Pegatron rót một tỉ USD vào Hải Phòng và niềm tin của các hãng công nghệ ngoại tại Việt Nam

Dòng đầu tư nước ngoài đang "đổ bộ" vào Việt Nam ngày một nhiều. Gần đây, Pegatron - đối tác lớn của Apple, Microsoft, đã quyết định đầu tư một tỉ USD vào 3 dự án tại Hải Phòng.

Thương vụ tỉ đô của Pegatron

Sau nhiều đồn đoán, cuối cùng Tập đoàn Pegatron - đối tác của Apple, Microsoft chính thức xác nhận sẽ đầu tư một tỉ USD vào Việt Nam, và nơi họ lựa chọn chính là KCN Nam Đình Vũ, TP Hải Phòng.

Ban đầu, Pegatron chỉ có kế hoạch đầu tư khoảng 19 triệu USD. Hiện nay, tập đoàn này đang bắt đầu làm thủ tục đầu tư cho dự án thứ hai, với tổng vốn đầu tư khoảng 481 triệu USD, thông tin từ báo Đầu tư.

(Ảnh: Pegatron Corporation).

(Ảnh: Pegatron Corporation).

Khi đi vào hoạt động, dự án dự kiến tạo việc làm cho 22.500 lao động trực tiếp và đóng góp vào nguồn thu ngân sách khoảng 100 tỉ đồng/năm. Sản phẩm của dự án, bao gồm thiết bị điện tử (điện tử dân dụng, máy vi tính và thiết bị ngoại vi của máy tính, thiết bị truyền thông, linh kiện điện tử, bảng mạch), sẽ cung cấp cho Microsoft, Sony, Lenovo, Apple.

Theo kế hoạch, sau dự án thứ hai, Pegatron tiếp tục đầu tư dự án thứ ba vào năm 2025 - 2026, với qui mô 500 triệu USD. Đặc biệt, Pegatron còn có ý định đưa trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) của Tập đoàn từ Trung Quốc về Việt Nam vào thời điểm phù hợp, dự kiến là cùng thời điểm triển khai Pegatron 3.

Pegatron có trụ sở chính tại Đài Bắc, Đài Loan (Trung Quốc). Tập đoàn hiện đang là nhà sản xuất thiết bị điện tử theo hợp đồng lớn thứ hai thế giới sau Foxconn Technology (Đài Loan, Trung Quốc).

Pegatron sản xuất các linh kiện của điện thoại thông minh, máy tính xách tay, máy tính để bàn, bo mạch chủ, thiết bị máy tính bảng, bảng điều khiển trò chơi, TV LCD, cùng nhiều thứ khác. Đáng chú ý, Pegatron hiện đang xử lí khoảng 30% đơn đặt hàng lắp ráp của Apple. Con chip Apple A1X có hiệu năng "khủng" trên iPhone, iPad và các thiết bị của Apple cũng do Pegatron sản xuất.

Niềm tin của các hãng công nghệ nước ngoài tại Việt Nam

Theo Tạp chí Tài chính, năm 2007, tập đoàn Intel đã rót một tỉ USD vốn đầu tư vào Việt Nam và tạo ra hơn 5.000 việc làm sau gần 15 năm có mặt tại nước ta. Sau "cú hích" của Intel, hàng loạt ông lớn công nghệ thế giới đã đến Việt Nam như LG, Kyocera, Nidec…, đặc biệt là Samsung. 

Cùng năm này, Foxconn đã bắt đầu đầu tư vào nước ta, với các dự án qui mô nhỏ tại Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc. Đến năm 2019, tập đoàn này đã mở rộng đầu tư tại Quảng Ninh và quyết định đầu tư qui mô lớn tại Bắc Giang. Các dòng đầu tư này đã biến Việt Nam trở thành điểm sản xuất các con chip hàng đầu cung cấp cho thế giới.

Hiện nay, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn ra căng thẳng và đặc biệt trong bối cảnh hậu Covid-19, các doanh nghiệp nước ngoài "rục rịch" chuyển dịch dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ra khỏi Trung Quốc, mà điểm đến có thể là các nước Đông Nam Á hoặc Ấn Độ.

Trước làn sóng này, Việt Nam đang là quốc gia có nhiều lợi thế với nguồn lao động trẻ dồi dào, giá rẻ. Đồng thời, khi cả thế giới đang căng mình chống lại đại dịch, thì Việt Nam là một trong số rất ít quốc gia kiểm soát tốt dịch bệnh. 

Hơn hết, Việt Nam có môi trường vĩ mô ổn định, kinh tế tăng trưởng khả quan, ổn định qua các năm. Đây là những yếu tố quan trọng hút các nhà đầu tư.

Pegatron rót một tỉ USD vào Hải Phòng và niềm tin của các hãng công nghệ ngoại tại đất Việt - Ảnh 2.

Việt Nam đang là điểm sản xuất quan trọng cho Samsung. (Ảnh: Samsung).

Thông tin từ Bộ Kế hoạch & Đầu tư, 8 tháng đầu năm 2020, tổng vốn FDI vào Việt Nam đạt 19,54 tỉ USD. Dù giảm 14% so với cùng kì năm 2019 nhưng trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, đây là một con số khả quan, cho thấy nước ta vẫn là điểm đến thu hút của các dòng đầu tư nước ngoài.

Theo Thời báo Kinh doanh, sau thương vụ với Pegatron, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng đang vận động một số nhà đầu tư khác như Tập đoàn Universal Global Technology Co.Ltd (Đài Loan, Trung Quốc) rót vốn tại Việt Nam. Universal Global là thành viên của Tập đoàn Công nghệ ASE Holding đầu tư dự án sản xuất, lắp ráp bảng mạch điện tử cho đồng hồ, điện thoại, tai nghe để cung cấp cho Lenovo, Sony... 

Nếu quyết định đầu tư, Universal Global sẽ chi 200 triệu USD cho giai đoạn I, sau đó nâng lên 400 triệu USD. Ngay cả Intel gần đây cũng đã nhắc đến kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam.

Với việc Pegatron - một trong những đối tác lớn sản xuất linh kiện của Apple, Microsoft, Sony rót 1 tỉ USD vào 3 dự án ở Hải Phòng, người Việt có quyền mơ về giấc mơ iPhone "made in Vietnam".

chọn
Nơi quy hoạch tổ hợp nhà ở của HanoiHouse tại ngã tư Nguyễn Phong Sắc - Tô Hiệu
Tại góc ngã tư Nguyễn Phong Sắc - Tô Hiệu có một khu đất hơn 0,2 ha, được quy hoạch cho dự án nhà ở thấp tầng và cao tầng. Chủ cũ của dự án này trước đây là Indeco, sau nhiều năm chậm triển khai đã chuyển giao cho chủ mới là HanoiHouse.