Lợi dụng 'con rối' ở các công ty sân sau, Hà Văn Thắm khiến PVN mất trắng 800 tỷ đồng

Với vai trò là chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank), Hà Văn Thắm cùng đồng bọn đã gây thiệt hại hàng nghìn tỷ cho Oceanbank và “kéo theo” Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) cũng bị mất trắng 800 tỷ đồng khi đầu tư vào ngân hàng này. Không chỉ có vậy, trong vụ án này còn có vợ, mẹ vợ, em vợ Hà Văm Thắm cùng thư ký HĐQT Oceanbank được Thắm cho đứng tên cổ đông, Chủ tịch HĐQT hoặc Tổng giám đốc một số công ty sân sau để Thắm “điều khiển”.

Theo bản cáo trạng truy tố, tính đến ngày 31/3/2014, vốn điều lệ của Oceanbank là 4.000 tỷ đồng, gồm 1.137 cổ đông, trong đó có 4 cổ đông sở hữu trên 5% vốn điều lệ là tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chiếm 20%, công ty CP Tập đoàn Đại Dương chiếm 20%, công ty TNHH VNT chiếm 20%, công ty CP Đầu tư và Xây dựng Sông Đà 6,65%... Sau đó, Thắm đã sử dụng những công ty và cá nhân có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp để nắm giữ 62,97% cổ phần tại Oceanbank. Quá trình chỉ đạo, điều hành các hoạt động nghiệp vụ ngân hàng, tài chính - tiền tệ tại Oceanbank, Hà Văn Thắm có nhiều vi phạm dẫn đến nợ xấu.

loi dung con roi o cac cong ty san sau ha van tham khien pvn mat trang 800 ty dong
Từ trái qua phải: Hứa Thị Phấn - Hà Văn Thắm - Phạm Công Danh (Ảnh: Nhật Anh)

Các 'con rối' trong tay Hà Văn Thắm

Bản cáo trạng của VKSNDTC cho thấy, Công ty cổ phần BSC Việt Nam (Cty BSC) là Công ty của Hà Văn Thắm, được thành lập vào ngày 10/1/2008 với vốn điều lệ là 10 tỷ đồng, trong đó có 5 cổ đông do Thắm nhờ đứng tên, không có vốn góp và mọi hoạt động của công ty này đều do Thắm chỉ đạo và quyết định.

Đến ngày 16/12/2008, Cty BSC thay đổi đăng ký kinh doanh lần thứ 3, Hoàng Thị Hồng Tứ - Thư ký HĐQT OceanBank được Thắm nhờ đứng tên làm Chủ tịch HĐQT và đại diện trước pháp luật; Hồ Vĩnh Hoàng (em vợ Thắm…) và Lê thị Ánh Tuyết (Chánh văn phòng HĐQT OceanBank) là các cổ đông mới của công ty.

Theo lời khai của bà Tứ, bà chỉ là người đại diện chứ không được chỉ đạo, điều hành hay nhận lương của Cty BSC, trong thời gian làm việc bà Tứ có ký một số hợp đồng dịch vụ khách hàng trong hoàn cảnh: các hợp đồng đã được đánh máy, ghi người đại diện BSC là Hoàng Thị Hồng Tứ và khách hàng ký trước rồi chuyển về Cty BSC.

Cơ quan điều tra cho rằng, bà Hồ Thị Quỳnh Nga (vợ Thắm), bà Bùi Thị Cẩm Vân (mẹ vợ Thắm), ông Hồ Vĩnh Hoàng (em vợ Thắm) và bà Hoàng Thị Hồng Tứ được Thắm cho đứng tên cổ đông, Chủ tịch HĐQT hoặc Tổng giám đốc một số công ty sân sau của Thắm, giúp cho Thắm và đồng bọn sử dụng pháp nhân để thực hiện các hành vi phạm tội.

