Cầu Tứ Liên có chiều dài 3 km bắc qua sông Hồng, nối quận Tây Hồ với huyện Đông Anh. Đầu cầu phía quận Tây Hồ là phường Tứ Liên. Phía huyện Đông Anh, cầu Tứ Liên nằm tại xã Xuân Canh và Đông Hội, hệ thống đường dẫn nối cầu với cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đi qua các xã Mai Lâm, Dục Tú và rất gần xã Cổ Loa. Chính vì vậy, dự án nằm trên địa bàn các xã này sẽ hưởng lợi rất lớn từ cầu Tứ Liên.
Theo lộ trình, từ nay đến năm 2025, Đông Anh sẽ lên quận. Chính vì vậy, đây được dự báo là giai đoạn phát triển và thay đổi diện mạo đô thị mạnh mẽ của Đông Anh. Điều này cũng được thể hiện ngay trên quy hoạch sử dụng đất của huyện.
Theo bản đồ điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất huyện Đông Anh đến năm 2020 (giai đoạn 2011 - 2020), phần lớn diện tích các xã Xuân Canh, Mai Lâm, Dục Tú và Cổ Loa được bao phủ bởi màu vàng của đất trồng lúa và cây hàng năm khác.
Tháng 8 vừa qua, UBND huyện Đông Anh đã hoàn thiện hồ sơ về việc lập quy hoạch sử dụng đất của huyện thời kỳ đến năm 2030 gửi các cơ quan cấp trên phê duyệt.
Theo hồ sơ này, phần lớn diện tích đất trồng lúa đã "đổi màu" thành các loại đất ở, đất thương mại dịch vụ, đất vui chơi - giải trí công cộng... Điều này có nghĩa là, những cánh đồng lúa, hoa màu trong giai đoạn trước sẽ dần dần được chuyển đổi mục đích sử dụng để xây dựng các khu đô thị, trung tâm thương mại, công viên, trung tâm triển lãm...
Quanh khu vực đầu cầu Tứ Liên phía huyện Đông Anh, có rất nhiều dự án quy mô lớn dự kiến sẽ được xây dựng trong giai đoạn từ nay đến năm 2030.
Trước hết, phải kể đến dự án quy mô hơn 350 ha do Công ty CP Trung tâm hội chợ triển lãm Việt Nam, một thành viên của Tập đoàn Vingroup, làm chủ đầu tư.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, dự án này còn được biết đến với tên gọi Vinhomes Cổ Loa, nằm trên địa bàn các xã Xuân Canh, Đông Hội và Mai Lâm.
Vinhomes Cổ Loa bao hồm hai dự án thành phần, thứ nhất là Trung tâm hội chợ triển lãm quốc gia và phần còn lại là khu đô thị mới với nhiều diện tích đất ở, đất thương mại dịch vụ, đất cây xanh, mặt nước...
Tháng 6/2020, hai dự án này đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư với quy mô Trung tâm hội chợ triển lãm quốc gia hơn 92 ha và khu đô thị mới hơn 261 ha. Theo quy hoạch, cầu Tứ Liên chạy dọc ranh giới phía đông nam dự án của Vingroup.
Một doanh nghiệp bất động sản lớn khác là Công ty CP Tập đoàn Mặt Trời (Sun Group) cũng có nhiều dự án quy mô lớn sẽ được hưởng lợi từ cầu Tứ Liên. Trước hết, đó là dự án Thành phố Mặt trời - Sun Grant City với diện tích 143,6 ha nằm tại địa bàn xã Vĩnh Ngọc và Xuân Canh. Theo UBND huyện Đông Anh, dự án này dự kiến triển khai trong giai đoạn 2021-2030.
Sun Group cũng đang đầu tư Công viên Văn hóa, Du lịch, Vui chơi giải trí Kim Quy trên tổng diện tích 101 ha tại xã Vĩnh Ngọc và Tiên Dương. Dự án này nằm trên Vành đai 2, cách vị trí làm cầu Tứ Liên khoảng 6 km theo hướng đi sân bay Nội Bài.
Ngoài ra, phía quận Tây Hồ, Sun Group đang sở hữu tòa căn hộ Sun Grand City trên phố Thụy Khê và một khách sạn đang xây dựng ven hồ ở phường Quảng An. Các vị trí này khá gần và dễ dàng di chuyển tới cầu Tứ Liên.
