Microsoft mất cơ hội mua lại TikTok

ByteDance đã từ chối lời đề nghị mua lại hoạt động của TikTok tại Mỹ từ phía Microsoft, khi hạn chót theo một lệnh hành pháp của Tổng thống Donald Trump sắp kết thúc.

Theo New York Times, Microsoft là tập đoàn công nghệ Mỹ sẵn sàng chi đậm nhất để mua lại hoạt động của TikTok tại Mỹ từ ByteDance. Ngoài ra, Microsoft cũng là tập đoàn có năng lực giải quyết các lo ngại về an ninh quốc gia liên quan đến lệnh hành pháp của Tổng thống Trump nhất.

Thông báo mới của Microsoft khiến Oracle - một trong số ít doanh nghiệp ở Thung lũng Silicon công khai ủng hộ ông Trump, là bên muốn mua duy nhất còn lại được biết đến công khai trong thương vụ bán TikTok ở Mỹ.

ByteDance từng nói Oracle sẽ là "đối tác công nghệ" của họ, song không rõ liệu tuyên bố ấy có đồng nghĩa là Oracle cũng sẽ là công ty chiếm đa số cổ phần của ứng dụng chia sẻ video nổi tiếng hay không, New York Times dẫn lời nguồn tin cho hay.

Trong một tuyên bố, Microsoft xác nhận: "Vào ngày 13/9, ByteDance thông báo cho chúng tôi biết họ sẽ không bán lại các hoạt động của TikTok tại Mỹ cho Microsoft. Dù vậy, chúng tôi tin tưởng đề xuất của mình sẽ có lợi cho người dùng TikTok, đồng thời góp phần bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia".

ByteDance từ chối đưa ra bình luận, trong khi phát ngôn viên của Oracle chưa phản hồi yêu cầu bình luận từ New York Times.

ByteDance từ chối bán TikTok cho Microsoft - Ảnh 1.

Microsoft đã tuột mất cơ hội mua lại hoạt động của TikTok tại Mỹ. Sau khi Microsoft rời cuộc chơi, Oracle là công ty duy nhất công khai mua ứng dụng chia sẻ video nổi tiếng tại Mỹ. (Ảnh minh họa. Nguồn: AFP)

Vào tháng 8, Microsoft từng tuyên bố rằng họ sẽ kiên quyết áp dụng một loạt biện pháp bảo vệ cơ bản cho phép tập đoàn kiểm soát mã máy tính (code) mà TikTok sử dụng cho phiên bản Mỹ cũng như các phiên bản nói tiếng Anh khác của ứng dụng.

Vài tuần sau, Trung Quốc ban hành các qui định mới về xuất khẩu, ngăn TikTok chuyển giao công nghệ của họ cho người mua nước ngoài mà không có sự cho phép rõ ràng từ Bắc Kinh.

TikTok đã trở thành điểm nóng mới nhất giữa Washington và Bắc Kinh về việc kiểm soát các công nghệ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân Mỹ. Trước đó, chính quyền ông Trump đã cấm tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei bán công nghệ và thiết bị mạng 5G tại Mỹ do lo ngại về rủi ro an ninh quốc gia.

Vào ngày 6/8, ông Trump đã ban hành một sắc lệnh hành pháp buộc TikTok phải đạt được thỏa thuận bán các tài sản ở Mỹ trước ngày 20/9. Sau đó, ông Trump kí thêm một lệnh hành pháp khác cho ByteDance thêm vài tuần tuần để chốt thỏa thuận bán TikTok.

Các động thái ấy đã đưa cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc đi theo hướng mới. Lần đầu tiên, Mỹ cố gắng ngăn chặn một hiện tượng văn hóa Trung Quốc đang thu hút sự chú ý của giới trẻ Mỹ.

Ngay cả khi Oracle cố gắng hoàn tất thỏa thuận mua lại TikTok, New York Times nhận định không ai biết liệu Bắc Kinh sẽ tạo thêm trở ngại mới cho quá trình này hay không. Hơn nữa, bối cảnh chính trị Mỹ trong năm bầu cử tổng thống đã trì hoãn các cuộc đàm phán ngay từ đầu.

Khác với nhiều công ty công nghệ khác, Oracle đã xây dựng mối quan hệ bền chặt với chính quyền Tổng thống Trump. Ông Larry Ellison - nhà sáng lập Oracle, đã tổ chức một sự kiện gây quĩ cho ông Trump, còn Tổng giám đốc Safra Catz của Oracle đang tham gia đội ngũ tranh cử của ông Trump và thường xuyên tới Nhà Trắng.

chọn
Hình ảnh khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ sau hơn năm khởi công
Hình ảnh mới nhất về tiến độ khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ sau hơn năm khởi công.