Đưa ánh mắt dõi theo con bước qua cánh cổng trường đại học Công nghiệp Hà Nội vào phòng thi, cô Lan (Thanh Xuân) không khỏi lo lắng. Cầm chặt chiếc túi phía bên trong đựng lỉnh kỉnh nào sữa, hoa quả, túi xôi... cô Lan quay sang hỏi tôi: "Ở đây có chỗ nào thuê nhà nghỉ không cháu? Tôi thuê mà không biết chỗ nào vì buổi trưa muốn có chỗ cho con nghỉ ngơi chiều thi tiếp vì về sợ chiều tới muộn thì khổ".
"Sáng tôi cũng cho con ăn phở, uống sữa lấy sức nhưng cháu lo lắng, không ăn được. Tôi có chuẩn bị cả đồ ăn cho bữa trưa rồi", cô Lan tâm sự. Nói rồi, cô lại vội vã xách túi đồ đi.
Cô Lan chuẩn bị sẵn đồ ăn trưa cho hai mẹ con |
Đôi mắt luôn thường trực hướng về cổng trường, bác Khuất Văn Hưng (Phúc Hòa, Phúc Thọ, Hà Nội) cho hay, con trai bác đang học Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn. Nhưng cháu có mong muốn thi vào Học Viện cảnh sát vì vậy năm nay cháu xin bố mẹ thi lại.
Hai bố con bác Hưng dậy từ 5 giờ sáng và di chuyển xe máy tới điểm thi. Bác Hưng dự định khi con thi xong sẽ trở về nhà nghỉ ngơi chiều sẽ đến sớm.
“Nếu ở lại đây ngồi vạ vật thì khổ cho cháu nên thi xong tôi sẽ về nhà. Từ điểm thi về nhà tôi khoảng 30 phút nên cho con nghỉ ngơi lấy sức chiều thi tiếp”, bác Hưng chia sẻ.
Bác Hưng tâm sự, có con đi thi mới thấu hiểu được nỗi lòng của cha mẹ. Nhiều đêm thấy con thức trắng đêm học bác Hưng cũng không ngủ được.
Nhiều đêm bác Khuất Văn Hưng phải tắt đèn, treo màn cho con nghỉ khi thấy con ôn thi mà quên chăm sóc bản thân. |
“Thấy con ham học tôi cũng mừng. Nhưng ngày nào cũng thức trắng đêm học, người gầy sút mất mấy cân thịt tôi nhìn mà xót xa. Nhiều khi cứ phải canh con khi con ngủ thì buông màn, trời lạnh thì tắt quạt điện cho không sợ con lạnh rồi ốm. Hôm qua, tôi có khuyên cháu nên đi ngủ sớm lấy sức mai thi. Nhưng cháu vẫn cương quyết học thêm…”.
Theo bác Hưng, lần đi thi này, bác đi cùng con chủ yếu là để giám sát và quản lý đảm bảo cho con có sức khỏe tốt nhất. Bác Hưng còn phòng xa mang theo cả thuốc đau bụng, dầu gió, thuốc đau đầu…
Do hoàn cảnh gia đình khó khăn không ít sĩ tử chọn thi các ngành quan đội, công an để giúp đỡ bố mẹ. Cô Nguyễn Thị Điếc (Thôn Lý Nhân, Dục Tú, Đông Anh, Hà Nội) có con gái thi Đại học năm thứ 2 tâm sự: “Hoàn cảnh gia đình tôi khó khăn vì vậy con gái cũng quyết tâm thi vào trường công an. Năm ngoái cháu đỗ trường Bưu Chính nhưng cháu không đi. Cháu xin mẹ sẽ ở nhà đi làm để năm sau thi lại”.
Cô Nguyễn Thị Điếc cũng "tháp tùng" con đi thi trong tâm trạng lo lắng |
Trong thời gian chờ đợi cho kỳ thi, con gái cô Điếc đã đi làm công nhân ở Công ty bóc tách để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Trong lúc đi làm cô bé vẫn mang sách vở đi để ôn bài.
Cô Điếc cho hay: “Cháu là một đứa trẻ ham học. Lúc còn đi học gia đình khó khăn tôi có nhắc tới việc cho cháu nghỉ học. Mỗi lần như vậy cháu đều khóc hứa với mẹ học thật giỏi để kiếm tiền. Ông ngoại cháu nhiều lần khuyên cháu không đi học nữa để ở nhà giúp mẹ. Cháu nói với ông ngoại “Cháu chết cũng phải đi học”. Thấy con ham học vậy tôi cũng chỉ biết để cho cháu thỏa ước mơ”.
Sáng sớm nay hai mẹ con cô Điếc phải dậy từ rất sớm di chuyển xe máy xuống Hà Nội. Nhưng do không biết đường nên hai mẹ con đã bị lạc mất cả tiếng rưỡi mới đến được điểm thi.
“May mắn khi hai mẹ con đến nơi thì vừa kịp giờ vào thi của cháu”, cô Điếc nói.
Trường hợp của bác Nguyễn Đức Kiên (Sóc Sơn, Hà Nội) mới thật... vui. Tối hôm qua ngày 21/6, bác Kiên mới biết con mình đi thi. Bởi lẽ, con gái bác là Nguyễn Thu Trang đang học trường Cao đẳng du lịch nhưng vì muốn học cao hơn nên đã không cho gia đình, tự đăng ký thi lại.
Ngày đi làm thủ tục thi, Trang tự đi nhưng những ngày thi chính, vì là người bản tính khá khép kín, nhút nhát nên có phần hồi hộp, Trang đã nhờ bố đưa mình đi.
"Lúc đó tôi rất bất ngờ vì không nghĩ con đi thi lại. Nhưng vì con tôi phải thu xếp công việc đồng áng để đưa con đi thi, việc cấy hái để sau. Điều quan trọng con thỏa được ước mơ của mình, tôi sẽ tạo tất cả các điều kiện mình có cho con”, bác Kiên tâm sự.
Còn với nhiều thí sinh là quân nhân, họ lại mang trong mình tâm sự của những người mang trên vai sự tin tưởng của lãnh đạo, của đồng đội và gia đình.
Quan Ngọc Bằng (SN 1997), Trường Lục quân 1 (Sơn Tây, Hà Nội) mang theo tâm trạng hồi hộp đến với kỳ thi tốt nghiệp THPT 2017. Bằng bảo rằng, quân đội là đam mê của mình lại được cấp trên tạo điều kiện nên sẽ cố gắng hết sức dù không biết kết quả có được như hai năm trước Bằng đã từng thi.
Với các chàng quân nhân này, họ đã có những phút ôn thi miệt mài khi đồng đội nghỉ ngơi |
Còn với Đặng Văn Tiến (SN 1997), Trung đoàn Thủ đô, khi chia sẻ về những ngày tháng ôn thi của mình cũng không giấu được sự lo lắng.
"Bọn em tự ôn thi ở đơn vị. Được đơn vị tạo điều kiện nên trong thời gian nghỉ giải lao hay buổi tối bọn em thường tranh thủ ôn cùng nhau. Có những kiến thức bọn em chưa biết thì gọi về quê nhờ các thầy cô cũ của mình chỉ giúp", Tiến tâm sự.