Nghịch cảnh mùa dịch: Xe đạp 'cháy hàng', sản xuất không kịp để bán

Hãng sản xuất xe đạp lớn nhất thế giới đang chứng kiến sự bùng nổ về nhu cầu đối với sản phẩm này tới nỗi họ sản xuất không kịp để bán.

Theo New York Times, đại dịch Covid-19 đã khiến hầu hết các phòng tập gym đóng cửa, người dân cũng ít đi tập hơn. Việc đi lại bằng các phương tiện công cộng như xe buýt hay tàu điện được hạn chế để tránh tiếp xúc với những nơi đông người. Tuy nhiên, người dân vẫn có nhu cầu cho các hoạt động ngoài trời. Vì thế, nhu cầu sử dụng xe đạp bỗng tăng đột biến.

Kết quả là dẫn tới sự thiếu hụt nguồn cung xe đạp trên toàn cầu. Nhà sản xuất xe đạp lớn nhất thế giới Giant dự đoán rằng nguồn cung sẽ vẫn khan hiếm trong thời gian tới.

Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu cuộc chiến thương mại với Trung Quốc vào năm 2018, Giant đã chuyển một số hoạt động sản xuất dành cho thị trường Mỹ từ Trung Quốc đại lục đến trụ sở chính của công ty ở Đài Loan để tránh bị áp thuế. Một năm sau đó, Liên minh châu Âu áp thuế chống bán phá giá đối với xe đạp điện từ Trung Quốc. Vì vậy, Giant cũng bắt đầu sản xuất xe đạp điện ở Đài Loan.

Nhưng khi đại dịch bùng phát khiến nhu cầu về xe đạp tăng vọt, Giant cần phải đảo ngược lại hướng đi. Với việc cơ sở tại Đài Loan bị quá tải, họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc tăng cường sản xuất ở Trung Quốc đại lục, dù điều này khiến công ty phải chịu thêm chi phí thuế quan.

Nghịch cảnh mùa dịch: Xe đạp 'cháy hàng', sản xuất không kịp để bán - Ảnh 1.

Nhà máy của Giant ở Đài Loan. (Ảnh: The New York Times).

"Không có nơi nào trên thế giới như Trung Quốc, có thể tăng tốc từ 0 lên 100 trong tích tắc, giống như một chiếc xe ô tô thể thao vậy," Bonnie Tu, nữ chủ tịch của Giant, cho biết trong một cuộc phỏng vấn.

Năm nay, chính quyền Trump đã tạm thời dỡ bỏ thuế quan đối với nhiều loại hàng hóa của Trung Quốc sản xuất, những mặt hàng được coi là không quan trọng về mặt chiến lược. Xe đạp lọt vào danh sách này, điều này giúp Giant dễ dàng trở lại sản xuất một số mẫu xe đạp của mình tại Trung Quốc để xuất sang Mỹ.

Tuy nhiên, lệnh tạm dừng thuế quan đối với một số loại xe đạp đã hết hạn trong tháng này, điều đó có nghĩa là Giant lần nữa cần phải điều chỉnh lại chuỗi cung ứng.

"Tôi không muốn rời Trung Quốc. Không hề ", bà Tu nói nhưng chúng tôi không thể làm khác được vì có quá nhiều rào cản thương mại.

Giant nổi lên từ nhiều thập kỉ trước bằng việc sản xuất xe đạp cho những thương hiệu Mỹ đình đám như Schwinn trước khi biến chính mình thành một thế lực đáng gờm trên thị trường xe đạp toàn cầu.

Khi Trung Quốc đại lục bắt đầu thay thế Đài Loan trở thành trung tâm sản xuất, Giant đã mở các nhà máy ở đó trong khi vẫn giữ một nhà máy gần Đài Trung. Hiện công ty đang điều hành 5 nhà máy ở Trung Quốc, chiếm 70% sản lượng.

Giant đã phải đóng cửa các nhà máy ở Trung Quốc khi dịch Covid-19 gây ảnh hưởng và bắt đầu lan rộng nhanh chóng ra cả nước. Họ đã buộc phải đóng cửa trong một tháng rưỡi. Sau đó, khi châu Âu và Mỹ rơi vào trạng thái phong tỏa, các nhà nhập khẩu bắt đầu hủy đơn hàng.

Nghịch cảnh mùa dịch: Xe đạp 'cháy hàng', sản xuất không kịp để bán - Ảnh 2.

Các nhà máy của Giant đều đang hoạt động gần như hết công suất. (Ảnh: The New York Times).