Tuy nhiên, chưa phát hiện tài liệu chứng cứ chứng minh yếu tố chủ quan của các ông bà này có dùng ý chí và giúp sức cho hành vi phạm tội của Thắm. Những người này cũng không được Thắm bàn bạc hoặc cho hưởng lợi ích vật chất gì. Vì vậy, cơ quan điều tra đề nghị không xem xét trách nhiệm của những người này.

PVN bị mất trắng 800 tỷ đồng

Bản cáo trạng xác định, Thắm cho Cty TNHH MTV thương mại và dịch vụ Trung Dung (công ty do Phạm Công Danh - Chủ tịch HĐQT ngân hàng Xây dựng VNCB - thành lập và thuê người đứng tên giám đốc) vay 500 tỷ đồng để trả nợ cho việc mua cổ phần của nhóm Hứa Thị Phấn tại ngân hàng TMCP Đại Tín.

Việc cho vay này đã vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động tín dụng, cho vay không đảm bảo, vượt quá giới hạn quy định, các tài sản đảm bảo khoản vay không có thật, thậm chí không có tài sản.

Theo đó, năm 2012, Ngân hàng nhà nước (NHNN) chủ trương tái cơ cấu, sáp nhập các ngân hàng yếu kém. Muốn thâu tóm các ngân hàng này, Thắm gặp Phấn (đại diện nhóm cổ đông ngân hàng TMCP Đại Tín) gây sức ép, buộc Phấn phải chuyển cổ phần cho mình.

Đến tháng 2/2012, Phấn ký hợp đồng, bán số cổ phần tương đương 84.9% vốn điều lệ của Đại Tín cho Hà Văn Thắm với giá hơn 4.400 tỷ đồng. Sau đó, Thắm cho người vào quản lý Đại Tín nhưng không trả tiền, không cơ cấu tài sản của Phấn và cá nhân liên quan.

Biết được sự việc, Phấn đe doạ Thắm sẽ lấy lại cổ phần bán cho người khác nên Thắm liền chuyển nhượng lại số cổ phần trên cho Phạm Công Danh với giá 800 tỷ đồng.

Việc giao dịch của bộ ba Thắm – Danh – Phấn nếu không thực hiện được sẽ không thể thanh khoản khiến NHNN tiếp tục sáp nhập Đại Tín vào ngân hàng khác. Do đó, cả ba thống nhất để ngân hàng Oceanbank sẽ cho Danh vay 500 tỷ đồng và thế chấp bằng tài sản của Phấn.

Sau đó, Danh và Thắm thống nhất lấy tư cách pháp nhân của Cty Trung Dung để thực hiện việc này. Số tiền này Danh sẽ chuyển lại để tất toán 5 hợp đồng vay của nhóm Phấn tại Đại Tín đồng thời ghi nhận việc Danh trả tiền mua cổ phần Đại Tín.

Bên cạnh đó, để huy động vốn của tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), ông Thắm đồng ý chi tiền ngoài hợp đồng tiền gửi cho Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Tổng giám đốc OceanBank. Thắm và Sơn đã bàn bạc, thống nhất đề ra chủ trương “thu phí” của khách hàng thông qua Cty CP BSC và triển khai tổ chức thực hiện, dẫn đến thiệt hại cho OceanBank và khách hàng hơn 70 tỷ đồng.

Ngoài ra, Thắm còn chỉ đạo, thống nhất với lãnh đạo OceanBank về chủ trương chi tiền ngoài lãi suất huy động đối với khách hàng gửi tiền tại đây, vượt trần huy động đối với khách hàng gửi tiền tại OceanBank số tiền hơn 985 tỷ đồng.

Liên quan vụ việc, PVN cũng đầu tư vào Ocean Bank 800 tỷ đồng, chiếm 20% tổng vốn của ngân hàng (4.000 tỷ đồng). Việc này được thực hiện dưới thời của cựu chủ tịch PVN Nguyễn Xuân Sơn. Khi Ocean Bank được Ngân hàng Nhà nước mua với giá 0 đồng, PVN mất trắng 800 tỷ.

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.