Loạt chuỗi sản xuất của các 'đại gia' công nghệ vào Việt Nam sau dịch Covid-19

LG, Panasonic, Samsung, Foxconn và Pegatron dần dịch chuyển chuỗi cung ứng của mình từ các nước sang Việt Nam, song song cùng với những hoạt động mở rộng đầu tư mới.

LG đã chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất từ Hàn Quốc về Hải Phòng

Loạt chuỗi sản xuất của các 'đại gia' công nghệ vào Việt Nam sau dịch Covid-19 - Ảnh 1.

(Ảnh: LG Electronics).

Tạp chí Tài chính thông tin từ báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2020 của Bộ Công Thương, cuối tháng 4/2019, LG dự định chuyển dây chuyền sản xuất smartphone tại Hàn Quốc sang Hải Phòng. 

Nhà máy ở Hải Phòng được LG đưa vào hoạt động từ năm 2015 với tổng mức đầu tư 1,5 tỉ USD chuyên đảm nhận việc sản xuất các thiết bị như máy giặt, TV, smartphone phổ thông.... 

Với sự điều chỉnh lần này, công suất của nhà máy Hải Phòng sẽ được nâng lên thành 11 triệu chiếc smartphone/năm, đảm nhận thêm việc sản xuất các dòng smartphone từ tầm trung đến cao cấp, flagship.

Hiện tại, LG đã chuyển xong toàn bộ dây chuyền sản xuất từ Pyeongtaek, Hàn Quốc về Hải Phòng, Việt Nam.

Panasonic chuyển dây chuyền sản xuất máy giặt, tủ lạnh từ Thái Lan sang Việt Nam

Loạt chuỗi sản xuất của các 'đại gia' công nghệ vào Việt Nam sau dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Nhà máy cùng khu nghiên cứu và phát triển của Panasonic tại ngoại ô Hà Nội. (Ảnh: Panasonic).

Theo nguồn tin của Nikkei, Panasonic Việt Nam cũng đang chuẩn bị tiếp nhận dây chuyền sản xuất tủ lạnh, máy giặt cửa đứng công suất lớn từ Thái Lan, sớm nhất vào mùa thu năm nay.

Nhà máy tại Việt Nam, nằm ở ngoại thành Hà Nội, là trung tâm sản xuất lớn nhất của tập đoàn này tại Đông Nam Á với các sản phẩm như tủ lạnh, máy giặt và đang dư thừa công suất.

Dự kiến công suất của dây chuyền mới tại Việt Nam sẽ không đổi so với khi hoạt động tại Thái Lan.

Panasonic hiện có 8.000 lao động tại Việt Nam. Ngoài đồ gia dụng lớn, dây chuyền của hãng tại đây cũng sản xuất cả TV, điện thoại để bàn không dây, thiết bị thanh toán thẻ hay các thiết bị công nghiệp khác. Hãng đang tiếp tục cân nhắc nhiều thay đổi trong dây chuyền sản xuất đồ gia dụng.

Gia tăng sản xuất linh kiện cho Apple qua Foxconn tại Bắc Giang

Loạt chuỗi sản xuất của các 'đại gia' công nghệ vào Việt Nam sau dịch Covid-19 - Ảnh 3.

Bên trong một nhà máy sản xuất của Foxconn. (Ảnh: Getty).

Trong quí II năm nay, Apple gia tăng sản xuất 3 - 4 triệu chiếc tai nghe AirPods tương đương gần 1/3 tổng sản lượng AirPods của hãng trên toàn thế giới thông qua Foxconn - nhà cung ứng của "táo khuyết" tại Việt Nam, thông tin từ báo Đầu tư.

Trước đó, năm 2007, Foxconn bắt đầu xây dựng hai nhà máy lớn tại Bắc Giang và Bắc Ninh. Hai nhà máy này chuyên gia công thiết bị, linh kiện điện tử với một trong những sản phẩm nổi bật là tai nghe Apple Earpods.

Đến năm 2015, Foxconn tiếp tục thành lập thêm công ty New Wing Interconnect (FIT Việt Nam) chuyên sản xuất cáp dữ liệu, đặt tại Bắc Giang với qui mô 238 ha.

Ngoài ra, tại Việt Nam, Foxconn còn sở hữu công ty Fushan Technology - vốn là nhà máy sản xuất điện thoại của Nokia/Microsoft Mibile. 

Hiện tại, Foxconn Việt Nam đang nghiên cứu và xem xét đầu tư dự án Nhà máy lắp ráp linh kiện màn hình tivi tại Quảng Ninh với qui mô 10ha, vốn đầu tư 40 triệu USD.

