Tết sắp đến, ngoài việc lo chuẩn bị cho ngày tết thật chu đáo, vẹn toàn, thì các bậc phụ huynh còn một nỗi lo nữa – đó là biếu quà ngày Tết cho cô giáo của con. Việc biếu quà ngày Tết cho thầy cô giáo của con là nét đẹp truyền thống, thể hiện sự quan tâm, trân trọng của phụ huynh với công lao của các thầy cô. Tất nhiên ẩn đằng sau “tấm lòng” của phụ huynh ấy, còn có một mục đích khác – mong cô giáo chú ý hơn đến con mình. TS Vũ Thu Hương - giảng viên khoa Giáo dục tiểu học (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) đã bày tỏ quan điểm không bao giờ tìm cách để cô chú ý đến con và đưa ra những lý do rất thuyết phục, chính đáng.
TS Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục tiểu học (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội). |
Tôi thấy khi đi họp hành, hoặc vào các ngày lễ Tết, các phụ huynh thường tìm cách tiếp cận thân thiện với cô giáo, nhiều khi bằng quà tặng, cũng có khi là tâm sự riêng tư, với hi vọng: cô giáo chú ý đến con mình.
Tôi biết, khi lớp học có sĩ số đông, các cha mẹ lo sợ là cô giáo không chú ý đến con mình vì con chỉ là 1 trong số mấy chục cháu mà cô phụ trách. Thế nhưng, liệu có cần cô chú ý đặc biệt đến con?
Các cha mẹ thân mến, các con đi học không phải chỉ học những kiến thức trong chương trình. Đi kèm với các kiến thức đó, con học được nhiều thứ khác nữa. Như bài tôi nói về việc tôi dạy cô con gái lớp 11 của tôi cách sống và học trong tập thể thế nào suốt từ lớp 1 đến nay, các cha mẹ có thể thấy rõ: Vẫn trong chương trình giáo dục Việt Nam mà chúng ta chê bai và kêu ca, con tôi vẫn thu lượm được nhiều kiến thức và cháu vẫn rèn luyện được nhân cách tốt: trung thực, thật thà, tự giác và chủ động và có trách nhiệm trong công việc, cuộc sống. Điều đó, chỉ có các cha mẹ mới dạy con được dựa trên nền tảng chương trình giáo dục chung. Vậy tôi làm cách nào?
1. Tôi không bao giờ tìm cách cho cô chú ý đặc biệt đến con
Lý do đơn giản: cháu sống trong 1 tập thể. Việc cháu cần làm là sống tốt, hòa nhập và hòa đồng với các bạn, chấp nhận mọi cuộc chơi nếu có, chiến đấu nếu cần, học cách sống còn trong mọi cuộc chiến nho nhỏ ở trường….. và đây là cách để cháu trưởng thành dần dần trong lúc đang học.
2. Tôi không cho con đi học thêm
Lý do đơn giản, tôi không muốn con tôi có bất kể một lợi thế nào so với các bạn trong cuộc cạnh tranh giữa lũ trẻ với nhau. Nếu có lợi thế mà chiến thắng thì còn vẻ vang gì nữa. Nếu không có chút lợi thế nào mà vẫn sống ngon, sống tốt thì con sẽ ngày càng mạnh mẽ và tự tin.
"Tôi không cho con đi học thêm vì không muốn con có bất kể một lợi thế nào so với các bạn. (Ảnh minh họa). |
3. Tôi không bao giờ quan tâm đến điểm số
Vì lý do này, con tôi không việc gì phải giấu diếm bố mẹ về điểm. Nếu con bị điểm kém, con nói xong, mẹ chỉ ừ rồi bảo: cố gắng lần sau con nhé. Vì thế, con tôi chẳng việc gì phải dối trá cả. Có gì cứ nói nấy, vô tư. Điều này đã dạy con tôi trung thực.
4. Tôi để con bị cô phạt tơi bời nếu quên bài vở
Trách nhiệm của cô là dạy các cháu học và giám sát việc đó. Vì thế, tôi nghĩ cha mẹ không cần phải tranh giành trọng trách đó của cô. Tôi chỉ âm thầm kiểm tra và nếu có sự “thất thoát bài tập” thì lập tức tôi gọi điện mách cô, sẵn sàng làm kẻ mách lẻo trong vụ này. Tôi cũng nói cô cứ phạt con thẳng cánh. Thương con bị phạt, bị xấu hổ chút ở lớp có thể khiến con ỉ lại và trốn tránh công việc. Tôi quan niệm: Việc học là việc của con, con không hoàn thành thì con có trách nhiệm chịu phạt. Thực hiện nghĩa vụ chịu phạt cũng sẽ là một cách để con hiểu và sống có trách nhiệm hơn.
