Ngày 22/7, ông Trịnh Văn Quyết, 49 tuổi, cùng 49 đồng phạm dự kiến bị TAND Hà Nội xét xử với nhiều tội danh. Đây là vụ án có số lượng người được triệu tập cao kỷ lục: hơn 30.000 bị hại và 63.000 nhà đầu tư có quyền nghĩa vụ liên quan đang nắm giữ cổ phiếu Faros.
Tòa cho biết nhiều người tham gia tố tụng khác sẽ được triệu tập "khi xét thấy cần thiết", song chưa thông báo cụ thể.
Trong loạt hành vi phi pháp bị cáo buộc kéo dài 9 năm, 2014-2022, với số tiền chiếm đoạt lên tới hơn 4.300 tỷ đồng, VKSND Tối cao chia 3 giai đoạn chính.
Giai đoạn 1, nâng khống giá công ty Faros từ 1,5 tỷ lên 4.300 tỷ đồng; giai đoạn 2, "lo lót" để cổ phiếu Faros được đủ điều kiện lên sàn chứng khoán và giai đoạn 3, thao túng thị trường, "úp sọt" hơn 63.000 nhà đầu tư.
Faros khởi đầu là công ty có vốn điều lệ 1,5 tỷ đồng, được ông Quyết chỉ đạo ông Doãn Văn Phương khi đó là Tổng giám đốc Tập đoàn FLC mua lại để làm tổng thầu các dự án FLC là chủ đầu tư. Song theo cáo buộc, Faros không có nguồn vốn, không tài sản đảm bảo.
VKS cáo buộc dưới sự tổng chỉ đạo của ông Quyết, bà Trịnh Thị Minh Huế (em gái út ông Quyết) chỉ trong 23 tháng, Faros đã nâng khống vốn điều lệ lên 4.300 tỷ đồng, tức cao gấp 2.866 lần khi ông Quyết mua lại vào năm 2012.
Trong cả 5 lần nâng khống vốn này, VKS cho rằng thủ đoạn được anh em ông Quyết sử dụng gồm: nhờ anh em họ hàng đứng tên cổ đông; nhờ họ ký khống các giấy nộp tiền góp vốn vào Faros; lãnh đạo tại Faros ký sẵn giấy nhận tiền, dù đôi bên không giao nhận tiền của nhau.
Theo cáo buộc, với mục đích tạo giao dịch chuyển tiền ảo trên hệ thống ngân hàng, vài chục tỷ đồng tiền "mồi" sẽ được Huế lấy từ ngân sách FLC, chuyển đến tài khoản các "cổ đông". Bà Huế sau đó lấy tiền này chuyển vào Faros rồi lại rút ra, lặp lại ít nhất 38 lần đến khi đủ số vốn cần khống. Tiền "mồi" sau đó được bà Huế rút ra, trả về tài khoản của FLC.
Để tránh bị phát hiện số vốn khống, lãnh đạo Faros sau đó lại ký khống các hợp đồng đầu tư với các công ty thuộc "hệ sinh thái" FLC, rải hết số tiền vốn vừa khống được cho các thương vụ không hề tồn tại.
Nâng khống hơn 200 tỷ đồng vốn cho Faros trong hai giờ
Lần khống vốn đầu tiên là mô hình tiêu biểu cho thủ đoạn này, giúp anh em ông Quyết trót lọt thổi vốn cho Faros từ 1,5 lên 225 tỷ đồng chỉ trong hai giờ.
VKS cáo buộc, ông Quyết là người chỉ đạo em gái soạn nghị quyết tăng vốn cho Faros, dù các cổ đông của Faros "không góp tiền để tăng vốn điều lệ".
Ba cổ đông được anh em ông Quyết chọn làm cổ đông, đều là người nhà, gồm bị can Trịnh Văn Đại (anh họ); Hoàng Thị Thu Hà (em họ) và Nguyễn Văn Mạnh (em rể).
Ông Quyết một mặt yêu cầu 3 người anh em ký khống sẵn 14 ủy nhiệm chi với nội dung chuyển tiền góp vốn vào tài khoản của Công ty Faros. Mặt khác, ông chỉ đạo bị can Nguyễn Tiến Dũng (bạn ông Quyết), Tổng giám đốc Faros, ký khống sẵn các giấy rút tiền mặt ra khỏi Faros.
Với các giấy tờ khống có sẵn trong tay, ngày 25/4/2014, bà Huế chuyển 35 tỷ đồng "tiền mồi" vào tài khoản của cổ đông Thu Hà.
Ba hôm sau, quá trình quay vòng khống vốn cho Faros được bà Huế liên tục thực hiện, từ 13-15h, ngày 28/4/2014, cáo trạng nêu.
Cụ thể, bà Huế chuyển khoản 35 tỷ đồng từ tài khoản của bà Hà vào tài khoản công ty Faros. Ngay sau đó, bà Huế rút tiền mặt ra khỏi tài khoản này, chia nhỏ và chuyển vào tài khoản 3 cổ đông.
