Thời gian qua, Hải Dương được loạt "ông lớn" BĐS quan tâm, đề xuất triển khai các dự án phát triển kinh tế đô thị, kinh tế dưới tán rừng, đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh,…
Đơn cử như Công ty Ecopark Hải Dương cho biết, trong thời gian tới sẽ triển khai xây dựng tòa tháp đôi Lighthouse với quy mô 30 tầng, nằm trong khu đô thị 5 sao Ecorivers rộng hơn 100 ha. Lighthouse sẽ là tòa tháp đôi cao nhất tại Thành phố và Ecorivers là khu đô thị cao cấp có quy mô lớn nhất trên địa bản tỉnh Hải Dương.
5 năm gần đây, Tập đoàn FLC đã đề xuất 5 dự án lớn tại địa phương. Hồi tháng 7/2018, doanh nghiệp này đã đề nghị tỉnh cho phép nghiên cứu đầu tư dự án khu nghỉ dưỡng, sinh thái, thể thao và vui chơi giải trí tại cồn Vĩnh Trụ ở xã Đồng Lạc (TP Chí Linh) với quy mô hơn 300 ha.
Sau đó, tập đoàn của ông Trịnh Văn Quyết tiếp tục đề xuất các dự án khác như khu đô thị, du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, thể thao và vui chơi giải trí hồ Bến Tắm 500 ha trên địa bàn các phường, xã: Bến Tắm, Hoàng Hoa Thám và Bắc An (TP Chí Linh). Gần đây nhất, Hải Dương đã đồng ý cho phép FLC xây sân golf tại dự án này.
Hai dự án khác là khu đô thị mới bắc cầu Hàn thuộc địa bàn các xã An Thượng (TP Hải Dương) và Minh Tân (Nam Sách), quy mô 450 ha; khu đô thị trung tâm TP Hải Dương (Diamon Land) khoảng 10 ha trên địa bàn các phường Nguyễn Trãi, Quang Trung, Trần Hưng Đạo.
Đặc biệt, FLC đã đề xuất thực hiện khu đô thị, du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, thể thao và vui chơi giải trí ven sông Thái Bình với quy mô khoảng 1.800 ha qua địa bàn 11 xã, phường của TP Hải Dương.
CTCP Tập đoàn TH (Tập đoàn TH) đề xuất thực hiện dự án khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại phường Hoàng Tiến và xã Hoàng Hoa Thám (Chí Linh) với quy mô khoảng 259 ha.
Cũng trong năm 2020, CTCP Tập đoàn T&T đề xuất triển khai dự án và lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết khu đô thị sinh thái xã Nam Đồng với quy mô khoảng 350 ha và khu đô thị tại xã An Thượng (cùng ở TP Hải Dương) với quy mô khoảng 542 ha.
Gần đây nhất, CTCP Việt Tiên Sơn Địa ốc dự kiến chào bán riêng lẻ tối đa 30 triệu cp với giá 12.200 đồng/cp để đầu tư các dự án tại Hải Dương (Khu dân cư phía Đông đường Trần Hưng Đạo, Khu dân cư Cầu Yên).
Danh mục dự án đang triển khai của Việt Tiên Sơn Địa ốc đều tập trung tại tỉnh Hải Dương với tổng quy mô trên 140 ha và tổng mức đầu tư trên 600 tỷ đồng, bao gồm: Côn Sơn Resort, Công viên nghĩa trang Hoa Lạc Viên, Cụm dân cư cạnh khu sinh thái Âu Cơ, Khu chung cư và nhà ở phường Việt Hòa, Khu dân cư phía Đông đường Yết Kiêu, Khu dân cư phía Đông đường Trần Hưng Đạo.
Hồi đầu tháng 10, doanh nghiệp tư nhân xây dựng Xuân Trường của tỷ phú Nguyễn Xuân Trường vừa đề xuất làm khu du lịch sinh thái hồ Thanh Long tại TP Chí Linh, Hải Dương với quy mô 2.000 ha, tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng trong 10 năm.
Đầu tháng 4/2021, Hải Dương đã chấp thuận chủ trương đầu tư tòa nhà văn phòng cho thuê và dịch vụ thương mại gần 500 tỷ đồng tại phía Bắc đường Nguyễn Lương Bằng, TP. Hải Dương.
Ngoài ra, tại Hải Dương đang có loạt khu đô thị lớn như Khu đô thị phía Tây Nam Cường Hải Dương, Khu đô thị Làng Việt kiều Âu Việt, Apec Mandala Wyndham Hải Dương, TNR Stars Riverside, Ngọc Sơn Riversidem, Ecopark Hải Dương, Côn Sơn Resort...
Về BĐS khu công nghiệp, đầu tháng 5, UBND tỉnh Hải Dương đã trao quyết định thành lập 4 khu công nghiệp, với tổng diện tích 760 ha cho các nhà đầu tư. Đó là các KCN An Phát 1 (CTCP KCN kỹ thuật cao An Phát 1), Kim Thành (CTCP COMA 18), Phúc Điền mở rộng (CTCP Đầu tư Trung Quý - Bắc Ninh) và Gia Lộc (CTCP Đầu tư và Phát triển hạ tầng Nam Quang).
Cuối tháng 6, tỉnh quyết định thành lập ba cụm công nghiệp mới, gồm Quang Trung, Thất Hùng, Bình Giang 1, với tổng mức đầu tư hơn 1.741 tỷ đồng.
