Theo Báo Long An, vừa qua, HĐND tỉnh Long An đã thống nhất thông qua đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 khu cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp.
Khu vực lập điều chỉnh quy hoạch nằm ở phía bắc của TX Kiến Tường thuộc địa giới hành chính của xã Bình Hiệp, TX Kiến Tường, với vị trí tiếp giáp như sau: Phía bắc giáp biên giới Việt Nam - Vương quốc Campuchia, phía nam giáp khu dân cư hiện hữu, phía đông giáp Rạch Rồ, phía tây giáp kênh Bảy Sung, khu phi thuế quan.
Quy mô lập quy hoạch dự án này hơn 66 ha. Trong đó, đất xây dựng các khu thương mại dịch vụ có diện tích gần 13 ha, chiếm gần 20% trên toàn khu; khu đất quản lý cửa khẩu có diện dích 2,2 ha, được bố trí ở khu vực trung tâm, tiếp giáp trục đường quốc lộ 62 và đường N4.
Công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật có diện tích 0,7 ha; đất giao thông gần 10 ha, bao gồm các tuyến đường giao thông chính, nội bộ trong khu quy hoạch.
Ngoài ra, khu quy hoạch còn có đất cây xanh diện tích gần 12 ha, bao gồm cây xanh thảm cỏ và cây xanh cách ly bố trí dọc theo các tuyến đường tạo thành công viên, tiểu cảnh, dãy cây xanh dài bao phủ toàn khu cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp, tạo cảnh quan, cách ly vệ sinh đối với khu lân cận; đất bãi đậu xe 17 ha; đất quốc phòng 4,3 ha; vành đai biên giới 7,2 ha.
Về tính chất, Khu Cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp được quy hoạch là khu dịch vụ thương mại quốc tế, thực hiện các dịch vụ thương mại, du lịch, tài chính ngân hàng và các loại dịch vụ khác giữa Việt Nam - Campuchia và các nước khác trên thế giới, đặc biệt là các nước trong khối ASEAN.
Liên quan đến các dự án tại tỉnh Long An, hồi tháng 6, CTCP Tập đoàn Thái Tuấn vừa tổ chức lễ động thổ Khu phức hợp công nghệ cao Thái Tuấn tại Khu công nghiệp (KCN) Đức Hòa III, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.
Dự án này có quy mô hơn 85 ha với tổng vốn đầu tư 16.000 tỷ đồng, nhằm đầu tư vào chuỗi sản xuất công nghiệp sợi - dệt - hoàn tất - may mặc - da giày - phụ kiện thời trang.
Ngoài ra, đại diện Thái Tuấn mong muốn Long An tiếp tục tạo điều kiện để tập đoàn có thêm khu vực trồng nguyên liệu cho ngành sợi trên diện tích khoảng 3.000 ha, nhằm cung cấp cho khu phức hợp này để tạo ra chuỗi sản xuất liên hoàn tại Long An.