Mảng màu sáng tối lẫn lộn trong thế giới livestream bán hàng

Từ những cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ đến các "ông lớn" ngành thương mại điện tử đều không nằm ngoài trào lưu phát sóng nhằm tăng doanh số bán hàng này.

Người dân và nhãn hàng đua nhau "chốt đơn"

Livestream bán hàng là xu hướng trong hai năm trở lại đây không chỉ với các cá nhân dùng mạng xã hội mà còn với các sàn thương mại điện tử. Ngay cả việc các "ông lớn" như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo đều thi nhau livestream bán sản phẩm đã trở nên quá quen thuộc. Người dùng Facebook liên tục thấy vô số livestream bán hàng của nhiều cá nhân, công ty, sàn thương mại trên khắp các "ngõ ngách" ở trang mạng xã hội lớn nhất hành tinh này.

Trong đợt khuyến mại thường niên 9/9 năm nay, các sàn thương mại điện tử như Tiki, Shopee hay Lazada cho ra loạt sự kiện livestream tương tác với khách hàng, nhằm thu hút tối đa sự chú ý của người tiêu dùng. Ngay từ đêm 8/9, Lazada và Shopee đã "nổ súng" với hai chương trình đại nhạc hội livestream với khách mời là các nghệ sĩ nổi tiếng. Và các sàn kinh doanh trực tuyến đã phát trực tiếp liên tục trong cả ngày 9/9 nhằm thu hút khách hàng, góp phần quan trọng vào việc tăng doanh số. 

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Việt Nam, anh Nguyễn Hùng Tuấn, chủ một thương hiệu giày dép cho giới trẻ cho biết: "Lượng tương tác và người xem sản phẩm qua kênh livestream của chúng tôi trên Shopee thực sự rất tốt, có khi lên đến 15.000 lượt xem cho một lần livestream. Hiện, công cụ này giúp thương hiệu tăng lượng đơn hàng và doanh thu gần 30% so với trước đó".

Livestream bán hàng đã trở nên phổ biến nhiều năm gần đây, nhưng chính đại dịch Covid-19 là một trong những lí do chủ đạo khiến nó trở thành một trào lưu. Bán hàng qua phát trực tiếp xuất phát từ Trung Quốc - đất nước đã coi đây là một ngành nghề mới. Thậm chí siêu sao nổi tiếng thế giới Kim Kardashian West hay ông trùm Alibaba Jack Ma cũng đã từng livestream để ... bán hàng.

Theo CNN, các nhà phân tích dự đoán xu hướng này cũng có thể thành trào lưu ở nước ngoài. Ví dụ, ở các khu vực Đông Nam Á, hãng Lazada do Alibaba sở hữu cho phép những người quảng cáo hàng hóa qua phát trực tiếp. Amazon cũng có một trung tâm bán hàng livestream tại nhà cho người dùng phương Tây. Và quả thực chúng đã và đang trở nên phổ biến.

Tại thị trường Việt Nam, livestream bắt đầu len lỏi vào ngành kinh doanh, rồi việc bán hàng online cũng xuất hiện trên những kênh livestream hàng đầu đã biến công việc này trở thành xu hướng nghề ngày càng được ưa chuộng.

Ở các trang mạng xã hội, nhiều cá nhân bán hàng online hiện dần chuyển mạnh sang livestream để giới thiệu sản phẩm nhờ sự tương tác cao. Những cá nhân kém nổi tiếng cũng có thể đạt vài nghìn lượt xem cho một buổi "phát sóng". Riêng một số người bán hàng nổi tiếng, hay những người có sức ảnh hưởng trên cộng đồng mạng (KOLS) được nhãn hàng "thuê" để livestream bán hàng có thể đạt được từ vài chục nghìn đến trăm nghìn lượt xem chỉ trong một lần, nhất là trong lĩnh vực mĩ phẩm, thời trang.

Những mảng màu sáng tối lẫn lộn 

Về bản chất, bán hàng qua livestream là sự kết hợp giữa giải trí và thương mại điện tử. Vì vậy, chúng có ưu điểm là người tiêu dùng dễ trao đổi, tìm hiểu sản phẩm. Công cụ livestream giúp loại bỏ tâm lí e ngại khi mua sắm trực tuyến, bỏ đi rào cản không được cầm nắm hay thử sản phẩm. 

Khách hàng được nhìn hình sản phẩm thực thay vì ảnh chụp hay quay quảng cáo, lại tương tác được với người bán ngay mà không mất thời gian đi lại. Bởi không phải ai cũng có nhiều thời gian rảnh để đến các cửa hàng, hay đơn giản chỉ vì họ "lười". Đồng thời, bối cảnh đại dịch Covid-19 kéo dài trong suốt nửa năm qua đã tạo xu hướng người dân mua sắm online và ở nhà nhiều hơn. 

Bên cạnh đó, giá quảng cáo trên Facebook ngày càng cao trong khi livestream có phí bằng 0. Chỉ cần một chiếc điện thoại có thể kết nối mạng là bạn có thể "phát sóng" ngay lập tức. Gõ "livestream bán hàng" trên Google, người dùng lập tức nhận được hơn 11,1 triệu kết quả về các "bí kíp", phương pháp hiệu quả nhất được cộng đồng kinh doanh mạng chia sẻ.

