Long đong số phận Nhà Thi đấu Phan Đình Phùng

Nhà Thi đấu Phan Đình Phùng - chứng nhân những sự kiện thể thao lịch sử của TP HCM - nay chỉ còn là bãi đất trống đầy cỏ dại, chưa biết ngày nào xây mới.

Nhà Thi đấu Phan Đình Phùng nằm ngay khu đất "vàng" với 4 mặt tiền đường Pasteur - Nguyễn Đình Chiểu - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Võ Văn Tần (quận 3, TP HCM). Năm 2017, UBND TP HCM đã thống nhất đập bỏ, xây mới thành Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng đạt chuẩn quốc tế nhằm đăng cai các giải thi đấu lớn.

Đội vốn 3 lần

Theo thiết kế, Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng xây dựng trên diện tích 14.700 m2 gồm 2 khối: cụm nhà thi đấu chính và khu vực nhà tập luyện đa năng. Ngoài 2-3 tầng hầm để xe cùng với khối văn phòng, điểm nhấn của cụm nhà thi đấu chính là sân thi đấu với khán đài có sức chứa 4.000 chỗ.

Hai năm đã trôi qua, nhà thi đấu sôi động ngày nào giờ chỉ còn là bãi đất trống, được rào kín, bên trong bảo vệ mắc võng nằm ngủ. Cả công trình không hề có dấu hiệu nào cho thấy sẽ thi công.

Ông Võ Kim Hoang (64 tuổi; cán bộ hưu trí phường 6, quận 3) thở dài khi đi qua khu đất từng là nơi sinh hoạt cờ tướng, tập thể dục dưỡng sinh cho những người lớn tuổi.

"Hơn chục năm trước, nhà thi đấu này từng chứng kiến những trận đấu làm nên lịch sử. Cách đây 2 năm, khi đập bỏ, ai cũng háo hức chờ diện mạo mới nhưng chờ mãi đến giờ cỏ cứ mọc cao mà tòa nhà chưa xây dựng nền móng" - ông Hoang nói.

Một lãnh đạo Sở Xây dựng TP HCM cho biết dự án chậm triển khai do thẩm định mức đầu tư ban đầu không chính xác dẫn đến đội vốn. Ngoài ra, các thủ tục liên quan đến dự án theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) đang điều chỉnh và thẩm định lại.

"Hiện nay, các dự án BT tại TP HCM gặp nhiều khó khăn chứ không riêng dự án Nhà Thi đấu Phan Đình Phùng. Các khu đất phục vụ dự án BT đang được các bộ, ngành thẩm định lại giá trị cũng như phải có ý kiến chấp thuận từ Thủ tướng Chính phủ" - vị này nói.

Trước đó, vào tháng 3/2010, UBND TP HCM đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương thực hiện thí điểm dự án đầu tư Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng theo hình thức BT.

Tổng vốn đầu tư ước tính khoảng 988 tỉ đồng. Tiến độ thực hiện dự án dự kiến từ năm 2010-2012. UBND TP HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép TP HCM được bán chỉ định cho nhà đầu tư toàn bộ mặt bằng nhà, đất số 257 Trần Hưng Đạo, phường Cô Giang, quận 1 với diện tích 2.350 m2, theo giá thị trường. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ đồng ý theo đề nghị của UBND TP HCM.

Năm 2013, UBND TP HCM nâng tổng mức đầu tư lên 1.352,7 tỉ đồng; bổ sung thêm khu đất tại số 3-3Bis đường Phan Văn Đạt, quận 1 để thanh toán cho nhà đầu tư. Năm 2016, UBND TP HCM lại phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án với tổng vốn đầu tư đội lên 1.953 tỉ đồng.

Năm 2017, TP HCM quyết định phá bỏ nhà thi đấu. Một năm sau, TP HCM đồng ý thay nhà đầu tư thành Công ty CP Phát triển bất động sản Phát Đạt để cùng Tổng Công ty CP Đền bù Giải tỏa (thành viên của Công ty CP Đức Khải) thực hiện dự án.

Đến tháng 7-2018, UBND TP HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao thêm 3 ha đất tại khu Trường đua Phú Thọ (quận 11) để thanh toán cho Công ty Phát Đạt vì dự án đã đội vốn gấp đôi.

Long đong số phận Nhà Thi đấu Phan Đình Phùng - Ảnh 1.

Khu đất trước đây từng là Nhà Thi đấu Phan Đình Phùng (quận 3, TP HCM). (Ảnh: HẢI LÊ)

Gỡ vướng cho nhà đầu tư

Theo Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM, tháng 5/2019, công tác chuẩn bị cho việc kết hợp đồng xây dựng Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng với 2 đơn vị đầu tư là Tổng Công ty CP Đền bù Giải tỏa và Công ty CP Phát triển bất động sản Phát Đạt đã xong thì mọi việc bất ngờ bị đình lại.

Nguyên nhân do Chính phủ đã có văn bản yêu cầu dừng việc thực hiện các hợp đồng theo phương thức đổi đất lấy công trình trên phạm vi toàn quốc, trong đó TP HCM có công trình đầu tư xây dựng Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng.

Lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM cho rằng nhiều khu đất công nằm trong tình trạng không sử dụng suốt thời gian dài rất lãng phí, trong khi nhà đầu tư lại rất cần. "Họ có nguồn vốn mạnh và sẵn sàng rót kinh phí nếu như được tạo điều kiện một cách phù hợp với qui định của pháp luật. TP HCM rất cần Chính phủ trao cơ chế đặc biệt, tạo điều kiện trong việc thu hút vốn đầu tư bên ngoài" - vị này cho hay.

Công trình Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng bị đội vốn gấp nhiều lần so với ban đầu, lên đến khoảng 1.900 tỉ đồng trong khi khu đất 257 Trần Hưng Đạo được Chính phủ đồng ý cho phép bán để thanh toán lại chỉ mới đáp ứng một phần nhỏ tổng kinh phí cho dự án. TP HCM đã xin bổ sung 2 khu đất để thanh toán cho nhà đầu tư nhưng các ban, ngành làm công tác tham mưu cho lãnh đạo TP lại chưa thể đưa ra giải pháp phù hợp. "Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM đang nóng lòng chờ chỉ đạo để bắt tay ngay vào việc khi mà công trình này đã ngưng hoạt động và bị phá dỡ hoàn toàn từ đầu năm 2017" - vị lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM nói.

Liên quan dự án này, UBND TP HCM đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tiến hành đàm phán, làm việc lại với nhà đầu tư về phương thức thực hiện dự án cho phù hợp với qui định hiện hành. Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan làm việc với các nhà đầu tư để xem xét việc sử dụng khu đất khác thay thế khu đất 3 ha tại khu Trường đua Phú Thọ (quận 11) để thanh toán hợp đồng BT dự án. 

chọn
[Photostory] Dự án có lượng booking khủng nhất Hà Nội trong quý I/2024
Ngày 1/3 vừa qua, CapitaLand đã chính thức khởi công dự án căn hộ cao cấp Lumi Hà Nội tại phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm. Theo CBRE, trong quý I, Lumi Hà Nội đã đạt được 4.500 booking, vượt hơn số lượng dự kiến chào bán ban đầu, giá bán dự kiến từ 66 triệu đồng/m2.