Trở lại phía huyện Đông Anh, theo hồ sơ về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, ngoài các dự án của Vingroup và Sun Group nói trên, gần vị trí cầu Tứ Liên còn có rất nhiều các dự án quy mô lớn khác sẽ được triển khai.
Có thể kể đến như: Khu đô thị Xuân Canh - Vĩnh Ngọc 118 ha thuộc xã Xuân Canh và Vĩnh Ngọc (dự kiến làm trong năm 2021 - 2025); Khu cây xanh sinh thái, vui chơi giải trí (công viên cảm giác mạnh) tại các xã Việt Hùng, Liên Hà, Dục Tú với tổng diện tích hơn 241 ha (giai đoạn 2021 - 2025); Khu cây xanh sinh thái, vui chơi giải trí tại xã Dục Tú 175 ha (giai đoạn 2021 - 2025); Công viên Tây Nam Cổ Loa 158 ha (giai đoạn 2026 -2030)...
Theo quy hoạch giao thông vận tải Hà Nội được Thủ tướng phê duyệt năm 2016, thì lộ trình xây dựng cầu Tứ Liên là trong giai đoạn 2020 - 2025.
Từ nhiều năm trước, Hà Nội cũng đã quan tâm đến việc triển khai cây cầu này. Cụ thể, trước thời điểm các dự án BT tạm dừng triển khai để rà soát vào khoảng năm 2019, thì Hà Nội đã chấp thuận cho nhiều doanh nghiệp thực hiện thủ tục đầu tư một số dự án trên địa bàn theo hình thức đầu tư này. Trong đó, Sun Group nghiên cứu làm cầu Tứ Liên.
Đầu năm nay, Luật PPP mới có hiệu lực và hình thức hợp đồng BT đã được bãi bỏ. Trên cơ sở đó, tháng 5 vừa qua, UBND TP Hà Nội đã thông báo hủy 82 dự án BT, trong đó có cầu Tứ Liên. Thời điểm đó, dự án cầu Tứ Liên chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư. Tới nay, chưa có thông tin mới về việc đầu tư cây cầu này.
Tại cuộc họp diễn ra cuối tháng 9 vừa qua, HĐND TP Hà Nội đã thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025. Theo đó, giai đoạn này, thành phố chi hơn 304.799 tỷ đồng cho các dự án đầu tư công, trong đó lĩnh vực giao thông sẽ được phân bổ khoảng 83.337 tỷ đồng.
Trong phương án phân bổ ưu tiên đối với các dự án giao thông có nhóm các cầu lớn qua sông. Tuy nhiên, kế hoạch của Hà Nội chỉ nêu tên cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 và Cầu Thượng Cát, không đề cập tới cầu Tứ Liên và các cây cầu còn lại theo quy hoạch trong giai đoạn này.
Trong báo cáo kế hoạch đầu tư công trung hạn mà UBND trình ra HĐND cũng không đề cập tới việc xây dựng cầu Tứ Liên.
Trong khi đó, theo hồ sơ về việc lập quy hoạch sử dụng đất của huyện thời kỳ 2021 - 2030 do UBND huyện Đông Anh gửi các cơ quan cấp trên phê duyệt, huyện này đã đưa cầu Tứ Liên vào nhóm các dự án dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2026 - 2030.
Cụ thể, dự án cầu Tứ Liên dự kiến sẽ chia thành hai giai đoạn. Thứ nhất là dự án làm cầu với đoạn có chiều rộng 29,5 m và đường từ cầu đến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên dài 9 km, rộng 60 m. Giai đoạn này cần tổng diện tích đất là 55,8 ha, trong đó huyện Đông Anh là 28 ha.
Thứ hai là xây cầu và cầu đoạn có chiều rộng 60 m và đường dẫn với tổng diện tích đất là hơn 69 ha, trong đó huyện Đông Anh là 34,6 ha.
Với những thông tin trên, có thể thấy, hiện nay Hà Nội chưa có kế hoạch rót tiền ngân sách vào dự án cầu Tứ Liên trong thời gian từ nay đến năm 2025.
Việc có thể xây dựng cầu Tứ Liên trong giai đoạn này hay không sẽ phụ thuộc vào yếu tố, trong đó có sự hợp tác của các doanh nghiệp, hoặc trường hợp có sự điều chuyển vốn đầu tư công từ các dự án giải ngân chậm...