Lợi nhuận Xây dựng Hoà Bình giảm 96% quý IV

Do không còn thu nhập khác, năm 2020, lợi nhuận sau thuế của Xây dựng Hoà Bình thấp nhất từ năm 2015 và chỉ hoàn thành được hơn nửa mục tiêu đề ra.

CTCP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (Mã: HBC) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2020 ghi nhận đà lao dốc trong kết quả kinh doanh.

Quý IV/2020, Xây dựng Hoà Bình đạt 3.183 tỷ đồng doanh thu thuần, 7 tỷ đồng lãi sau thuế; giảm lần lượt 36% và 96% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong kỳ lãi gộp của tập đoàn chỉ giảm 51% bên cạnh các chi phí tiết giảm nhưng do không còn khoản thu nhập khác khiến lãi sau thuế của doanh nghiệp giảm mạnh. 

Biên lợi nhuận gộp quý IV của doanh nghiệp chỉ còn 5,1%, giảm 1,6 điểm % so với cùng kỳ năm trước.

Lợi nhuận Xây dựng Hoà Bình giảm 96% quý IV do không còn thu nhập khác - Ảnh 1.

Nguồn: H.K tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất của HBC

Luỹ kế cả năm, Xây dựng Hoà Bình đạt 11.228 tỷ đồng doanh thu thuần, 70 tỷ đồng lãi sau thuế; giảm lần lượt 40% và 83% so với cùng kỳ năm 2019. Đây cũng là mức lợi nhuận sau thuế thấp nhất của doanh nghiệp từ năm 2015.

Năm 2020, Tập đoàn đặt kế hoạch doanh thu 12.500 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 125 tỉ đồng. Như vậy, doanh nghiệp đã thực hiện được 90% mục tiêu doanh thu và 56% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

HBC - Ảnh 1.

Nguồn: H.K tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2020 của HBC

Về tình hình tài chính, tổng tài sản của tập đoàn tại ngày 31/12/2020 là 15.486 tỷ đồng, giảm 1.235 tỷ đồng so với đầu năm.

Trong đó, khoản tiền, tương đương tiền và tiền gửi có kỳ hạn của Xây dựng Hoà Bình đã giảm 56% so với đầu năm còn 259 tỷ đồng.

Phải thu ngắn hạn vẫn là chỉ tiêu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng tài sản (68%) đạt 10.570 tỷ đồng hết năm 2020. Trong đó, khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng là 5.458 tỷ đồng và phải thu theo tiến độ hợp đồng xây dựng là 4.078 tỷ đồng.

Nói thêm, khoản phải thu theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng là một khoản không chắc chắn, không là căn cứ để ghi nhận doanh thu trong kỳ kế toán và đã từng là vấn đề khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại về phương pháp ghi nhận này. 

Tính tới cuối kỳ, tập đoàn đã phải trích lập gần 403 tỷ đồng dự phòng phải thu khó đòi.

Về cơ cấu nguồn vốn, tổng nợ phải trả là 11.409 tỷ đồng. Trong đó, tổng nợ đi vay là 5.117 tỷ đồng, tăng 156 tỷ đồng so với con số đầu năm và chủ yếu từ ngân hàng. Khoản nợ đi vay của Xây dựng Hoà Bình gấp 1,25 lần vốn chủ sở hữu.

Đáng lưu ý, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của tập đoàn vẫn âm, ghi nhận âm gần 314 tỷ đồng năm 2020. Tuy nhiên, con số này đã giảm so với dòng tiền âm 706 tỷ đồng năm 2019.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.