Tại kỳ họp thứ hai, khoá XVI diễn ra trong hai ngày 22 và 23/9, HĐND TP Hà Nội đã xem xét, thảo luận và quyết nghị về Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025 của thành phố.
Theo đó, trong giai đoạn 2021-2025, tổng nhu cầu vốn đầu tư của thành phố là 650.000 tỷ đồng. Trên cơ sở tính toán, cân đối ngân sách thành phố, dự kiến tổng nguồn vốn trung hạn 5 năm giai đoạn này khoảng 304.800 tỷ đồng, trong đó, kế hoạch đầu tư công trung hạn cấp thành phố là 218.962,7 tỷ đồng và cấp huyện là 85.837 tỷ đồng.
Trong lĩnh vực giao thông, Hà Nội thực hiện mục tiêu phát triển hạ tầng kỹ thuật giao thông; đầu tư, nâng tỷ lệ quỹ đất cho giao thông đô thị khoảng 12-15% diện tích đất đô thị. Để thực hiện 255 dự án giao thông trong vòng 5 năm tới, thành phố dự kiến bố trí nguồn vốn hơn 83.337 tỷ đồng.
Ngoài ra, thành phố dành một khoản kinh phí cho 14 dự án lớn đang đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư và bố trí vốn hàng năm theo tiến độ thực tế dự án.
Hà Nội cho biết phương án phân bổ sẽ ưu tiên đầu tư theo đúng định hướng đầu tư ngành giao thông và mục tiêu phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội.
Cụ thể, thời gian tới, thành phố tập trung đầu tư hoàn thành các dự án như đường vành đai 2,5, vành đai 3, vành đai 3,5, vành đai 4…; các cầu lớn qua sông (cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, cầu Thượng Cát).
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng ưu tiên triển khai các trục hướng tâm, liên kết vùng như quốc lộ 6, nâng cấp quốc lộ 32, quốc lộ 1A cũ, quốc lộ 21B, đường nối từ cao tốc Láng - Hòa Lạc với đường cao tốc Hà Nội - Hòa Bình; các trục chính đô thị thuộc kết cấu hạ tầng khung và các đường tỉnh lộ, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các tuyến đường sắt đô thị.
Theo Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội sẽ có 7 tuyến đường vành đai kết nối nội bộ và thông thương với các tỉnh, thành lân cận. Sau khi khi hoàn thành toàn bộ, các công trình này được kỳ vọng sẽ là sẽ là bệ phóng, nâng tầm vị thế phát triển của Thủ đô.
Sở Giao thông vận tải Hà Nội cũng đã có báo cáo đề xuất Thành ủy Hà Nội về nhóm 7 công trình đường vành đai nằm trong danh mục các nhóm công trình giao thông quan trọng triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025.
Cụ thể, vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục dài 2,27 km, tổng đầu tư hơn 7.200 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp thành phố đang triển khai bằng nguồn vốn ngân sách TP Hà Nội.
Vành đai 2 trên cao, đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng kết hợp mở rộng phần từ Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở đang thực hiện theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) ký kết giữa Hà Nội và Tập đoàn Vingroup.
Vành đai 2,5 sẽ triển khai tiếp ba đoạn để khép kín gồm đoạn từ khu đô thị mới Dịch Vọng đến Dương Đình Nghệ dài 720 m, đoạn Trung Kính - Trần Duy Hưng dài 580 m và đoạn Ngụy Như Kon Tum - Đầm Hồng dài gần 1.900 m, tổng đầu tư trên 7.300 tỷ đồng.
Vành đai 3 gồm hai đoạn từ cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đến trục Nhật Tân - Nội Bài dài 9,8 km và đoạn từ trục Nhật Tân - Nội Bài đến Quang Minh dài 5 km, tổng đầu tư khoảng 2.450 tỷ đồng.
Vành đai 3,5 gồm 2 đoạn từ cầu Thượng Cát đến quốc lộ 32 dài 3,8 km và đoạn từ Phúc La - Văn Phú đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ dài 10,8 km, tổng đầu tư hơn 5.600 tỷ đồng.
Các tuyến vành đai 4 và vành đai 5 đi qua Hà Nội sẽ do Bộ Giao thông vận tải triển khai.
