Bị hại vụ FLC: Cảm thấy may mắn nhờ 'không bỏ trứng vào một giỏ'

Tại phiên tòa xét xử vụ án FLC sáng 22/7, bà X., một bị hại chia sẻ cảm thấy may mắn nhờ nguyên tắc "không bỏ hết trứng vào một giỏ", không vay mượn khi đi đầu tư, nhờ vậy mà gia đình chưa tới mức rơi vào cảnh cùng quẫn.

Sáng nay 22/7, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử vụ án Trịnh Văn Quyết và các đồng phạm xảy ra tại CTCP Tập đoàn FLC và các đơn vị liên quan. Phiên tòa sẽ diễn ra trong nhiều ngày.

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm được TAND TP Hà Nội thông báo ngày 28/6, danh sách gồm có 50 bị cáo. Trong số đó, nguyên Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết cùng 7 người khác bị Viện kiểm sát nhân dân tối cao truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tội “Thao túng thị trường chứng khoán”.  

TAND TP Hà Nội xác định, có 30.403 nhà đầu tư mua cổ phiếu (lần bán ra ban đầu) của CTCP Xây dựng FLC Faros (mã: ROS) là bị hại trong vụ án. Hơn 63.000 nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu của CTCP Xây dựng FLC Faros (mã chứng khoán: ROS) và những người có quyền lợi, nghĩa vụ quyền lợi liên quan khác được Tòa án triệu tập. 

Quang cảnh bên trong và bên ngoài trụ sở TAND TP Hà Nội sáng 22/7. (Ảnh: Di Anh). 

Để phục vụ phiên xét xử, TAND TP Hà Nội đã dựng rạp ngoài trời, bố trí nhiều ghế ngồi và lắp đặt màn hình, âm thanh truyền tải trực tiếp từ phòng xử án. 

Ghi nhận của người viết trong sáng 22/7 cho thấy, không có nhiều người đến dự. Ngoại trừ vài hàng cuối có một số người bị hại ngồi theo dõi, phần lớn ghế bố trí sẵn bị bỏ trống suốt cả buổi. Phía bên ngoài khu dựng rạp có người nhà bị cáo, người dân, phóng viên,... chờ đợi nghe ngóng diễn biến phiên tòa. 

Bà T. (nhân vật đề nghị giấu tên, người thân của một trong số 50 bị cáo, trú tại xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết, bà cùng 5 thành viên khác trong gia đình đã cùng tới phiên tòa sáng nay. 

“Anh trai tôi nay đã 75 tuổi, vừa làm công ăn lương cho FLC, vừa bỏ 1 tỷ đồng ra để đầu tư cổ phiếu. Vợ của anh là họ hàng với ông Quyết. Anh tôi được mời sang phụ trách mảng đầu tư, xây dựng. Cứ nghĩ tin tưởng nên sang làm ăn với nhau”, bà T. nói.

Theo lời bà T., trong số 1 tỷ đồng mà anh trai bà bỏ ra có cả tiền đi vay mượn. 

Người dân ngồi bên ngoài trụ sở tòa án. (Ảnh: Di Anh). 

Là bên bị hại, bà X. (nhân vật đề nghị giấu tên, 73 tuổi, quê Thanh Hóa) cũng có mặt tại trụ sở TAND TP Hà Nội sáng nay. Chia sẻ với người viết, bà cho biết, chồng bà giấu vợ đầu tư vào cổ phiếu “họ" FLC. 

“Chồng tôi đang nằm viện vài tháng nay nên tôi cũng chưa rõ cụ thể ông mua thế nào, mua bao nhiêu, chỉ biết ông có mua ít chứ không nhiều. Khoản tiền đó là do ông tích góp, tiết kiệm và thi thoảng con cái biếu, chứ không đi vay bên ngoài. Nghe ông nhà nói vậy nên sáng nay tôi đến phiên tòa theo dõi.

Trước nay quan điểm đầu tư của vợ chồng tôi luôn là phải dùng tiền tự có chứ không đi vay mượn, có sao dùng vậy. Mình đi đầu tư thì không thể bỏ hết trứng vào một giỏ, tuyệt đối không nên để bản thân rơi vào hoàn cảnh đâm lao phải theo lao.

May mắn là tình hình tài chính nhà tôi không quá khó khăn, nên thiệt hại trong vụ án là có nhưng chưa tới mức rơi vào cảnh cùng quẫn. Tôi thấy nhà mình vẫn còn may mắn hơn nhiều trường hợp khác khi còn đi vay để bỏ số vốn lớn vào, nghĩ mà xót xa cho họ”, bà X. nói.  

Bà X. (ngoài cùng bên trái) theo dõi phiên xét xử trong rạp. (Ảnh: Di Anh). 

Sinh sống ở tỉnh Thanh Hóa, dưới góc nhìn của người này, kể từ năm 2014 khi ông Trịnh Văn Quyết về đây làm dự án FLC Sầm Sơn, bộ mặt du lịch địa phương đã thay đổi đáng kể khi có dự án lớn hiện diện, đô thị sạch sẽ, sáng sủa,... Khác hoàn toàn với khoảng thời gian trước đó, khi mà tình trạng chặt chém du khách xảy ra nhiều ở Sầm Sơn, công tác làm du lịch không được khai thác hiệu quả, không bài bản, quy củ. 

“Là người dân địa phương, tôi thấy rõ sự thay đổi của quê hương mình, đó là đóng góp tích cực không thể phủ nhận của FLC. Tên tuổi doanh nghiệp lớn như thế nên dễ hiểu vì sao nhiều người kéo vào đầu tư. Bạn bè tôi cũng tham gia nhiều, có người vốn ít chỉ 2 - 4 triệu cũng góp mua cổ phiếu, tích tiểu thành đại".

Bà X. tin tưởng tòa án sẽ xét xử đúng người, đúng tội. Tuy nhiên người này băn khoăn liệu các nhà đầu tư có lấy lại được tiền không hay bị mất trắng? Nếu doanh nghiệp có tài sản, có phương hướng để khắc phục hậu quả thì vẫn nên tạo điều kiện cho họ làm, vì điều quan trọng vẫn là việc tìm lời giải cho bài toán thiệt hại của người dân. 

“Mong Nhà nước bên cạnh việc xử phạt các cá nhân vi phạm thì cho doanh nghiệp thanh lý khối tài sản hiện hữu (đơn cử như bán các dự án bất động sản ở Thanh Hóa, Quy Nhơn,...) để lấy tiền khắc phục cho nhà đầu tư”, bà X. kiến nghị. 

chọn
Các dự án của Novaland, Nam Long, DIG ở Đồng Nai đón tin mừng
Quy hoạch chung TP Biên Hòa vừa được phê duyệt điều chỉnh cục bộ. MBS đánh giá động thái này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch 1/500 các phân khu thuộc dự án Aqua City, Izumi và Khu đô thị Long Tân.