Lo khó kiểm soát doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lo ngại những rủi ro nếu cho phép doanh nghiệp không phải công ty đại chúng phát hành trái phiếu riêng lẻ.

Quy định phát hành trái phiếu riêng lẻ với doanh nghiệp không phải công ty đại chúng nhận nhiều ý kiến trái chiều tại phiên thảo luận về Luật Chứng khoán (sửa đổi) của Uỷ ban Thường vụ ngày 9/9.

Năm 2018, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ hơn 224.430 tỉ đồng, riêng nửa đầu năm nay, tổng giá trị phát hành của 120 doanh nghiệp khoảng 116.000 tỉ đồng. Là kênh huy động vốn cho doanh nghiệp, song với lượng phát hành trái phiếu lớn nên cần có quy định ràng buộc để tránh rủi ro cho thị trường chứng khoán.

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân lo lắng lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp được phát hành vừa qua thuộc về các doanh nghiệp bất động sản. Bà đề nghị phải "cân nhắc thật kĩ" quy định này. Bởi nếu không quản lí tốt đây sẽ là kênh huy động vốn, ngược lại sẽ dẫn tới thực trạng doanh nghiệp phát hành ồ ạt, không kiểm soát được.

Ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế cho biết cách đây một tháng, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo luật hóa các quy định tại Nghị định 163/2018 vào dự thảo luật Chứng khoán (sửa đổi). Tuy nhiên, như vậy sẽ phát sinh khó khăn cho doanh nghiệp. Cùng là doanh nghiệp không phải là công ty đại chúng, nhưng khi chào bán cổ phiếu riêng lẻ thì theo Luật Doanh nghiệp, còn chào bán trái phiếu riêng lẻ lại theo Luật Chứng khoán.

Vì thế, để đảm bảo chặt chẽ, ông Thanh đề nghị Luật Chứng khoán điều chỉnh đối với phát hành chứng khoán của công ty đại chúng và Luật Doanh nghiệp điều chỉnh phát hành chứng khoán (trong đó có trái phiếu riêng lẻ) của doanh nghiệp không phải là công ty đại chúng.

Lo khó kiểm soát doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. (Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội).

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng trấn an, quy định này không mới, mà nằm trong nhóm chính sách về hàng hoá trên thị trường chứng khoán.

 Theo ông Dũng, nếu quy định này được luật hoá trong dự Luật Chứng khoán sửa đổi sẽ tạo khuôn khổ pháp lí đồng bộ, phù hợp với thông lệ quốc tế, quy định hiện hành về phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

"Doanh nghiệp không phải công ty đại chúng phát hành trái phiếu riêng lẻ sẽ là giải pháp để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tạo kênh huy động vốn quan trọng cho doanh nghiệp", ông Dũng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, kết luận sau đó, Phó chủ tịch Phùng Quốc Hiển đề nghị khi chưa nghiên cứu chín muồi thì chưa đưa quy định doanh nghiệp không phải công ty đại chúng được phát hành trái phiếu riêng lẻ vào dự Luật Chứng khoán (sửa đổi). Thay vào đó, quy định này sẽ được nghiên cứu, đưa vào Luật Doanh nghiệp sửa đổi tới đây.

Cũng tại phiên họp, thảo luận về thẩm quyền của Uỷ ban Chứng khoán, thường trực Uỷ ban Kinh tế đề nghị tăng quyền cho Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước. 

Cụ thể, bổ sung chức năng đại diện chủ sở hữu Nhà nước của cơ quan này tại Sở giao dịch chứng khoán và Tổng công ty lưu kí, bù trừ chứng khoán. Lí do là, 2 đơn vị trên là các doanh nghiệp đặc thù, nơi duy nhất tổ chức thị trường giao dịch, hoạt động đăng kí, lưu kí, bù trừ và thanh toán chứng khoán cho toàn bộ thị trường của Việt Nam. 

Thống nhất một đầu mối quản lí 2 đơn vị này, Uỷ ban Kinh tế nhấn mạnh, sẽ "quản lí an toàn, hiệu quả và vị thế, nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam". Quy định này cũng không trái với quy định của Luật Doanh nghiệp hiện hành.

Tuy nhiên, đề xuất này không nhận được sự đồng thuận. Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga nói đề nghị bổ sung giao đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại Sở Giao dịch chứng khoán và Tổng công ty lưu kí chứng khoán cho Uỷ ban Chứng khoán là "vấn đề lớn, cần cân nhắc kĩ".

Theo bà, Điều 3 Luật Doanh nghiệp quy định, trường hợp luật chuyên ngành có quy định đặc thù về việc thành lập, tổ chức quản lí, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp thì áp dụng quy định của Luật đó.

"Uỷ ban Kinh tế cho rằng quy định như vậy không trái Luật Doanh nghiệp, nhưng không thể lấy quy định của Luật Doanh nghiệp để chuyển quyền sở hữu từ Bộ Tài chính sang Uỷ ban Chứng khoán làm đại diện sở hữu Nhà nước được", bà Nga nói và hỏi quan điểm của Chính phủ vấn đề này.

Giải trình, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng cho rằng, không nên giao Uỷ ban Chứng khoán làm đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại Sở Giao dịch chứng khoán và Tổng công ty lưu ký chứng khoán, mà vẫn để Bộ Tài chính làm chủ sở hữu như hiện tại. "Giao cho Bộ Tài chính như hiện hành là hợp lí và việc thực hiện đang bình thường", ông Dũng nói.

Kết luận phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị tăng thẩm quyền của Uỷ ban Chứng khoán đã "vượt quá quy định pháp luật hiện hành". "Chuyển quyền chủ sở hữu về vốn cho Uỷ ban Chứng khoán chưa phù hợp, thêm tầng tấc, như vậy không nên đặt ra", ông Hiển nhấn mạnh.


chọn
Savills: Giá thuê văn phòng tại Hà Nội từ nay đến 2026 sẽ tương đối ổn định
Giám đốc Savills Hà Nội nhận định trong bối cảnh dự báo tăng trưởng kinh tế và hiệu quả hoạt động của các nhóm ngành trong ba năm tới, giá thuê văn phòng tại Hà Nội sẽ tương đối ổn định.