Người ta lại hoang mang lên Phây búc hỏi nhau: thế này thì ai còn dám làm người tốt, đàn ông ai còn “giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha”?
Từ vùng lũ, MC Phan Anh điển trai cùng hành động hào hiệp và số tiền từ thiện gần 20 tỷ đồng tiếp tục đến tay người nghèo vẫn bị “nghi ngờ”, soi xét. Nhiều người lo lắng cho Phan Anh sẽ gặp rắc rối vì tự đứng ra quyên góp từ thiện, kẻ chê anh “làm màu”, thậm chí đòi truy xét nguồn tiền cứu trợ từ đâu, đòi công khai danh sách những người đã gửi tiền vào tài khoản của Phan Anh.
Trước nữa, “người hùng đèo Bảo Lộc”, tài xế Phan Văn Bắc cũng chịu búa rìu dư luận sau khi cứu sống 30 người. Suốt cả nửa tháng trời ròng rã, người ta lao vào nhà anh, vạch từng kẽ lá tìm cho được “con sâu” và quy kết anh một cách tàn tệ, hả hê, thậm chí đòi anh Bắc phải trả lại khen thưởng, danh hiệu.
Từ bao giờ, nhìn vào một việc tốt, người ta lại mang cái lý ra để soi xét, so bì với cái tình? Có phải từ khi có cộng đồng mạng không? Chẳng hẳn là như thế. Một thời khi phây búc chưa ngự trị trong đời sống xã hội, thì việc các nhóm hiệp sĩ bắt cướp ở Bình Dương hay TP Hồ Chí Minh cũng chật vật giữa câu chuyện Lý và Tình. Có những thời điểm, các hiệp sĩ bị đề nghị “giải tán” vì e ngại danh xưng “hiệp sĩ” bị lạm dụng, e ngại họ hoạt động “ngoài khuôn khổ pháp luật”.
“Trăm cái lý, không bằng một tý cái tình”, người Việt mình duy tình, không duy lý, nên ông giám đốc Cảng vụ Hàng không từ khi tuyên bố “Lục Vân Tiên” sân bay có thể bị xử phạt đã hứng nhiều gạch đá dư luận. Người nào đòi Phan Anh công khai danh sách tiền cứu trợ cũng bị cộng đồng mạng “kết tội”: vô cảm.
Nhưng mổ xẻ cái sự “duy tình” của người Việt, thấy không phải không có lý. Như vụ “Lục Vân Tiên” sân bay, nếu như một người đàn ông thấy phụ nữ đang bị bắt nạt, bị đánh mà dửng dưng đi qua, thì cái lý được bảo toàn ( không gây mất trật tự ở sân bay) nhưng cái tình ở đâu? Trường hợp này, cái tình là chính nghĩa, chính đáng.
Đồng bào đói rét trong lũ, cá nhân Phan Anh đứng ra kêu gọi, quyên góp cứu trợ và bỏ tiền túi của mình đến nửa tỷ đồng, cái tình ấy là cái tình đáng quý, đáng khâm phục.
Anh tài xế Bắc chủ động cứu người hay bị động cứu người thì cũng 30 sinh mạng nhờ anh mà thoát chết. Các hiệp sĩ Bình Dương, Sài Gòn có thể đâu đó hoạt động chưa đúng khuôn khổ, nhưng nhờ thế, người dân được bình yên hơn, mục đích cũng là vì sự bình yên của cuộc sống.
“Tý cái tình” không phải là để “ngồi lên trên luật pháp”, TP Hồ Chí Minh đang tìm mô hình cho các hiệp sĩ được hoạt động chính danh. Cộng đồng mạng tìm quy định pháp lý, hướng dẫn Phan Anh các trình tự cứu trợ, thuế má để không gặp rắc rối về sau.
Điều ấy, cũng có nghĩa, cái lý vẫn cần, nhưng “cái lý” nên là chiếc áo bảo vệ cho những người làm việc nghĩa, chứ không phải mang cái lý ra như một barie, như một rào cản để người ta sợ mà không còn dám làm việc tốt để “tự mua dây buộc mình”…
Ai nói cái tình chính đáng phải bị điều chỉnh bởi cái lý, thì người ấy đã sai rồi…