Luật sư Lê Đức Tiết: Lắp barie trên vỉa hè gây lãng phí, không hiệu quả

Theo Luật sư Lê Đức Tiết, trong khi các quy định về an toàn giao thông đã có, việc lắp barie trên vỉa hè nhằm ngăn xe máy thể hiện sự bất lực của lực lượng chức năng và gây lãng phí.

Trong những ngày qua, việc các thanh barie được lắp dọc vỉa hè đường Lý Tự Trọng, Nguyễn Bỉnh Khiêm… thuộc P.Bến Nghé (Q.1, TP.Hồ Chí Minh) ngăn xe máy leo lề bảo vệ an toàn cho người đi bộ đã gây ra nhiều tranh luận.

Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn LS Lê Đức Tiết - nguyên Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân chủ - Pháp luật của UBTƯ MTTQ Việt Nam về vấn đề này.

lap barie tren via he su bat luc cua luc luong chuc nang
LS Lê Đức Tiết (Ảnh: Phan Minh)

PV: Thưa ông, dưới góc độ một luật sư, ông đánh giá như thế nào về việc UBND TP.HCM lập những barie để chắn trên vỉa hè nhằm ngăn cản tình trạng xe máy đi trên vỉa hè?

LS Lê Đức Tiết: Ách tắc giao thông là tình trạng chung của quá trình đô thị hoá. Nhưng nhiều nước có nhiều cách để giải quyết mâu thuẫn đó theo một cách ổn thoả hơn. Cách tư duy đó là không mang nặng tính quy chụp cho người sử dụng phương tiện mà nghiên cứu về phương diện quản lý.

Thường các nước phát triển, có tầm nhìn xa hàng chục đến hàng trăm năm trước, những khu trung tâm thì không cho xây dựng nhà cao tầng. Càng xây nhiều thì hiện tượng tắc đường càng nghiêm trọng. Thứ hai là người ta dành một tỷ lệ đất đai cho giao thông. Ở những nước này, giao thông của họ rất ít khi tắc.

Đối chiếu lại Việt Nam, việc đô thị hoá của chúng ta mang tính gấp gáp và thiếu tính dài hạn nên sinh ra rất nhiều vấn đề không chỉ về giao thông mà còn về vấn đề môi trường. Ở đây chúng ta cần nhìn nhận thiếu sót trong việc quy hoạch và vấn đề quy hoạch phải có tấm nhìn hàng chục, hàng trăm năm.

Tôi nghĩ rằng trong một chừng mực nào đó, có thể cho rằng việc người dân đi lên vỉa hè một phần xuất phát từ sự ách tắc giao thông và chắc chắn đó cũng không phải là do người dân thích như vậy.

Rất có thể, không ít trong số những người đi xe máy lên vỉa hè là những người phụ nữ sau khi tan ca làm việc, phải cấp tốc về nhà để còn kịp đón con và đi chợ lo bữa cơm tối cho gia đình.

Ở góc độ khác, tôi lại cho rằng việc lập barie trên vỉa hè nhằm ngăn chặn tình trạng xe máy đi trên vỉa hè rất buồn cười. Nó phần nào cho thấy sự bất lực của lực lượng chức năng trong việc này bởi các quy định về an toàn giao thông đã có rồi nhưng nhiều người dân vẫn cứ ngang nhiên vi phạm.

Rõ ràng, ở đây, các quy định của pháp luật về an toàn giao thông đã không được thực thi một cách nghiêm khắc.

PV: Hiện nay, sau khi các barie được lắp đặt xong thì lực lượng chức năng tại TP.Hồ Chí Minh vẫn phải tiến hàng xử phạt hành vi đi xe máy trên vỉa hè. Ông có nghĩ rằng các barie đã phát huy tác dụng như mong muốn?

LS Lê Đức Tiết: Tại sao cùng một hiện tượng ách tắc giao thông và cũng có hiện tượng xe máy đi lên vỉa hè nhưng các đô thị khác như Hà Nội, Đà Nẵng không lập barie? Phải chăng năng lực thực thi pháp luật của một số lực lượng chức năng tại TP.Hồ Chí Minh trong sự việc này chưa tốt?

Việc lập barie không sai luật nhưng không có nghĩa là phù hợp với quần chúng. Việc này gây ra lãng phí rất nhiều bởi bằng chứng là vẫn có hiện tượng người dân đi xe lên vỉa hè. Vấn đề mấu chốt ở đây phải là việc thực thi các quy định của pháp luật trong vấn đề này một cách nghiêm túc.

PV: Theo ông, để xử lý triệt để việc người dân đi xe lên vỉa hè, các cơ quan chức năng liên quan ở TP.Hồ Chí Minh cần làm những gì?

LS Lê Đức Tiết: Theo tôi, việc giảm ách tắc giao thông và thực thi nghiêm các quy định của pháp luật trong lĩnh vực an toàn giao thông sẽ góp phần giảm đáng kể hiện tượng này.

Để giảm ách tắc giao thông, trong điều kiện kinh tế hiện nay và với kinh nghiệm từ Hà Nội, trước mắt cần phải xây dựng các cầu vượt tạm.

Quan trọng hơn tầm nhìn quy hoạch đô thị của chúng ta phải xa hơn nữa chứ không thể "ăn xổi" được để giảm tải hiện tượng ách tắc giao thông.

Còn việc thực thi pháp luật trong lĩnh vực an toàn giao thông, TP.Hồ Chí Minh cũng cần chấn chỉnh.

Từ một việc nhỏ như duy trì trật tự giao thông bằng các quy định đã có sẵn mà còn không làm tốt thì làm sao có thể tạo lòng tin về sự đảm bảo an ninh cho các doanh nghiệp đến đầu tư tại địa phương?

Ngoài ra, dưới góc độ khác, việc lắp các barie như vậy là rất bất tiện đối với những người khuyết tật, những người du lịch và công tác phòng cháy chữa cháy.

Chẳng ai thích đi du lịch ở một thành phố thay vì được ngắm cảnh phố phường lại phải nhìn xuống chân để bước qua các barie nếu không muốn ngã sấp mặt xuống đất.

Vì vậy tôi cho rằng các barie đó cần phải được tháo bỏ luôn.

Xin cám ơn ông!

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.