Đối với các cầu, đầu năm nay, thành phố đã khởi công cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 dài hơn 3,4 km với tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng từ vốn ngân sách. Công trình được xây dựng song song và cách cầu Vĩnh Tuy 1 khoảng 21,25 m về phía hạ lưu sông Hồng.
Điểm đầu cầu giao với đường Nguyễn Khoái và đường Minh Khai, điểm cuối giao với đường Long Biên - Thạch Bàn, đường Cổ Linh.
Đến thời điểm này, việc thi công đang triển khai trên toàn bộ công trường thuộc phạm vi 5 gói thầu của dự án và dự kiến cầu được hoàn thành vào năm 2023.
Giữa tháng 9 vừa qua, UBND TP Hà Nội đã chấp thuận giao CTCP Him Lam lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng cầu Trần Hưng Đạo theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định.
Dự án có điểm đầu tại ngã 5 Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông, thuộc địa bàn phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm; điểm cuối giao cắt với đường Nguyễn Văn Linh thuộc địa bàn phường Gia Thụy, quận Long Biên.
Tổng chiều dài cầu Trần Hưng Đạo khoảng 5,5 km, chiều rộng bảo đảm 6 làn xe cơ giới. Đoạn cầu dẫn phía Hoàn Kiếm có quy mô một làn xe đi thẳng vào đường Trần Hưng Đạo và 4 làn xe rẽ tiếp cận vào đường đê Trần Khánh Dư; đoạn cầu dẫn phía Long Biên có quy mô 4 làn xe. Tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 8.900 tỷ đồng
Ngày 20/9 vừa qua, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội về chủ trương triển khai dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 4 - vùng Thủ đô.
Đây là tuyến vành đai ngoài khu vực nội đô của đô thị trung tâm Thủ đô Hà Nội, liên kết với các tuyến đường bộ cao tốc, các tuyến đường trục hướng tâm, kết nối thành phố Hà Nội với các tỉnh lân cận.
Hà Nội cho biết tuyến đường khi hoàn thành không chỉ góp phần giảm ùn tắc giao thông, mở rộng không gian phát triển cho thành phố, kéo giãn mật độ dân cư tại khu vực nội đô, phát triển kinh tế đô thị và nông thôn, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực hai bên tuyến đường mà còn tăng cường khả năng kết nối, tạo động lực, tác động lan tỏa liên vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng sông Hồng và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Việc triển khai dự án phải có giải pháp kết nối khu vực hai bên tuyến đường, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và các hoạt động sản xuất, kinh doanh; thực hiện theo đúng pháp luật về đầu tư công, đối tác công - tư (PPP)... Trong đó, lưu ý lựa chọn nhà đầu tư PPP có đầy đủ năng lực, kinh nghiệm.
Hiện thành phố đã làm việc với Bộ Giao thông vận tải và các tỉnh liên quan để trao đổi, thống nhất về chủ trương và phương án triển khai.
Dự án đường vành đai 4 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết từ năm 2011 với chiều dài toàn tuyến khoảng 98 km, đi qua 14 huyện của ba tỉnh, thành phố, trong đó đoạn đi qua Hà Nội dài 56,5 km, Hưng Yên 20,3 km và Bắc Ninh 21,2 km.
Tháng 8 vừa qua, Hội đồng thẩm định cấp cơ sở ba tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên vừa tổ chức họp thẩm định hồ sơ đề xuất dự án đầu tư xây dựng tuyến đường này.
Đại diện đơn vị tư vấn cho biết sau khi tiếp thu, chỉnh sửa một số nội dung thiết kế theo ý kiến của lãnh đạo ba tỉnh, thành phố, dự án đường vành đai 4 có tổng chiều dài là 110 km (tăng 9 km từ điểm cuối tuyến đến quốc lộ 18 và đường cao tốc Hà Nội - Bắc Giang trên địa phận tỉnh Bắc Ninh).
Tổng mức đầu tư dự án gần 90.400 tỷ đồng, trong đó, trong đó vốn ngân sách Trung ương trên 29.000 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 35.093 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư trên 26.000 tỷ đồng.
Đường cao tốc vành đai có quy mô mặt cắt ngang 6 làn xe, mặt cắt ngang rộng 120 m, vận tốc thiết kế 100 km/h.