Hồ sơ hoàn thuế của Tổng thống Mỹ cho thấy ông chỉ nộp vỏn vẹn khoản thuế thu nhập liên bang 750 USD trong hai năm 2016 và 2017, và không nộp thuế thu nhập liên bang trong 10 năm trước đó, theo bài báo của The New York Times.
Số liệu thuế của ông Trump và các doanh nghiệp thuộc đế chế kinh doanh của ông trong hơn hai thập kỉ mà New York Times thu thập cho thấy trong giai đoạn 15 năm tính từ năm 2000, Trump không nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, chủ yếu do ông chi nhiều hơn thu vào các doanh nghiệp thuộc tập đoàn Trump Organization.
Vậy bằng cách nào hệ thống thuế cho phép một người với lối sống xa hoa như Trump – ông sở hữu nhiều sân golf, chi hàng chục nghìn USD cho các lần cắt tóc – trả khoản thuế thấp hơn người dân?
NPR nhận định rằng, trên thực tế, cơ hội né thuế luôn hiện diện trước một nhà phát triển bất động sản. Trong nhiều thập kỉ qua, giới lập pháp đã phê chuẩn những luật khá "thân thiện" với các trùm bất động sản, theo Reuven Avi-Yonah, một giáo sư bộ môn Luật thuế của Đại học Michigan.
Reuven nói Trump và nhiều nhà phát triển bất động sản khác cơ cấu doanh nghiệp theo dạng những công ty có thể chuyển lỗ, lãi cho nhau – một mô hình mang lại cho họ nhiều lợi thế về thuế. Một ví dụ là nó cho phép khấu trừ lãi suất của một khoản vay bất kì để họ có thể giảm mức thuế.
"Chẳng hạn, khi người dân dùng thẻ tín dụng, họ trả mức lãi suất cao. Nhưng họ không được khấu trừ lãi suất", Reuven Avi-Yonah giải thích.
Những người bảo thủ thường nói giảm thuế cho doanh nghiệp sẽ giúp toàn bộ nền kinh tế vì nó sẽ tạo thêm việc làm và thúc đẩy cả nền kinh tế. Song rất nhiều người không đồng ý với quan điểm ấy.
"Rõ ràng hệ thống thuế không công bằng", Reuven Avi-Yonah khẳng định. Ông lấy ví dụ về một khoản giảm thuế mà các doanh nghiệp bất động sản tận dụng: Khi họ sở hữu một tòa chung cư, họ sẽ coi nó như một thiết bị đang hao mòn và giảm giá trị.
Nhưng trong bất động sản, doanh nghiệp có thể hưởng ưu đãi thuế đối với tình trạng khấu hao ngay cả khi tòa nhà không thực sự giảm giá. Nếu trước đây giá trị của nó là 10 triệu USD và giờ đây con số tăng lên 20 triệu USD, doanh nghiệp vẫn hưởng ưu đãi thuế.
Một thứ khác có thể giúp giảm khoản thuế mà các tỉ phú phải đóng: Những khoản lỗ lớn.
Từ năm 2000 đến nay, Trump đã báo lỗ hàng trăm triệu USD đối với riêng các sân golf, theo The New York Times. Hồ sơ thuế cho thấy khách sạn Trump International của ông ở thủ đô Washington lỗ 55,5 triệu USD. Song điểm đáng chú ý nhất là những khoản lỗ nặng từ các sòng bạc Atlantic City.
Khi Trump kiếm khoản lãi lớn từ chương trình "The Apprentice", những khoản lỗ đó giúp ông giảm thuế khá nhiều, dù chúng xuất hiện trong những năm khác.
"Việc bạn có thể làm là dùng những khoản lỗ đó để xóa những khoản thu nhập khác", Daniel Reck - một nhà kinh tế của Trường Kinh tế London và chuyên nghiên cứu hành vi trốn thuế, chính sách thuế - phát biểu.
