Loạt dự án cao tốc hơn 80.000 tỷ đồng sắp triển khai tại Đồng bằng sông Cửu Long

Để tương xứng với tiềm năng kinh tế, trong thời gian tới, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ được triển khai loạt dự án cao tốc với tổng mức đầu tư lên tới gần 80.000 tỷ đồng.

12 năm và ba dự án cao tốc dài hơn 140 km

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có khoảng 20 triệu dân, cung cấp 90% sản lượng gạo, 70% sản lượng trái cây và 40% sản lượng thủy sản xuất khẩu cả nước,... Mặc dù tiềm năng kinh tế được đánh giá cao, tuy nhiên hệ thống hạ tầng giao thông khu vực này lại chưa thực sự phát triển so với các khu vực khác trên cả nước.

Tính tới thời điểm hiện tại, khu vực ĐBSCL có hai tuyến cao tốc đã được đưa vào sử dụng. Dự án cao tốc đầu tiên của khu vực miền Tây cũng như cả nước được khởi công là dự án cao tốc TP HCM - Trung Lương, đi qua tỉnh Tiền Giang - Long An.

Cao tốc TP HCM - Trung Lương có tổng chiều dài 61,9 km, bao gồm hai hệ thống đường: Tuyến cao tốc (dài 39,8 km) và các tuyến đường nối (22,1 km). Dự án được khởi công từ tháng 12/2004. Sau 5 năm thi công, đến thời điểm tháng 2/2010, dự án được thông xe và đi vào khai thác.

Sau hơn 10 năm, trong khi nhiều tuyến cao tốc trên cả nước dần được triển khai và khánh thành, vào đầu năm 2021, miền Tây mới có dự án cao tốc thứ hai là cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi kết nối hai địa phương Cần Thơ - Kiên Giang. Dự án được khởi công ngày 17/1/2016 và thông xe kỹ thuật vào ngày 15/10/2020.

Cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi có chiều dài 51 km được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A với 6 làn xe, vận tốc 100 km/h. Tuy nhiên, hiện nay, tuyến đường này mới được xây dựng 4 làn xe, vận tốc thiết kế là 80 km/h.

Loạt dự án cao tốc hơn 80.000 tỷ đồng sắp triển khai tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh 1.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. (Ảnh: Zing).

Mới đây, người dân thuộc khu vực ĐBSCL đón nhận thêm tin vui khi dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã mở cửa tạm thời trong vòng 15 ngày (từ 25/1-10/2) phục vụ người dân lưu thông trong dịp Tết Nguyên đán sau hơn 12 năm xây dựng kể từ tháng 11/2009.

Dự án có tổng chiều dài hơn 51km, đi qua địa phận tỉnh Tiền Giang. Tổng mức đầu tư 12.668 tỷ đồng, trong đó: vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư 3.400 tỷ đồng, vốn ngân sách hỗ trợ 2.186 tỷ đồng và 7.082 tỷ đồng vốn tín dụng của các ngân hàng cho vay.

Hiện nay, các hạng mục trên tuyến chính như: phần đường, cầu, hệ thống an toàn giao thông, hệ thống vạch sơn biển báo, hệ thống chiếu sáng, hệ thống giao thông thông minh ITS…đã triển khai thực hiện cơ bản hoàn thành. Chỉ còn lại hai nút giao Cai Lậy, nút giao Cái Bè, một số cầu vượt và một số đường gom trên tuyến chính chưa hoàn thành.

Có thêm hơn 350 km cao tốc trong 4 năm tới

Để đáp ứng nhu cầu phát triển của khu vực ĐBSCL, hiện Bộ GTVT đang tiến hành thi công cầu Mỹ Thuận 2 (dài 7 km, tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng) và đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ (dài 23 km, 4 làn xe, tổng vốn đầu tư 4.826 tỷ đồng).

Đây là hai công trình thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, kế hoạch sẽ hoàn thành vào năm 2030, nối thông đường cao tốc từ TP HCM về Cần Thơ.

Loạt dự án cao tốc hơn 80.000 tỷ đồng sắp triển khai tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh 2.

Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 có 109 km cao tốc 4 làn xe đi qua các địa phương gồm Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau. (Đồ họa: Alex Chu).

