Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, được đánh giá "hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ". (Ảnh: Ngọc Dương)
Theo Nghị quyết của HĐND TP, mức chi cho cán bộ, công chức, viên chức xuất sắc năm 2018 được tăng tối đa 0,6 lần mức chi hiện tại; năm 2019 là 1,2 lần và gấp 1,8 lần vào năm 2020 (mới đây TP dự kiến năm 2020 chỉ tăng 1,2 lần). Năm 2019, TP dự kiến chi hơn 7.200 tỉ đồng cho thu nhập tăng thêm này.
Chiều 8/12, HĐND TP miễn nhiệm chức danh Trưởng ban Văn hóa - Xã hội đối với bà Thi Thị Tuyết Nhung và Trưởng ban Pháp chế đối với ông Trương Lâm Danh do đến tuổi nghỉ hưu; miễn nhiệm chức danh Hội thẩm nhân dân của bà Nguyễn Thị Hoàng Điệp, nguyên Trưởng phòng Pháp chế (Sở Xây dựng), để tránh tình trạng xung đột pháp lí khi làm luật sư chuyên nghiệp. HĐND TP cũng bầu bà Phạm Quỳnh Anh, Phó chủ tịch HĐND H.Củ Chi, làm Phó ban Pháp chế HĐND TP.
Đại biểu (ĐB) Trần Quang Thắng lo ngại việc chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức nếu TP không giám sát kĩ dễ xảy ra gian lận. Ông Thắng cũng lo ngại quy định tỉ lệ 50% cán bộ quản lí được xếp loại xuất sắc dễ xảy ra tình trạng đối phó; tức là sẽ chọn ra cán bộ có thâm niên và có hệ số lương cao để bình bầu xuất sắc, sau khi nhận được phần thu nhập tăng thêm thì chia lại cho người khác.
Về băn khoăn của ĐB Thắng, Giám đốc Sở Nội vụ Trương Văn Lắm cho hay sau khi triển khai chính sách thu nhập tăng thêm, Sở nhận thấy tỉ lệ đánh giá tập thể, lãnh đạo hoàn thành xuất sắc công việc đạt khá cao. Do đó, UBND TP giao Sở Nội vụ điều chỉnh việc đánh giá sát sao hơn. Kết quả đánh giá phải đúng với kết quả đánh giá cán bộ, công chức. Việc hưởng thu nhập tăng thêm phải gắn với hiệu quả công việc và tỉ lệ hài lòng của người dân đối với thủ tục hành chính.
Theo ông Lắm, Sở Nội vụ đưa ra tiêu chí bình xét là người lãnh đạo, đứng đầu đơn vị hoàn thành xuất sắc công việc chỉ được đạt tỉ lệ 50%. Bởi thực tế có nhiều trường hợp người lãnh đạo dễ được đánh giá xuất sắc nhưng công tác quản lí ở cơ quan còn một số hạn chế. “Chính vì vậy quy định mới được áp dụng từ quý 3/2019 được điều chỉnh theo hướng phân loại chặt chẽ, khắt khe hơn so với quy định cũ, đảm bảo người được đánh giá phù hợp với hiệu quả công tác của mình”, ông Lắm nói.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, trong quyết định về công nhận kết quả đánh giá, phân loại theo hiệu quả công việc của quý 3/2019 đối với lãnh đạo các đơn vị trực thuộc UBND TP, nhóm “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” có ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT. Ông Sơn đang nhận sự quan tâm của dư luận trong vụ nhận tiền thù lao của Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục VN. Ngoài ra, mới đây Thanh tra TP có kết luận thanh tra trách nhiệm thủ trưởng tại Sở GD-ĐT TP đã chỉ ra những vi phạm liên quan đến các cuộc hội nghị và tập huấn do Sở GD-ĐT tổ chức trong thời gian năm 2017 và từ tháng 1/2018 đến nay.
Liên quan vấn đề giải ngân mà ĐB đặt ra, Giám đốc Sở KH-ĐT Lê Thị Huỳnh Mai cho biết tiến độ giải ngân đến cuối tháng 11 đạt 55% kế hoạch, tương đương tỉ lệ giải ngân cùng thời điểm năm 2018. Cuối năm 2018, tiến độ giải ngân đạt 92% nên Sở KH-ĐT "có đủ cơ sở đưa ra tỉ lệ giải ngân năm 2019 đạt 90%".