Hai ông lớn viễn thông Hàn Quốc chuyển sản xuất từ Trung Quốc qua Việt Nam 

Loạt chuỗi sản xuất của các 'đại gia' công nghệ vào Việt Nam - Ảnh 1.

Phối cảnh nhà máy KMW tại tỉnh Hà Nam. (Ảnh: KMW).

Hai công ty Ace Technologies và KMW của Hàn Quốc, nhà cung ứng cho doanh nghiệp sản xuất thiết bị viễn thông toàn cầu Ericsson và Nokia đang chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam, sau khi giảm dần các hoạt động tại Trung Quốc.

Báo cáo của TheElec chỉ ra rằng, động thái từ Ericsson và Nokia đã trở thành cơ hội cho các nhà cung cấp linh kiện và nguyên vật liệu của Hàn Quốc đặt cơ sở tại Việt Nam. 

Ace Technologies đã xây dựng xong nhà máy mới của mình tại Việt Nam từ hồi tháng Ba, công suất theo đó đã tăng gấp ba lần năng lực sản xuất hệ thống vô tuyến và bộ lọc ăng ten. Hiện hãng cũng đang có kế hoạch sản xuất hơn 100.000 thiết bị đầu vô tuyến từ xa 4G và 5G.

Samsung chuyển dây chuyền sản xuất tivi từ Trung Quốc sang Việt Nam 

Loạt chuỗi sản xuất của các 'đại gia' công nghệ vào Việt Nam sau dịch Covid-19 - Ảnh 5.

Một phần dây chuyền sản xuất tivi Samsung sẽ được chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam. (Ảnh: Nikkei).

Theo Nikkei, Samsung Electronics sẽ chuyển dây chuyền sản xuất tivi từ Thiên Tân tới Việt Nam vào cuối tháng 11.

Đại diện Samsung khẳng định sự dịch chuyển này sẽ giúp hoạt động sản xuất toàn cầu của hãng trở nên hiệu quả hơn.

Nhà máy sản xuất tivi Samsung tại Thiên Tân bắt đầu hoạt động từ năm 1993, tuyển dụng khoảng 300 lao động. Samsung cho biết sẽ đưa các lao động này tới một số cơ sở khác, hoặc hỗ trợ họ tìm công việc mới.

Tại Việt Nam, Tập đoàn Samsung hiện đang là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài lớn nhất. Chỉ tính riêng Samsung Điện tử đã có tới 3 tổ hợp sản xuất tại Bắc Ninh (SEV), Thái Nguyên (SEVT) và TP.Hồ Chí Minh (SEHC) với tổng vốn đầu tư 9,5 tỉ USD, trong đó SEHC tập trung vào mảng sản xuất tivi và màn hình.

Pegatron đầu tư một tỉ USD xây dựng chuỗi cung ứng tại Hải Phòng

Pegatron - đối tác của Apple, Microsoft chính thức xác nhận sẽ đầu tư một tỉ USD vào dự án tại KCN Nam Đình Vũ, TP Hải Phòng, báo Đầu tư đưa tin vào hồi cuối tháng 9.

Sản phẩm bao gồm thiết bị điện tử (điện tử dân dụng, máy vi tính và thiết bị ngoại vi của máy tính, thiết bị truyền thông, linh kiện điện tử, bảng mạch), sẽ cung cấp cho Microsoft, Sony, Lenovo, Apple.

Loạt chuỗi sản xuất của các 'đại gia' công nghệ vào Việt Nam sau dịch Covid-19 - Ảnh 6.

(Ảnh: Pegatron).

Ban đầu, Pegatron chỉ có kế hoạch đầu tư khoảng 19 triệu USD. Hiện nay, tập đoàn này đang bắt đầu làm thủ tục đầu tư cho dự án thứ hai, với tổng vốn đầu tư khoảng 481 triệu USD và thứ ba với qui mô 500 triệu USD. 

Đặc biệt, Pegatron còn có ý định đưa trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) của Tập đoàn từ Trung Quốc về Việt Nam.

Pegatron hiện đang là nhà sản xuất thiết bị điện tử theo hợp đồng lớn thứ hai thế giới sau Foxconn Technology (Đài Loan, Trung Quốc).

Tập đoàn sản xuất các linh kiện của điện thoại thông minh, máy tính xách tay, máy tính để bàn, bo mạch chủ, thiết bị máy tính bảng, bảng điều khiển trò chơi, TV LCD, cùng nhiều thứ khác. Đáng chú ý, Pegatron hiện đang xử lí khoảng 30% đơn đặt hàng lắp ráp của Apple. 

Với việc Pegatron - một trong những đối tác lớn sản xuất linh kiện của Apple, Microsoft, Sony rót một tỉ USD vào ba dự án ở Hải Phòng, người Việt có quyền mơ về giấc mơ iPhone "made in Vietnam".

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.