí quản lí doanh nghiệp của VTVCab trong 6 tháng đầu năm lần lượt là 86 và 128 tỉ đồng. Đáng chú ý, VTVCab còn ghi nhận một khoản lỗ tại các công ty liên doanh, liên kết hơn 9 tỉ đồng.

Ảnh chụp Màn hình 2019-08-30 lúc 17

Vài năm qua, doanh thu và lợi nhuận của VTVCab đang giảm dần. (Đồ hoạ: Phúc Minh).

Kết quả, nửa đầu năm nay, lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp chỉ đạt 22 tỉ đồng. Sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp, lãi sau thuế của VTVCab chỉ còn 14 tỉ. 

So với kế hoạch đặt ra tại Đại hội cổ đông vào đầu năm nay, VTVCab chỉ mới hoàn thành được 30% chỉ tiêu lãi trước thuế.

Kết quả kinh doanh này của VTVCab thấp hơn nhiều so với vài năm trước đây và đang có dấu hiệu đi xuống. 

Cụ thể, năm 2014, lợi nhuận của VTVCab đạt 174 tỉ đồng, năm 2015 đạt 172 tỉ, đến năm 2016, còn 105 tỉ đồng. 

Năm ngoái, kết quả doanh thu và lợi nhuận tiếp tục sụt giảm, doanh thu hợp nhất đạt 2.949 tỉ và lãi sau thuế chỉ 74 tỉ đồng. 

Kết quả này thấp hơn nhiều so với kế hoạch trong năm nay và giai đoạn đến năm 2022. VTVCab kì vọng đến năm 2020 sẽ đạt 107 tỉ đồng lợi nhuận, đến năm 2022, con số này sẽ tăng thành 283 tỉ đồng.

IPO thất bại vào năm 2018

Tháng 4/2018, VTVCab từng tiến hành IPO hình thức giữ nguyên vốn nhà nước hiện có tại doanh nghiệp, phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. 

Thời điểm đó, VTVCab chào bán gần 42,3 triệu cổ phiếu, tương đương 47,8%/vốn điều lệ sau cổ phần, với giá 140.900 đồng/cổ phiếu.

93994aa5

VTVCab IPO thất bại vào năm ngoái. (Ảnh: Zing).

Tuy nhiên, do chỉ 1 nhà đầu tư đăng kí tham gia, không đủ điều kiện tổ chức phiên đấu giá nên đợt IPO này đã thất bại.

Theo các công ty chứng khoán, nguyên nhân VTVCab IPO thất bại là định giá quá cao, khi tỉ suất lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (P/E) dự phóng đến 344 lần, trong khi các doanh nghiệp cùng ngành trong khu vực chỉ khoảng 14-15 lần. 

Ngoài ra, với đặc thù quản lí nhà nước, VTVCab đặt điều kiện nếu nhà đầu tư chiến lược tham gia mua cổ phần thì tỉ lệ mua tối thiểu phải là 10%, và phải nắm giữ ít nhất lên tới 10 năm. Đây được xem là một điều khiến nhà đầu tư không mấy mặn mà.

Sau đợt IPO thất bại, VTVCab đã bán 664.800 cổ phiếu ESOP và chuyển đổi thành công ty cổ phần từ cuối tháng 6/2018. Nắm giữ cổ phần lớn nhất là Đài truyền hình Việt Nam với hơn 45 triệu cổ phần, tương đương 98,55% vốn.

Trong ngày chào sàn UPCoM vào cuối tuần này, giá tham chiếu cổ phiếu CAB của VTVCab là 140.900 đồng/cổ phiếu, tương đương đợt chào bán vào năm ngoái. 

VTVCab muốn nhảy vào nền tảng MCN trên YouTube

"Hiện nay, với Internet, người dùng có thể xem các nội dung truyền hình theo nhu cầu, ở bất kì đâu, bất kì lúc nào trên nhiều nền tảng, nhiều hệ thống như mạng xã hội, hệ thống Internet OTP. Một phần không nhỏ người dùng hiện không còn muốn xem truyền hình theo cách truyền thống", đại diện VTV Cab cho biết.

Vì vậy, theo định hướng, VTVCab sẽ chú trọng đầu tư phát triển phát triển lượng khán giả mới để tối đa hóa doanh thu, dịch chuyển truyền hình truyền thống sang truyền hình OTP.

Đáng chú ý, trong định hướng hoạt động, VTVCab cho biết sẽ tăng cường kinh doanh nội dung, dịch vụ giải trí trên mạng Internet, trong đó có thiết lập mạng lưới đa kênh (MCN) trên YouTube. 

Đây là mạng lưới mà Yeah1 đang vận hành và gặp rắc rối với Google vào đầu năm nay. Sự cố khiến Yeah1 bị khủng hoảng trầm trọng về kết quả kinh doanh lẫn thị giá cổ phiếu YEG trên sàn chứng khoán.

Ngoài ra, VTVCab cũng đẩy mạnh dịch vụ truyền hình theo yêu cầu (VOD), Internet, truyền hình online, truyền hình HD, 4K… Phát triển các gói dịch vụ riêng cho từng tập khách hàng khác nhau, tập trung vào các gói dịch vụ cao cấp và đối tượng khách hàng tương ứng.