Doanh thu ở Mỹ bắt đầu tăng trong tháng 3, và hiện tất cả các nhà máy của Giant đang phải hoạt động gần như hết công suất để bù đắp cho sản lượng đã mất. Mặc dù lượng người mua xe đạp lần đầu tăng nhưng Chủ tịch của Giant không có kế hoạch đầu tư xây những nhà máy sản xuất mới. Bà Bonnie Tu vẫn không tin rằng tình yêu mới mà thế giới dành cho xe đạp có thể kéo dài mãi sau khi dịch qua đi.

"Mọi sự bùng nổ rồi sẽ kết thúc vào một ngày nào đó", bà nói vấn đề chỉ là sớm hay muộn.

Nghịch cảnh mùa dịch: Xe đạp 'cháy hàng', sản xuất không kịp để bán - Ảnh 3.

Bonnie Tu, chủ tịch của Giant, vẫn chưa tin rằng tình yêu mới của thế giới dành cho xe đạp sẽ tồn tại lâu hơn đại dịch. (Ảnh: The New York Times).

Cách suy nghĩ thận trọng trong kinh doanh của bà Tu được phản ánh qua lối sống thảnh thơi của bà. Ở tuổi 70, bà vẫn tràn đầy năng lượng và tinh thần phấn chấn. Bà giữ thói quen đạp xe ba lần mỗi tuần, và đã từng hoàn thành 4 vòng quanh đảo Đài Loan. Bà cũng tự hào rằng mình đã hoàn thành ba môn phối hợp lần đầu ở tuổi 60.

Giống như bất kì người đi xe đạp cự li giỏi nào, bà Tu biết cách tự điều chỉnh tốc độ. Bà không hề lo lắng việc các đối thủ có thể tranh thủ tận dụng tình hình để đẩy mạnh sản xuất xe đạp giá rẻ đại trà. Đại dịch đã làm sống lại một trong những thị trấn sản xuất xe đạp lớn nhất Trung Quốc, nơi đã phải ngừng hoạt động vào năm ngoái sau khi bong bóng chia sẻ xe đạp của nước này nổ tung. 

Bà Tu cho biết bà thấy khó hiểu tại sao những chủ doanh nghiệp đó tin rằng các khách hàng của họ chỉ quan tâm đến giá cả chứ không phải chất lượng. "Họ sẵn sàng chi hàng chục nghìn euro để uống một chai rượu vang đỏ. Tại sao họ nghĩ những người đó sẵn sàng mua một chiếc xe đạp giá 60 USD".

Mối quan tâm của bà khi nhắc đến Trung Quốc chỉ là duy trì lực lượng lao động của Giant. Giới trẻ ở đây không còn quan tâm nhiều đối với các công việc trong nhà máy. Hiện tại, việc tuyển dụng lao động ở Trung Quốc có vẻ khó khăn hơn, mặc dù tình trạng sa thải nhân sự vẫn diễn ra phổ biến.

"Trước đây, nếu chúng tôi muốn thuê một công nhân ở Trung Quốc, sẽ có ba người xếp hàng. Tuy nhiên bây giờ, nếu bạn đang tìm kiếm ba người, thật tuyệt nếu có thậm chí dù chỉ một người xếp hàng", bà Tu nói.

Giant gần đây có mở thêm một nhà máy ở Hungary và đặt mục tiêu sản xuất 300.000 xe đạp ở đây trong năm tới. Nhiều nhà sản xuất khác đã thành lập nhà máy ở Việt Nam nhưng Giant lại không có ý định đến Đông Nam Á. Bà Tu cho rằng thị trường này không đủ lớn để tiếp cận cho các dòng xe đạp của họ.

Khi được hỏi liệu Giant có sản xuất xe đạp ở Mỹ vào một ngày nào đó không? Bà Tu trả lời: "Tôi nghĩ không nên nói rằng không có khả năng này", bà nói kể từ khi chiến tranh thương mại bắt đầu thì "mọi thứ đều có thể xảy ra". 

Tuy nhiên, điều này sẽ là "cực kì khó" và nếu muốn thì phải cần robot.

"Nếu chúng ta có thể tự động hóa nhiều hơn, thì sẽ có cơ hội lớn hơn. Trong điều kiện tự động hóa ngày nay, tôi nghĩ rằng hoàn toàn không có cơ hội", bà nhận xét.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (13/4 - 19/4): Sắp khởi công nhiều cao tốc ở Bình Dương và Thái Bình
Quốc hội cho ý kiến về báo cáo tiền khả thi cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành; sắp khởi công cao tốc CT 08 đoạn qua Thái Bình và cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua Bình Dương... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.