Trong thời gian tới, sẽ phát triển thêm 10 - 15 KCN mới, với tổng diện tích khoảng 5.000 ha. Theo CBRE, địa phương này có quỹ đất công nghiệp mở rộng lớn nhất trong số các tỉnh, thành phố miền Bắc. Đây sẽ là lợi thế thu hút đầu tư lớn của địa phương này.
Hiện tại, phần lớn các nhà đầu tư đã thực hiện các bước như khảo sát hiện trạng làm cơ sở lập quy hoạch, hoàn thiện phương án quy hoạch, xác định phạm vi, ranh giới thực hiện dự án và điều chỉnh các quy hoạch có liên quan. Tuy nhiên, tiến độ triển khai thực hiện nhiều dự án còn chậm, có dự án phải tạm dừng.
Theo Sở KH&ĐT, Tập đoàn TH đang phối hợp với UBND TP Chí Linh nghiên cứu, khảo sát xác định phạm vi, ranh giới thực hiện dự án và điều chỉnh các quy hoạch có liên quan. Hiện nay đã thực hiện xong việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung và đang tiến hành lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng.
Đề xuất quy hoạch và lập dự án của Tập đoàn T&T đã được thông qua về phương án quy hoạch chi tiết.
Nhưng để có cơ sở triển khai thực hiện, UBND TP Hải Dương phải thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố. Bộ Xây dựng đến nay vẫn chưa trả lời về nội dung này.
Với các dự án của FLC, công tác khảo sát địa hình đã hoàn thành. Tập đoàn đang triển khai các bước lập, thẩm định và phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch; lập đồ án quy hoạch phân khu; đồng thời xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng phần việc liên quan đến các dự án trong thời gian tới.
Hiện nay, dự án tại khu vực cồn Vĩnh Trụ đang phải tạm dừng do liên quan đến quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Mới đây, UBND tỉnh Hải Dương đã có quyết định chính thức về việc chấp thuận gia hạn thời gian thực hiện dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị sinh thái Thành Công (giai đoạn I) CTCP Tập đoàn Thành Công làm chủ đầu tư.
Cụ thể, việc đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật còn lại của dự án hoàn thành trước ngày 30/6/2022; việc khai thác, kinh doanh và chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở của dự án xong trước 31/12/2031.
Dân số của tỉnh Hải Dương năm 2020 là hơn 1,9 triệu người, đứng thứ 9/63 tỉnh, thành phố trong cả nước và thứ 3/11 tỉnh, thành phố ở vùng Đồng bằng sông Hồng. Mật độ dân số của tỉnh rất lớn, gấp 4 lần bình quân cả nước.
Dân số đông, nhất là nguồn lao động di cư về Hải Dương để làm việc trong các KCN, nên nên nhu cầu về nhà ở cao và ngày càng tăng tại đây.
Đặc biệt, xu hướng chuyển dịch về vùng ven Hà Nội và những tín hiệu mới từ hạ tầng nên Hải Dương được nhiều đơn vị thị trường dự đoán là địa phương có mức độ tăng trưởng BĐS khá cao trong thời gian tới.
Giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Hải Dương triển khai xây dựng 21 công trình giao thông trọng điểm với tổng vốn đầu tư khoảng 5.150 tỷ đồng. Dự án lớn nhất trong số này là đầu tư xây dựng đường trục Đông – Tây 1.500 tỷ đồng đi qua các huyện Thanh Miện, Ninh Giang và Tứ Kỳ.
Vừa qua, một dự án trọng điểm là cầu Quang Thanh và cầu Dinh nối TP Hải Phòng với huyện Thanh Hà, Hải Dương đã đi vào hoạt động. Cầu Quang Thanh có chiều dài 536 m, rộng 12 m, chiều cao thông thuyền 9,5 m; tổng mức đầu tư 398,6 tỷ đồng.
Hải Dương cũng sẽ tiếp tục xây dựng nút giao lập thể tại điểm giao cắt giữa đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, quốc lộ 5 và đường 390.
Dự án này được Thủ tướng Chính phủ đồng ý áp dụng cơ chế đầu tư hạng bổ sung vào tháng 9/2011. Công trình được khởi công từ năm 2012, tuy nhiên đến nay, do những khó khăn về vốn đầu tư, dự án vẫn chưa hoàn thành theo quyết định được duyệt trước đó.
Ngoài các dự án trên, từ nay đến năm 2025, tỉnh Hải Dương sẽ đầu tư, xây dựng mới hàng loạt các dự án có quy mô lớn như đường 396 kéo dài, đoạn nối ĐT391 đến nút giao đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với vốn đầu tư 550 tỷ đồng; cầu Đồng Việt và đường dẫn 270 tỷ đồng; cầu An Đồng và đường dẫn 200 tỷ đồng; xây dựng đoạn tuyến đường từ cầu Triều đến đường tỉnh 389 hơn 200 tỷ đồng; tuyến tránh ĐT398B, đoạn quốc lộ 18 – hồ Bến Tắm 250 tỷ đồng.
Sau năm 2025, địa phương dự kiến khánh thành thêm cầu vượt quốc lộ 5 tại xã Cổ Dũng, huyện Kim Thành. Đây là dự án thuộc nhóm B, tổng vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng, trong đó, ngân sách địa phương chiếm một nửa.
Tỉnh cũng đang tập trung hoàn thiện các tiêu chí đô thị tại TP Hải Dương, TP Chí Linh, Nam Sách, Kinh Môn,.... để tỉnh Hải Dương sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.