Khi tài khoản ba cổ đông đã có tiền, bà Huế chuyển khoản vào tài khoản Faros để "góp vốn", sau đó lại tiếp tục rút tiền, nộp tiền và chuyển tiền nhiều lần.
Kết quả điều tra xác định, sau 8 lần quay vòng luân chuyển tiền qua các tài khoản nêu trên, đến khi kết thúc lúc 15h cùng ngày, tài khoản của Faros phát sinh tăng 223,5 tỷ đồng, đồng nghĩa vốn điều lệ của Faros khi này đã lên 225 tỷ đồng, như chỉ tiêu anh em ông Quyết đề ra.
35 tỷ đồng "tiền mồi", cuối cùng được bà Huế rút hết về dưới dạng tiền mặt, cáo trạng nêu. Điều này đồng nghĩa, anh em ông Quyết đã nâng khống vốn cho Faros lên 225 tỷ đồng mà thực tế, không ai phải góp một đồng.
Để hợp thức 225 tỷ đồng này, Chủ tịch Faros Doãn Văn Phương ký khống 3 hợp đồng ủy thác đầu tư, giao hết số tiền này cho các cá nhân là bạn bè của ông Quyết, hoặc các công ty trong "hệ sinh thái" FLC để làm các thương vụ không có thật.
Tháng 5/2014, Faros được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, ghi nhận vốn điều lệ 225 tỷ đồng, với 3 cổ đông như đã nêu.
Lần khống vốn thứ hai, VKS cáo buộc anh em Quyết dùng thủ đoạn y hệt, song nhờ thêm 12 người đứng tên cổ đông, cũng là họ hàng, người quen.
Bà Huế lần này dùng 65,7 tỷ "tiền mồi", quay vòng chuyển khoản 12 lần trong 2 ngày 27 và 28/5/2015 để khống 900 tỷ đồng. Tháng 6/2015, Faros được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, thay đổi vốn điều lệ lên 1.125 tỷ đồng, với 15 cổ đông.
Trong lần khống vốn thứ 4, diễn ra tháng 1/2016, Faros khi này có vốn điều lệ trên giấy tờ, 3.500 tỷ, ông Quyết bắt đầu động thái "lộ diện" trong danh sách cổ đông Faros.
Ông chỉ đạo bà Huế soạn các hợp đồng để 11 cổ đông hiện hữu chuyển nhượng gần 180 triệu cổ phần cho mình với giá gần 1.800 tỷ. Vợ ông, bị can Lê Thị Ngọc Diệp, cũng được các cổ đông "chuyển nhượng" 24,5 triệu cổ phần.
Vợ chồng ông Quyết khi này trở thành hai cổ đông lớn nhất của Faros với lần lượt 51% và 7% cổ phần.
Trong lần khống vốn cuối cùng, từ 3.500 lên 4.300 tỷ đồng, ông Quyết chỉ đạo sáp nhập Công ty RTS (thuộc hệ sinh thái FLC), khi đó có 3 cổ đông, đều do ông Quyết nhờ đứng tên.
Tài liệu điều tra xác định, trong 4.300 tỷ đồng vốn điều lệ, Faros chỉ có số vốn thực góp khoảng 1.200 tỷ.
Số tiền nâng khống hơn 3.100 tỷ đồng được thực hiện bằng các hợp đồng ủy thác đầu tư khống cho các tổ chức và cá nhân, nhằm "tạo dòng tiền, doanh thu, lợi nhuận giả để hạch toán chứng từ gian dối này vào sổ sách kế toán, báo cáo tài chính và ghi nhận những thông tin này vào bản cáo bạch của Faros", cáo trạng nêu.
Như vậy, trong 5 lần tăng vốn điều lệ của Faros, cơ quan điều tra xác định, số lần tăng vốn và số tiền tăng mỗi lần đều do ông Quyết và Phương bàn bạc. Ông Quyết sau đó trực tiếp yêu cầu em gái, Huế, chuẩn bị nguồn tiền "mồi", trao đổi với các nhân sự liên quan để thực hiện. Sau mỗi lần tặng vốn hoàn thành, ông Phương đều thông báo kết quả với ông Quyết.
"Trịnh Văn Quyết là chủ mưu, quyết định, chỉ đạo toàn bộ" việc mua và đổi tên công ty, dùng Faros làm công cụ phương tiện, chỉ đạo Phương và Huế và đồng phạm nâng khống vốn từ 1,5 lên 4.300 tỷ đồng, VKS cáo buộc.
Cáo trạng cho rằng với việc khống vốn thành công, chuỗi sai phạm thứ hai của vụ án mở ra: Bị can Quyết và Phương bàn mưu niêm yết 430 triệu cổ phiếu Faros lên sàn chứng khoán, với sự hậu thuẫn của loạt cựu quan chức Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và sàn HOSE.