Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank - Mã: PGB) là ngân hàng đầu tiên công bố kế hoạch đại hội cổ đông thường niên, dự kiến được tổ chức vào ngày 9/3 tại Hà Nội.
Đaị hội sẽ thảo luận và thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2021, báo cáo hoạt động năm vừa qua, mức chia cổ tức... và kiện toàn nhân sự Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Một trong những vấn đề được các cổ đông quan tâm là kế hoạch sáp nhập của PG Bank với ngân hàng khác. Sau khi thương vụ với VietinBank bất thành, phương án sáp nhập với HDBank cũng gặp nhiều trắc trở.
Mặc dù phương án đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận về chủ trương, thậm chí tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu cũng đã được ước định (1 cổ phiếu PGBank đổi 0,621 cổ phiếu của HDBank mới) nhưng cho đến thời điểm hiện tại đã sau 3 năm kể từ ngày công bố thông tin việc sáp nhập vẫn bị "bỏ ngỏ".
Cuối năm 2020, hơn 300 cổ phiếu PG Bank chính thức được giao dịch trên thị trường UPCoM từ ngày 24/12 với giá tham chiếu 15.500 đồng/cp. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với PG Bank.
Trong năm 2021, PG Bank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 310 tỷ đồng, tăng hơn 45% so với năm 2020.
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - Mã: BID) cũng đã công bố lịch tổ chức đại hội đồng cổ đông năm 2021 dự kiến vào ngày 12/3 tại Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, 773 đường Hồng Hà, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
BIDV dự kiến trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2021, phương án tăng vốn điều lệ năm 2021 và bầu bổ sung thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2017-2022. Đồng thời, ngân hàng cũng sẽ trình cổ đông về việc chuyển đổi chi nhánh Yangon thành ngân hàng con.
Cũng trong tháng 3, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB - Mã: MSB) cho biết sẽ tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2021 vào ngày 24/3 tại 54A Nguyễn Chí Thanh, Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội theo danh sách cổ đông đã chốt ngày 22/2.
Chi tiết nội dung cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2021 chưa được MSB công bố, tuy nhiên, ngân hàng cho biết sẽ trình phương án trả cổ tức tối thiểu 15%.
Trong cùng ngày, VIB cũng tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên tại TP HCM. Theo ài liệu họp đại hội công bố, trong năm 2021 ngân hàng đặt mục tiêu đạt lợi nhuận trước thuế trên 7.500 tỷ đồng, tăng 29% so với 2020. Cùng với đó, tổng dư nợ tín dụng của ngân hàng dự kiến tăng lên 225.000 tỷ đồng, huy động vốn tăng lên 235.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, ngân hàng dự kiến trình phương án tăng vốn bằng hình thức chia cổ phiếu thưởng từ nguồn vốn chủ sở hữu 40% và phát hành chào bán cổ phiếu. Vốn điều lệ dự kiến sau các phương án tăng vốn này là khoảng 16.000 tỷ đồng.
Sáng tháng 4, đại hội cổ đông thường niên của Ngân hàng Á Châu (ACB) dự kiến tổ chức vào ngày 6/4 tại khách sạn Sheraton, TP HCM. Ngân hàng sẽ thực hiện chốt danh sách cổ đông hưởng quyền tham dự vào ngày 5/3 tới.
Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank - Mã: CTG) cũng đã thống nhất quyết định sẽ tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 vào ngày 16/4. Điểm nhấn chú ý tại đại hội lần này là phương án phân phối lợi nhuận năm 2020 và kế hoạch tăng vốn của ngân hàng.
Sacombank và SHB cũng đều lên kế hoạch tổ chức đại hội vào tháng 4. SHB dự kiến tổ chức vào ngày 22/4, tại khách sạn Khách sạn Melia, 44B Lý Thường Kiệt, Hà Nội, ngày danh sách cổ đông hưởng quyền tham dự là ngày 18/3.
Còn Sacombank thông báo kế hoạch đại hội vào ngày 23/4, tại Trung tâm hội nghị White Place, 194 Hoàng Văn Thụ, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP HCM. Tài liệu cuộc họp sẽ được ngân hàng công bố vào ngày 31/3.
Mới đây, Eximbank, ngân hàng từng 5 lần tổ chức bất thành các kỳ đại hội cổ đông, đã công bố kế hoạch tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2020 lần 3 và ĐHĐCĐ thường niên năm nay vào liên tiếp hai ngày 26, 27/4.
Các đại hội của Eximbank liên tiếp tổ chức bất thành trong bối cảnh bộ máy lãnh đạo thượng tầng của ngân hàng này có sự biến động liên tục. Chỉ trong vòng có hơn 1 năm, "ghế nóng" của Eximbank đã đổi chủ đến 5 lần, từ ông Lê Minh Quốc sang bà Lương Thị Cẩm Tú, về ông Lê Minh Quốc, sang ông Cao Xuân Ninh và mới nhất là ông Yasuhiro Saitoh.