Mới đây, Quốc hội cũng đã thông qua chủ trương tiếp tục đầu tư 12 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 dài 729 km các đoạn đi qua miền Trung và từ Cần Thơ đến Cà Mau.

Trong đó, có 109 km cao tốc 4 làn xe đi qua các địa phương gồm Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau. Cụ thể, dự án thành phần đầu tiên là cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang có chiều dài 37 km, tổng mức đầu tư 9.768 tỷ đồng. Dự án thứ hai là cao tốc Hậu Giang - Cà Mau có chiều dài 72 km, với tổng mức đầu tư 17.485 tỷ đồng.

Theo kế hoạch của Chính phủ, các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 nói chung và hai dự án thành phần đi qua khu vực ĐBSCL nói riêng sẽ cơ bản hoàn thành vào năm 2025, một số hạng mục sẽ hoàn thành trong năm 2026.

Loạt dự án cao tốc hơn 80.000 tỷ đồng sắp triển khai tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh 3.

Dự kiến hướng tuyến cao tốc An Hữu - Cao Lãnh. (Ảnh: PLO).

Ngoài ra, khu vực miền Tây cũng có hai dự án đường cao tốc được Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ đầu tư từ nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Cụ thể, cao tốc An Hữu - Cao Lãnh dài 27,43km, 4 làn xe qua địa phận tỉnh ĐồngTháp và Tiền Giang. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 6.054 tỷ đồng (đã bố trí 1.864 tỷ đồng vốn ngân sách đầu tư công trung hạn 2021-2025), dự kiến khởi công cuối năm 2023, hoàn thành cuối năm 2025.

Loạt dự án cao tốc hơn 80.000 tỷ đồng sắp triển khai tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh 4.

Tuyến đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (màu xanh dương) trong tổng thể quy hoạch giao thông miền Tây. (Ảnh: Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận).

Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài 188,2km, chủ yếu 4 làn xe, có đoạn 2 làn xe, tổng mức đầu tư khoảng 49.745 tỷ đồng (đã bố trí 14.247 tỷ đồng vốn ngân sách đầu tư công trung hạn 2021-2025).

Theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng theo hình thức đầu tư công của Ban quản lý dự án Mỹ Thuận mới trình Bộ GTVT, tổng mức đầu tư dự án giai đoạn 1 khoảng 44.306 tỷ đồng.

Để đảm bảo tiến độ triển khai thực hiện dự án, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đã chỉ đạo Tư vấn nghiên cứu phân chia thành 7 dự án thành phần. Nếu được cấp có thẩm quyền phê duyệt, dự án dự kiến khởi công năm 2023 và hoàn thành năm 2025.

Bên cạnh những dự án trên, theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, khu vực ĐBSCL còn có thêm dự án cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu dài 212 km, gồm bốn làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h.

Dự án được chia thành hai đoạn tuyến gồm đoạn Hà Tiên - Rạch Giá và Rạch Giá - Bạc Liêu. Trong đó đoạn Hà Tiên - Rạch Giá dự kiến được đầu tư trước năm 2030 và đoạn còn lại sẽ được đầu tư sau năm 2030.

Ngoài ra, tuyến cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh cũng được đưa vào quy hoạch với chiều dài 188 km gồm bốn làn xe. Dự án được chia thành ba đoạn tuyến, gồm: đoạn Cửa khẩu Dinh Bà (Đồng Tháp) - Cao Lãnh; đoạn Cao Lãnh (Đồng Tháp) - An Hữu (Tiền Giang); đoạn An Hữu (Tiền Giang) - Trà Vinh.

Trong đó, đoạn Cao Lãnh (Đồng Tháp) - An Hữu (Tiền Giang) dự kiến được đầu tư trước năm 2030. Còn hai đoạn tuyến còn lại sẽ được đầu tư sau năm 2030.

chọn
Lãnh đạo Everland chia sẻ về dự án HH5 Bắc An Khánh vừa M&A ở khu tây Hà Nội
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Chủ tịch Everland Lê Đình Vinh cho biết, hiện nay tình hình thị trường bất động sản phía tây Hà Nội đang ấm dần, do tập đoàn đang phối hợp với chủ khu đô thị Bắc An Khánh để hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, xây dựng ô đất HH5 để có thể triển khai xây dựng từng phần ngay trong 2024.