Không những thế, livestream bán hàng còn tạo thu nhập khủng cho rất nhiều người và các nhãn hàng. Tại Việt Nam, thống kê doanh thu từ 4 sàn thương mại điện tử lớn từ đầu năm đến nay tăng 150%, trong đó có “công lớn” từ bán hàng livestream, theo thông tin từ Dân trí.

Trung bình một tháng, mẫu livestream có thể kiếm được hàng chục triệu đồng trở lên. Tuy nhiên, đi kèm với nó là nguy cơ cao như các bệnh liên quan đến họng, một set đồ phải thử hàng chục bộ quần áo dẫn đến cơ thể cực kì mệt mỏi, thậm chí còn bị gạ tình, body shaming trên livestream. Vì vậy, số lượng trụ lại với nghề này không nhiều. Theo CNN, tại Trung Quốc, trong số 400.000 người bán hàng qua livestream vào nửa đầu năm 2020, chỉ 5% - 10% thành công và đủ sống, Iris Pang, nhà kinh tế trưởng của Greater China tại ING ước tính.

Tuy nhiên, nguồn gốc và chất lượng các sản phẩm được bán qua hình thức livestream luôn là câu hỏi mà người xem đặt ra. Livestream giống như một "nồi lẩu thập cẩm", ai cũng có thể phát sóng mà không có sự kiểm duyệt nên bạn có thể bán bất cứ thứ gì trên mạng - chỉ cần không phải những mặt hàng bị pháp luật cấm. 

Vì vậy, những sản phẩm kém chất lượng hay hàng giả có cơ hội lợi dụng điều này. Mua hàng livestream trên mạng xã hội hay thậm chí là các sàn thương mại điện tử vẫn có rủi ro về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ. Và tất nhiên, người tiêu dùng sẽ phải tự chịu trách nhiệm về sản phẩm mình vừa mua. Không có gì làm cơ sở đảm bảo cho người tiêu dùng, nhiều trường hợp khách hàng mua xong phải "cắn răng" vì không biết đền ai. 

Người Việt 'đua nhau' livestream bán hàng  - Ảnh 2.

Một người bán hàng sở hữu hơn 100.000 lượt theo dõi trên Facebook. Cô gái này nổi tiếng nhờ những buổi livestream bán mĩ phẩm với lượt tương tác cao. Tuy nhiên, trong các livestream, cô tự tin trộn kem trong thau inox với thập cẩm chất phụ gia không rõ nguồn gốc. (Ảnh chụp màn hình)

Thậm chí người ta còn livestream qui trình làm mĩ phẩm đơn giản: một vài nguyên liệu (chưa rõ nguồn gốc) được cho vào chậu inox trộn đều, sau đó múc vào lọ để bán. Người mẫu livestream còn ngay lập tức thử nghiệm sản phẩm trên da mình và "chốt" được khá nhiều đơn hàng. Cách thức bán sản phẩm như vậy làm dấy lên nhiều lo ngại bởi mĩ phẩm là loại hàng hóa có qui trình sản xuất khắt khe hơn nhiều loại khác.

Tháng 7 vừa qua, một tổng kho bán hàng lậu qua livestream tại Lào Cai đã bị Tổng cục QLTT triệt phá. Chỉ cần bán hàng qua livestream trong hai năm nay nhưng doanh thu của cơ sở lên tới lên tới 650 tỉ đồng. Đây được coi là vụ bán hàng giả, lậu liên quan tới thương mại điện tử lớn nhất từ trước đến nay.

Dù vẫn còn những mảng tối song không thể phủ nhận hình thức mua sắm online và đặc biệt là bán hàng qua livestream đã góp phần giảm chi phí dịch vụ ở Việt Nam với nhiều thuận lợi. Tuy nhiên, người tiêu dùng cần tỉnh táo lựa chọn những sản phẩm và cửa hàng uy tín, yêu cầu được kiểm tra hàng hóa, tránh tiền mất tật mang. 

"Từ lúc tham gia mạng xã hội, tôi mua 75% đồ dùng cá nhân bằng hình thức online, hầu hết 90% là dùng được. Có vài hãng, nhất là may mặc, ảnh quảng cáo có phần quá mức nên tôi có chút thất vọng", Ngô Khoa, một người tiêu dùng chia sẻ. "Nhưng việc xem livestream đã cải thiện được hạn chế này. Người tiêu dùng cần tìm hiểu kĩ thông tin sản phẩm trước khi đặt mua."


chọn
Đất Thanh Oai đã bớt 'ngáo giá'?
Phiên chợ đất tại Thanh Oai mới đây không còn cảnh người người chen chúc như 3 tháng trước, lượng hồ sơ đấu giá giảm nhiều. Với vị trí gần khu đô thị Thanh Hà, giá trúng các thửa đất chủ yếu dao động 60 - 70 triệu/m2 được đánh giá là hợp lý, dễ thanh khoản.