Lo ngại bong bóng chứng khoán và bất động sản, chuyên gia và đại diện NHNN nói gì?

Ngày 11/1, Tạp chí Kinh tế Việt Nam phối hợp với Viện Chiến lược Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chủ trì tổ chức Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2021 với chủ đề 'Định hình Chiến lược đầu tư và kinh doanh trong bối cảnh mới'

Tại diễn đàn, nhiều chuyên gia kinh tế bày tỏ sự lo ngại về rủi ro bong bóng tài sản trên thị trường chứng khoán và bất động sản do việc mở rộng chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Theo Chuyên gia kinh tế TS. Quách Mạnh Hào, chính sách tiền tệ và tài khóa vốn đóng vai trò là chất xúc tác trong năm 2020 có thể trở nên thận trọng trong năm 2021. Điều này là do lãi suất quá thấp sẽ kích thích các hoạt động đầu cơ rủi ro ngoài sản xuất làm tăng bong bóng tài sản.

Hơn nữa việc nới lỏng chính sách tiền tệ không thực sự bao trùm toàn nền kinh tế mà chỉ giúp các doanh nghiệp lớn, còn doanh nghiệp nhỏ và người nghèo vẫn khó khăn do mất thị trường và việc làm. Sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán không phản ánh sự thịnh vượng của nền kinh tế, điều này tiềm ần rủi ro nợ xấu cho hệ thống ngân hàng trong các năm tiếp theo.

Theo TS. Cấn Văn Lực, trong bối cảnh lãi suất trên thế giới và Việt Nam giảm tương đối mạnh, dòng tiền đang đổ nhanh vào các lĩnh vực khác trong đó có chứng khoán, Việt Nam phải thận trọng với xu hướng đó.

"Mức lãi suất điều hành như thế nào cho phù hợp, thấp quá chưa chắc tốt, nó phải đảm bảo hài hòa cho các bên, nếu không sẽ dẫn tới hệ lụy bong bóng tài sản. Nhưng lãi suất không phải là điểm nghẽn. Mức tín dụng 12-13% là mức tăng trưởng cao. Trong khi đó, dòng tiền tư nhân dịch chuyển qua chứng khoán cực kỳ mạnh mẽ, có gần 40.000 tài khoản F0 được lập ra khi lãi suất có xu hướng giảm. Vì vậy, Việt Nam cần cân đối, tính toán hài hòa hơn", ông Lực nói.

Chuyên gia và đại diện NHNN nói về lo ngại bong bóng chứng khoán và bất động sản khi mở rộng chính sách tiền tệ? - Ảnh 1.

Ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, Kinh tế trưởng BIDV. (Ảnh: VnEconomy)

Chia sẻ về lo lắng của các chuyên gia, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho biết, Chính phủ và các bộ ngành đã có nhiều năm kinh nghiệm điều hành kinh tế vĩ mô và ổn định kinh tế vĩ mô là điểm sáng trong thời gian qua.

Trong bối cảnh nền kinh tế chịu tác động sâu sắc do dịch Covid-19, các nước đồng loạt đưa ra các biện pháp hỗ trợ về cả tài khóa và tiền tệ, Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Tuy nhiên, ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát vẫn luôn là mục tiêu hàng đầu của Chính phủ và các bộ ngành.

"NHNN luôn kiên định với các mục tiêu và linh hoat trong giải pháp. Theo đó, chúng tôi đã điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ và phối hợp các công cụ chính sách vĩ mô khác để ổn định kinh tế vĩ mô", ông Hà cho biết.

o-ha-sbv-1610354410604194665006.jpg

Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước. (Ảnh: VnEconomy)

Đối với hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng, ngoài công tác điều hành chung, NHNN đã có rất nhiều quy định về tỷ lệ an toàn hoạt động. Trong đó, có quy định kiểm soát danh mục đầu tư tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản và chứng khoán. Và trong thời gian qua, NHNN đã liên tục có những cảnh báo cho các TCTD về các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

"NHNN có đủ công cụ để kiểm soát rủi ro, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau dịch", ông Hà nhấn mạnh.

chọn
Toàn cảnh vị trí dự kiến quy hoạch cầu vượt sông Uông nối TP Uông Bí - TX Quảng Yên, Quảng Ninh
Một cầu vượt sông Uông dự kiến được xây dựng kết nối TP Uông Bí với - TX Quảng Yên, Quảng Ninh trên tuyến đường từ QL18 đi đường 338.