Theo hãng tin Bloomberg, trong ba thập kỉ qua, Việt Nam luôn được đánh giá cao với triển vọng phát triển kinh tế tốt, thậm chí là tuyệt vời. Sự tăng trưởng ổn định với vai trò là một nước xuất khẩu đã góp phần đưa nhiều người vào tầng lớp trung lưu.
Đại dịch Covid-19 là một biến cố lớn đã thay đổi tất cả. Các công ty may mặc phải đối diện với việc bị cắt giảm đơn hàng, trong khi các lĩnh vực khác bị sụt giảm xuất khẩu đột ngột, người lao động Việt Nam đang phải chịu những tác động tiêu cực từ mặt trái của nền kinh tế toàn cầu. Suy thoái kinh tế ở Mỹ và các thị trường lớn khác của Việt Nam đang tác động đến mọi ngõ ngách của nền kinh tế, từ thành thị tới nông thôn.
Chị Lê Thị Hoa, 55 tuổi, kinh doanh hoa quả bên ngoài chợ Bến Thành, ngay cạnh trung tâm thương mại của TP HCM, là một trong số những người đang gặp khó khăn vì đại dịch Covid-19 cho biết: "Bây giờ mọi người hạn chế ra ngoài đường, tôi chỉ có thể bán được khoảng một phần ba so với trước khi có dịch".
Việt Nam đã là một trong những điểm sáng của toàn cầu hóa, đang chuyển mình từ một nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp thành một cường quốc sản xuất trong vài thập kỉ vừa qua. Nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng nhanh ở mức 7,02% trong năm 2019. Việt Nam hiện đang chuẩn bị cho mức tăng trưởng thấp nhất trong hai thập kỉ, dự báo ở mức 2,4% trong năm nay. Trong quí II, tăng trưởng là 0,36% so với một năm trước đó.
Ông Ralf Matthaes, Giám đốc điều hành Infocus Mekong Research, người đã sống tại Việt Nam từ năm 1994, cho biết: "Việt Nam đã trải qua một "trận sóng thần" chưa từng có trong 30 năm qua. Đây là lần đầu tiên kể từ khi gia nhập cộng đồng kinh tế toàn cầu cách đây hai thập kỉ, Việt Nam mới phải trải qua sự suy thoái kinh tế đáng kể".
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam suy giảm đột ngột cho thấy sức tàn phá của đại dịch không chừa một quốc gia nào, ngay cả những quốc gia đã tương đối thành công trong việc ngăn chặn virus cũng không thể tránh khỏi những ảnh hưởng tiêu cực lên nền kinh tế. Những nền kinh tế như vậy sẽ không thể trở lại kinh doanh như bình thường cho đến khi các nền kinh tế khác cũng có thể trở lại bình thường hóa.
Bà Sian Fenner, nhà kinh tế học người Singapore tại Oxford Economics, dự báo thương mại toàn cầu sẽ giảm 8% vào năm 2020. "Các nước với định hướng xuất khẩu sẽ vẫn dễ bị tổn thương".
Vào tháng 4, xuất khẩu của Việt Nam đã giảm mạnh 14% so với một năm trước đó, tiếp theo là giảm 12,4% trong tháng 5 do thương mại toàn cầu chững lại, theo Tổng cục Hải quan Việt Nam. Tính đến cuối tháng 7, xuất khẩu chỉ tăng 1,5% so với mức tăng 8% của cùng kì năm ngoái.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo của Việt Nam không có dấu hiệu thay đổi xu hướng thúc đẩy kinh tế khi kí kết hơn một chục hiệp định thương mại trong những năm gần đây và biến Việt Nam trở thành thỏi nam châm thu hút đầu tư nước ngoài.
Chính phủ hiện vẫn đang nỗ lực kiểm soát dịch bệnh sau khi tái bùng phát ở Đà Nẵng và lan ra nhiều tỉnh thành trên cả nước. Trước đó, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp tử vong do Covid-19 nào cho đến tận ngày 31/7, và điều này đã nhận được sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế. Tính đến 26/8, Việt Nam ghi nhận 1.029 trường hợp nhiễm Covid-19 và 28 trường hợp tử vong. Việt Nam hiện vẫn đang cho phép các doanh nghiệp sản xuất tiếp tục hoạt động.
Mặc dù Việt Nam đang có tình hình khả quan hơn so với các nền kinh tế khác ở châu Á, nơi mà dịch bệnh vẫn đang tiếp tục bùng phát và khó kiểm soát, việc phụ thuộc vào thị trường nước ngoài và ngành du lịch đang phát triển đã cho người dân và các doanh nghiệp bài học về biến động toàn cầu.