Reck nói rằng có lẽ Tổng thống Trump không phạm luật, song với một người có hệ thống doanh nghiệp như ông, tiền có thể "chảy" ra nước ngoài. Một trong những cách để tiền lọt ra nước ngoài là chuyển tiền qua các tổ chức từ thiện (không phải nộp thuế) rồi thuê vài luật sư và kế toán để thực hiện việc đó.
"Khi bạn có một đế chế kinh doanh, bạn sẽ thấy sự phức tạp có thể giúp bạn tìm ra nhiều cách khác nhau để không phải nộp thuế", Reck bình luận.
Song, để chiến thuật né thuế phát huy hiệu quả đến mức doanh nhân không phải nộp thuế trong nhiều năm, họ phải có rất nhiều khoản lỗ. Reuven Avi-Yonah nói rằng kết luận lớn nhất mà ông rút ra từ kết quả điều tra hồ sơ hoàn thuế của Trump là đế chế kinh doanh của Tổng thống Mỹ dường như đang lung lay.
"Tôi nghĩ ông Trump thực sự không phải doanh nhân giỏi. Từ năm 2011 đến nay, ông ấy thực hiện nhiều vụ đầu tư một cách bất cẩn, và mất khá nhiều tiền. Và hiện tại, ông thực sự đối mặt rủi ro lớn", Reuven Avi-Yonah nhận định.
Mặc dù vậy, Reuven Avi-Yonah nói thêm rằng việc Trump là doanh nhân kém không có nghĩa ông muốn trốn thuế.
Ông Trump đã đấu tranh pháp lí với IRS trong nhiều năm về tính hợp pháp của khoản hoàn thuế 72,9 triệu USD mà ông nhận nhờ báo lỗ trong kinh doanh suốt nhiều năm. Nếu tòa án kết luận những khoản hoàn thuế đó phi pháp, Trump sẽ phải trả lại cho IRS tới 100 triệu USD.
Phát biểu trong buổi họp báo tại Nhà Trắng hôm 28/9, Trump bác bỏ câu chuyện của New York Times và nói ông đóng "rất nhiều" thuế thu nhập cá nhân cho liên bang.
Trump nói thêm rằng ông sẵn sàng công bố những khoản hoàn thuế khi ông không còn chịu sự điều tra của IRS. Ông mô tả IRS đối xử tệ với ông.
Khi tranh cãi pháp lí và chính trị về việc Trump giấu các khoản hoàn thuế tăng nhiệt, ông thường tuyên bố chẳng ai muốn biết những khoản hoàn thuế đó.
"Mọi người chẳng học hỏi điều gì từ các khoản hoàn thuế. Chúng ta cần quan tâm tới những thông tin hữu ích hơn", ông từng nói như vậy với AP vào năm 2016, khi ông phải công bố báo cáo tài chính với tư cách tổng thống. Trump coi báo cáo tài chính năm đó là bằng chứng cho thấy tài kinh doanh của ông.
Trên thực tế, các báo cáo tài chính cho thấy một bức tranh tài chính tương phản với những phát ngôn của Trump. Chẳng hạn, trong năm 2018, Trump nói ông lãi ít nhất 434,9 triệu USD, song hồ sơ thuế cho thấy ông lỗ 47,4 triệu USD.
Những khoản hoàn thuế mà Trump luôn cố giấu đã vẽ lên một câu chuyện khác hoàn toàn với những điều ông từng nói trước công chúng. Những báo cáo thuế mà ông gửi IRS cho thấy một doanh nhân kiếm hàng trăm triệu USD mỗi năm, nhưng cũng đầu tư quá nhiều nên liên tục lỗ đến mức ông không phải nộp thuế thu nhập trong 10 năm.
Về lí thuyết, Trump đang sở hữu nhiều tài sản trị giá hàng trăm triệu USD, song chúng không nói lên mức độ giàu thực tế của ông.