5. Tôi không bao giờ can thiệp nếu con bị trù dập
Thực ra, việc bị trù dập lúc bé chẳng có gì gọi là quá ghê gớm. Các cô giáo có quá nhiều việc để làm, cố tập trung hành hạ 1 đứa trẻ cũng chỉ có thể trong vài phút trong ngày hoặc trong tuần. Tôi nhớ, Harry Potter cũng bị giáo sư Snape trù dập khiếp, nhưng cũng chẳng ai xông ra can thiệp hay nịnh nọt tha cho thằng bé. Sự trù dập đó cũng khiến nó lớn hơn, trưởng thành hơn và hiểu cuộc đời hơn. Tôi lúc học lớp 8 cũng bị cô dạy Lịch sử trù dập ác chiến, và rồi tôi vẫn thấy ổn mà.
6. Tôi không nhắc nhở con học
Chính vì lý do này, con tôi không bao giờ trông mong được vào sự trợ giúp gì của mẹ kể cả vấn đề nhắc về thời gian. Nó phải tự giác làm thôi. Có thể nó sẽ có vài điểm xấu mỗi năm, có thể có vài bài học chưa hiểu rõ lắm. Không sao cả, sau khi nhận thức ra vấn đề, con tôi sẽ tự mình giải quyết mọi bài học và nó sẽ tự bù chỗ khuyết đó cho chính mình sau.
"Tôi không nhắc nhở con học". (Ảnh minh họa). |
7. Tôi không bao giờ kiện cáo về điểm của con với cô giáo hay nhà trường
Con có thể thiệt thòi một chút, có thể gặp sự mất công bằng một chút. Nhưng điều đó chính là bài học tuyệt vời cho con. Bởi vì, ra đời, con sẽ phải sống trong môi trường nhiều sự mất công bằng lắm.Vì thế, con làm quen sớm sẽ giúp con có “kháng sinh” mà chống lại sau này.
8. Tôi không giải đáp các thắc mắc của con về bài học
Nếu tôi giảng cho con, con sẽ ỉ lại, đến lớp con không nghe giảng nữa vì biết nếu không hiểu thì kiểu gì mẹ cũng sẽ giảng. Vì thế, tôi chẳng bao giờ giảng cho con cả. Con tôi biết rằng nó không nghe giảng thì nó thiệt và không hiểu bài, vì ngoài cô ra, chẳng ai giúp nó hết. Vì thế, nó buộc phải nghe giảng. Có tin ko, giờ lên lớp 11, con tôi mang máy ghi âm đi ghi lại lời cô giáo về nghe lại. Tôi rất thích ý tưởng này của con. Con tôi ko học thêm mà trong lớp vẫn rất vững vàng, một phần nhờ nó rất coi trong bài học của các thầy cô giáo ở lớp.
Việc này tôi ko đồng ý với bố mẹ tôi lắm. Các cụ vẫn cứ giảng toán cho nó và vì thế, môn con tôi ghét học nhất là môn toán. Bây giờ thì con nhận thức ra được là ghét cũng vẫn phải học nên nhiều khi thấy con “ngậm đắng nuốt cay” ngồi học toán mà tôi cứ lăn ra cười. Bởi vì, cuối cùng con tôi cũng đã học được cách vượt qua chính cái nỗi ghét toán của mình để học tốt. Có nghĩa là con đã biết cách sống vượt qua chính mình.
Một điều nho nhỏ nữa tôi muốn bật mí với các bố mẹ. Đó là cô sẽ không thể nhớ đến con nếu cha mẹ nhờ vả. Tôi đây cũng thỉnh thoảng được nhờ vả chú ý đến sinh viên này kia nhưng rốt cục là tôi không nhớ nổi là em nào và vẫn cư xử công bằng hết.
Bởi vì chỉ nghe nói 1 câu thì khó nhớ lắm. Thế nhưng, sự thể hiện của con ở lớp, tính cách của con, nét dễ thương của con sẽ khiến cô nhớ về con nhiều hơn. Tôi cũng thế, sinh viên đông đến hàng trăm, nhưng dạy lớp nào xong, tôi cũng có nhiều khái niệm về các bạn để mà gọi tên và nói chuyện ít khi bị nhầm lẫn. Điều đó đến từ ấn tượng của chính con. Vì thế, hãy để con tự thể hiện mình.
Các cha mẹ thân mến, yêu con, lo lắng cho con chẳng có gì sai cả. Có điều, chúng ta đừng để nỗi lo đó cản trở sự trưởng thành của trẻ. Hãy dũng cảm vượt qua nỗi lo lắng sợ hãi và để bọn trẻ tự thân vận động ở trường và tự giải quyết công việc học hành của mình. Nếu vậy, bọn trẻ sẽ trưởng thành nhanh hơn khả năng tưởng tượng của chúng ta đó.
Ngày âm u nhưng tôi hi vọng nhà nào cũng tươi sáng!