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã trở thành một bánh răng then chốt trong chuỗi cung ứng toàn cầu, thu hút các tập đoàn đầu tư lớn như Intel, Samsung Electronics và LG Electronics, cũng như các nhà sản xuất bảng điều khiển năng lượng mặt trời và nhà sản xuất hàng may mặc. Xuất khẩu của Việt Nam năm 2019 đạt 264,3 tỉ USD, tăng gấp 4 lần kể từ năm 2008. Lương trung bình hàng năm của người lao động cũng tăng từ 1.154 USD lên khoảng 2.800 USD trong giai đoạn đó, theo số liệu của chính phủ.
Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ, thị trường lớn nhất chiếm khoảng 23% tổng kim ngạch xuất khẩu trong năm 2019, đã chậm lại trong nửa đầu năm 2020 so với cùng kì năm ngoái.
Nhiều lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề như hàng dệt may, sử dụng hàng triệu lao động trình độ thấp. Các nhà máy của Samsung tại Việt Nam, với các sản phẩm điện tử chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước vào năm ngoái, đã điều chỉnh dự báo xuất khẩu năm 2020 còn 45,5 tỉ USD, giảm 13,5 tỉ USD so với năm 2019, theo Bộ Công Thương.
Trong khi đó, ngành du lịch, chiếm khoảng 9% nền kinh tế, đã giảm 55,4% doanh thu trong 7 tháng đầu năm. Do sự gia tăng mạnh mẽ của các ngành sản xuất và khách sạn, gần một phần ba dân số, khoảng 31 triệu lao động, đã phải chịu tác động tiêu cực từ suy thoái kinh tế trong quý II.
Theo Nielsen Việt Nam, người tiêu dùng có xu hướng giữ nhiều tiền mặt hơn trong quý II và ổn định công việc là mối quan tâm hàng đầu. Tuy nhiên, sự lạc quan của họ có thể sẽ giúp nhanh chóng trở lại tiêu dùng bình thường sau khi đại dịch kết thúc, ông Nguyễn Anh Dzung, trưởng bộ phận dịch vụ đo lường bán lẻ cho biết.
Ông Fred Burke, đối tác quản lí của công ty luật Baker McKenzie ở TP HCM cho biết, với hàng triệu công nhân không có việc làm, một số chính quyền địa phương lo lắng về khả năng bất ổn xã hội.
Trước đó, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Nguyễn Chí Dũng đã đề nghị các thành viên không sa thải công nhân mà cố gắng đảm bảo công ăn việc làm cho họ càng lâu càng tốt.
Theo Infocus Mekong Research, với sự gián đoạn này, niềm tin của người tiêu dùng đang ở mức thấp nhất trong 25 năm qua. 2/3 người dân Việt Nam đang trì hoãn hoặc quyết định không thực hiện các giao dịch mua lớn. Công ty nghiên cứu cho biết, 63% người Việt Nam đang cân nhắc vay vốn ngân hàng khi họ tìm kiếm giải pháp tài chính.
Anh Bùi Viết Nam, 34 tuổi, Giám đốc điều hành của một nhà sản xuất hàng may mặc tại TP HCM chia sẻ: "Mọi người đều tiết kiệm và chúng tôi cũng hạn chế đi ra ngoài. Thu nhập ngày càng đi xuống và mọi người đang nghĩ đến cách kiếm thêm tiền thông qua việc bán đồ trực tuyến hoặc kiếm thêm một công việc bán thời gian".
#StandUpVietnam là chương trình đặc biệt đồng hành cùng các doanh nghiệp trong nước chia sẻ và truyền cảm hứng vượt qua những khó khăn từ đại dịch COVID-19.
#StandUpVietnam mong muốn được đón nhận những chia sẻ kinh nghiệm, hiến kế chính sách, giải pháp thúc đẩy kinh doanh, cách thức quản trị trong khủng hoảng… từ chính những doanh nhân đang chèo lái DN vượt qua thử thách lớn này.
Các thông tin từ quí DN sẽ được các cơ quan báo chí tham gia #StandUpVietnam biên tập, đăng tải hoàn toàn miễn phí trong chương trình nếu nội dung được đánh giá là hữu ích, thiết thực, tích cực.
Các thông tin vui lòng gửi về địa chỉ email info@vietnambiz.vn và info@vietnammoi.vn kèm đầu mối liên lạc để #StandUpVietnam có điều kiện tương tác, hỗ trợ và kiểm chứng thông tin trước khi đăng tải.
Kinh doanh 22:41 | 22/12/2020
Kinh doanh 11:17 | 20/11/2020
Kinh doanh 09:50 | 20/11/2020
Kinh doanh 14:30 | 12/11/2020
Tiêu dùng 14:53 | 28/10/2020
Kinh doanh 16:51 | 23/10/2020
Kinh doanh 10:04 | 22/10/2020
Kinh doanh 09:12 | 22/10/2020