Lí giải việc giải ngân chậm, bà Mai cho biết do khó khăn trong thực hiện luật Đầu tư công năm 2014, một số dự án vốn lớn vướng mắc về thủ tục đầu tư, chưa kí kết hiệp định vay. Ngoài ra, việc sắp xếp lại các ban, điều chỉnh chức năng từ Sở GTVT qua Sở Xây dựng nên phải điều chỉnh lại hồ sơ dự án… Vừa qua TP tổ chức nhiều cuộc họp và điều chỉnh theo hướng dự án nào tốt sẽ bố trí thêm nguồn vốn và cắt nguồn vốn ở dự án không hiệu quả.
Thảo luận về bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc ở TP, nhiều ĐB cho hay đây là hai yếu tố "phần hồn" của TP nhưng chưa nhận sự quan tâm đúng mức. Trong 10 năm 1998 - 2008, TP chi 500 tỉ đồng và kêu gọi xã hội hóa được hơn 400 tỉ đồng cho công tác bảo tồn 172 di tích. ĐB Đinh Thị Thanh Thủy cho biết nhiều di tích bị mai một theo thời gian, một số bị xuống cấp do người được giao nhiệm vụ bảo tồn không biết giữ gìn.
Theo Giám đốc Sở QH-KT Nguyễn Thanh Nhã, TP có 560 căn biệt thự cũ biến mất hoặc bị thay đổi hiện trạng so với giấy tờ, danh sách thu thập từ 1996. Các cơ quan chuyên môn đã đưa 1.227 biệt thự vào danh sách phân loại. Đối với các biệt thự cũ thuộc nhóm 1 và nhóm 2, chủ biệt thự không được thay đổi hiện trạng khi chưa có ý kiến của Sở Xây dựng. Các căn biệt thự cũ nhóm 3 khi xuống cấp, có chứng nhận kiểm định của cơ quan chuyên môn sẽ được cấp giấy phép xây dựng theo quy hoạch của quận, huyện.
Dự kiến phiên làm việc ngày 9/12, HĐND TP tiến hành chất vấn đối với Giám đốc Công an TP và Giám đốc Sở TN-MT.
Trong phiên thảo luận tổ diễn ra chiều 7/12, Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Hồng Sơn đã trả lời các ĐB liên quan đến việc nhận thù lao của NXB Giáo dục VN đang được dư luận quan tâm.
Theo ông Sơn, khi Bộ GD-ĐT cho phép NXB Giáo dục VN cùng với Sở GD-ĐT soạn thảo bộ sách giáo khoa, hai bên phối hợp để thực hiện. Mục đích của bộ sách phải theo kịp xu hướng phát triển thế giới, đặc biệt là nhu cầu phát triển của TP.
Về phía NXB Giáo dục rất cần người viết ra bộ sách nhưng không có đủ nhân sự để làm, do đó rất cần Sở GD-ĐT và chuyên gia trong ngành giáo dục tham gia, hợp tác tạo ra sản phẩm. Những người tham gia ban chỉ đạo biên soạn bộ sách giáo khoa sẽ được trả thù lao. Việc trả thù lao cho lãnh đạo và chuyên viên Sở GD-ĐT chỉ liên quan đến quy chế nội bộ của NXB Giáo dục. Trong nguồn đầu tư của NXB này có nguồn tiền bồi dưỡng để thu hút chuyên gia.
Theo ông Sơn, các thành viên của ban chỉ đạo có đầy đủ từ cán bộ quản lí đến chuyên gia, nhà giáo kể cả phụ huynh học sinh. Việc biên soạn phải tuân thủ quy định, hướng dẫn của Bộ GD-ĐT khi lựa chọn sách giáo khoa. "Chứ không có chuyện ép như thế này, như thế kia để phải lựa chọn một bộ sách nào. Những chi phí thù lao, bồi dưỡng như đã nêu mà gộp nhiều năm đưa ra con số hơi bị khủng một chút chứ thực ra không là gì so với chất xám mà công sức, tâm huyết bỏ ra", ông Sơn nói.
PV Thanh Niên đã đề nghị ông Sơn trả lời một số vấn đề liên quan, nhưng với lí do "các nội dung đã được trả lời trong phiên thảo luận tổ chiều 7/12" nên ông không trả lời thêm.